26/12/2018 10:19 GMT+7

Căng thẳng Triều Tiên leo thang

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Khi lệnh trừng phạt kéo dài và đàm phán phi hạt nhân bế tắc, Triều Tiên chỉ còn hai lựa chọn: giải giáp hoặc ngược lại, phóng tên lửa mạnh hơn.

Căng thẳng Triều Tiên leo thang - Ảnh 1.

Bàn cờ Mỹ - Trung được cho có ảnh hưởng quyết định đến tình hình bán đảo - Ảnh: Reuters

Và thật không may cho hòa bình thế giới, giới quan sát đang nghiêng về phương án thứ hai.

Căng thẳng

Trong hôm 25-12, truyền thông Nhà nước Triều Tiên chỉ trích nghị quyết Liên Hiệp Quốc về việc lên án Bình Nhưỡng xung quanh các vấn đề nhân quyền, gọi đó là động thái có thể cản trở nỗ lực hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Bài viết trên báo Rodong Shimbun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, chỉ thẳng vào "ý đồ xấu xa của Mỹ", cũng như chỉ trích Hàn Quốc "thiếu suy xét" khi ủng hộ nghị quyết Liên Hiệp Quốc.

Trước đó, vào ngày 20-12, Triều Tiên cũng cảnh báo Mỹ phải định nghĩa đúng thế nào là "phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên". Theo đó, việc tháo gỡ tất cả các nguồn đe dọa hạt nhân là việc không chỉ của Hàn Quốc và Triều Tiên, mà phải bao gồm tất cả các khu vực lân cận bán đảo này.

Các khu vực khác ấy ám chỉ việc Mỹ vẫn duy trì lực lượng tấn công hạt nhân ở khu vực đảo Guam và đội tàu ngầm có tên lửa hạt nhân ở các vùng nước phía tây Thái Bình Dương.

Lời qua tiếng lại kiểu này tiếp tục phản ánh tình trạng căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Triều, giữa bối cảnh Bình Nhưỡng tiếp tục phải hứng chịu lệnh cấm vận của Mỹ, bất chấp những lời lẽ ngoại giao về cái gọi là "tiến triển".

Theo nội dung các cuộc họp báo qua điện thoại của phía Mỹ gần đây, quan chức Nhà Trắng đến nay vẫn khẳng định chiến lược "gây sức ép tối đa" lên Triều Tiên để nước này từ bỏ chương trình hạt nhân, sau đó đổi lại sẽ tháo gỡ cấm vận cũng như xa hơn nữa là đầu tư vào Triều Tiên để Bình Nhưỡng phát triển kinh tế.

Triều Tiên hay bàn cờ Mỹ - Trung?

Washington Examiner, một tờ báo có khuynh hướng khai thác nội dung khác biệt với phần còn lại của truyền thông Mỹ, mới đây có bài viết với tiêu đề "Hãy chuẩn bị cho đợt phóng tên lửa mới của Triều Tiên".

Tác giả Tom Rogan cho rằng việc vấp phải cấm vận từ Mỹ trong giai đoạn đàm phán này đang khiến Triều Tiên mất kiên nhẫn, vì nền kinh tế của họ bị đặt vào tình trạng "khủng hoảng". Khi đó, lãnh đạo Kim Jong Un giờ có hai lựa chọn.

Thứ nhất, Triều Tiên tỏ ra thiện chí bằng việc bỏ chương trình hạt nhân để đổi lại là nhượng bộ từ Mỹ. Thứ hai, ông Kim Jong Un có thể quay về cách thức cũ bằng các đợt phóng tên lửa thử nghiệm để gây sức ép lên Mỹ.

Ông Rogan kết luận: "Thật tiếc, tôi tin rằng ông Kim sẽ chọn giải pháp thứ hai, vì làm vậy sẽ cho phép ông gia tăng năng lực tấn công bằng ICBM (tên lửa đạn đạo liên lục địa)".

Cùng nhận định, giáo sư Lee Seong Hyon, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc tại Viện Sejong (Hàn Quốc), cho rằng Triều Tiên sẽ tận dụng khả năng hạt nhân của mình để duy trì thế đứng trong cục diện mới.

Ông Lee, người đoán đúng việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un gặp nhau lần đầu vào năm 2018, khẳng định năm 2019 sẽ là lúc mối tương tác này tiếp tục được thúc đẩy.

Trong ngắn hạn, cả Triều Tiên lẫn Trung Quốc đều cần siết chặt quan hệ để đạt được lợi thế trên bàn đàm phán với Mỹ. Và thực tế chuyện Triều Tiên, trong mắt Trung Quốc, sẽ không chỉ là "Triều Tiên", mà sâu xa hơn sẽ dùng toàn bộ yếu tố này để giải quyết căng thẳng với Mỹ.

Với việc Mỹ và Trung Quốc đang căng thẳng gần như trên mọi lĩnh vực, Triều Tiên là sân khấu duy nhất mà họ có thể "cùng làm việc với nhau", hoặc cùng xây dựng một cái gì đó - như hòa bình Triều Tiên chẳng hạn.

Tại sự kiện G20 tổ chức ở Argentina cuối tháng 11, ông Tập và ông Trump đã thống nhất "đình chiến thương mại" 90 ngày, bắt đầu từ ngày 1-1-2019. Chuỗi ngày ấy sẽ kéo dài hết tháng 3 năm 2019, thời điểm có thể cuộc gặp Trump - Kim và Kim - Tập đã diễn ra.

Ông Trump lạc quan

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 25-12 viết đầy lạc quan về Triều Tiên trên Twitter: "Báo cáo ngay đêm Giáng sinh cùng đội ngũ phụ trách Triều Tiên. Đã có những tiến triển. Giờ cùng hướng tới cuộc gặp giữa tôi và ông Kim!".

Ông Trump nhắc tới cuộc thượng đỉnh lần 2 với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, dự kiến có thể diễn ra trong tháng 1 hoặc tháng 2 của năm 2019.

Về lý thuyết, cuộc gặp này được kỳ vọng làm rõ thêm một số vướng mắc chưa được giải quyết kể từ lần gặp được mô tả "lịch sử" vào tháng 6-2018 ở Singapore.

Tuy vậy, động tác của ông Trump được cho là để trấn an dư luận, vì nó tương đối lạc tông so với diễn biến thực sự những ngày này.

Hai miền Triều Tiên tổ chức lễ kết nối đường sắt và đường bộ

TTO - Sáng nay (26-12), một phái đoàn Hàn Quốc đã đến thành phố biên giới Kaesong của Triều Tiên để tham dự lễ kết nối các tuyến đường bộ và đường sắt theo thỏa thuận trước đó từ lãnh đạo hai nước.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên