Càng phải tươi cười khi đi làm, người ta lại càng có xu hương uống nhiều rượu lúc tan ca - Ảnh minh họa: Getty Images
Một nghiên cứu mới đây cho thấy có mối liên hệ giữa những người luôn phải giữ gương mặt tươi cười ở chỗ làm và việc họ tìm đến rượu bia lúc tan ca.
Tạp chí Forbes ngày 21-10 đăng tải bài viết của nhà trị liệu tâm lý Amy Morin, trong đó giới thiệu một nghiên cứu vừa được đăng trên tạp chí sức khỏe Journal of Occupational Health Psychology (Mỹ) số tháng 8 mới đây.
"Những nhân viên cảm thấy họ bị ép phải cười khi đi làm thường uống rượu bia nhiều khi tan ca", Amy Morin đúc kết từ nghiên cứu do các chuyên gia đến từ Đại học Buffalo, New York và Đại học bang Pennsylvania công bố trước đó.
Theo thông cáo báo chí mà nhóm nghiên cứu đưa ra, các chuyên gia đã sử dụng dữ liệu phỏng vấn qua điện thoại 1.592 người đi làm ở Mỹ từ một cuộc khảo sát trên diện rộng có tên Khảo sát quốc gia về căng thẳng và sức khỏe.
Những ngành nghề được khảo sát là giáo viên, y tá, nhân viên ngành dịch vụ thực phẩm, tuy nhiên, theo Amy Morin, nghiên cứu này có thể được áp dụng cho nhiều ngành nghề khác, chẳng hạn như bán hàng, tiếp thị hoặc bất kỳ ngành nghề nào mà người ta bắt buộc phải tiếp xúc với công chúng.
Người làm các nghề kể trên thường phải cười dù cho họ cảm thấy như thế nào. Thêm vào đó, sự thành công trong công việc của họ phụ thuộc vào khả năng kềm chế cảm xúc tiêu cực, thu nhập của họ cũng phụ thuộc vào khả năng tươi cười và hành động theo phương châm "khách hàng luôn luôn đúng".
Vì đã sử sụng hết khả năng kiểm soát bản thân ở chỗ làm, ngưới ta không cònkhả năng kiểm soát bản thân khi uống rượu sau giờ làm? - Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng việc "diễn sâu" này về lâu dài có thể khiến họ "sức tàn lực kiệt", và nhiều người muốn tìm đến rượu bia lúc tan ca.
"Không chỉ vì buồn mà họ tìm đến rượu bia, mà khi càng phải kiểm soát cảm xúc tiêu cực của mình khi đi làm, người ta lại càng ít có khả năng kiểm soát lượng bia rượu đưa vào người sau giờ làm", Alicia Grandey, giảng viên tâm lý học tại Đại học bang Pennsylvania phát biểu.
Dù đã chỉ ra mối liên hệ giữa người làm ngành dịch vụ và các vấn đề rượu bia, tuy nhiên Alicia Grandey cho biết nghie6nc ứu này vẫn chưa chỉ ra được nguyên nhân chính xác.
Theo giả thuyết của bà, để có thể giả vờ hoặc kìm nén cảm xúc trước mặt khách hàng, người làm dịch vụ phải sử dụng "khả năng kiểm soát bản thân" khá nhiều. Vì lẽ đó, họ chẳng còn mấy khả năng kiểm soát bản thân đối với lượng rượu bia mình uống sau khi tan ca.
"Luôn tươi cười cũng chính là một phần công việc, nghe có vẻ như là một điều thực sự tích cực, thế nhưng làm như vậy cả ngày có thể làm bạn kiệt sức", bà đúc kết.
Giải pháp là gì? "Hãy chú ý đến thói quen rượu bia của mình. Càng ý thức được ‘diễn sâu’ khiến mình mệt mỏi ra sao, càng phải có kỷ luật với bản thân sau giờ làm", nhà trị liệu tâm lý Amy Morin khuyên.
"Nếu bạn là sếp, nên nhận thấy được vấn đề mà nhân viên của mình nên đối mặt. Hãy trò chuyện để nhân viên biết được bạn cũng hiểu ‘diễn sâu’ mệt mỏi như thế nào, và phương châm ‘khách hàng luôn luôn đúng’ khó ra sao", Amy Morin nói thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận