04/02/2025 09:48 GMT+7

Căng thẳng thương mại Mỹ với Canada, Mexico, Trung Quốc: Doanh nghiệp Việt chủ động ứng phó

Việc Mỹ đe dọa áp thuế mới lên hàng nhập khẩu từ Canada, Mexico và Trung Quốc gây lo ngại về căng thẳng thương mại toàn cầu. Bởi bất kỳ quốc gia nào có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ đều có thể trở thành mục tiêu. Việt Nam không phải ngoại lệ.

Căng thẳng thương mại Mỹ với Canada - Mexico - Trung quốc: Doanh nghiệp Việt chủ động ứng phó - Ảnh 1.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở vùng ĐBSCL - Ảnh: CHÍ QUỐC

Ngoài ra theo các chuyên gia, việc giá cả hàng hóa leo thang, sức mua của người tiêu dùng suy giảm có thể sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam, một nền kinh tế có độ mở cao, phụ thuộc vào xuất khẩu và dòng vốn FDI.

Khi các quốc gia tăng thuế lẫn nhau, không chỉ những doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc hay châu Âu bị tác động, mà còn có nguy cơ xuất hiện thêm các biện pháp phi thuế quan khác.

Doanh nghiệp Việt lo bị "văng miểng"

"Các doanh nghiệp Việt Nam không nên vội mừng vì không nằm trong các quốc gia áp thêm thuế hoặc các mặt hàng bị đánh thuế chưa rơi vào nhóm xuất khẩu chủ lực.

Bởi lẽ sớm hay muộn, chiến lược mặc cả trong đàm phán thương mại của Mỹ sẽ nhắm đến các quốc gia có thâm hụt thương mại lớn" - TS Nguyễn Quốc Việt, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), nhận định.

Theo ông Việt, khi các biện pháp thuế quan và trừng phạt qua lại giữa các nền kinh tế lớn leo thang, giá cả hàng hóa sẽ tăng mạnh.

Doanh nghiệp sẽ buộc phải chuyển phần thuế này vào giá bán, khiến người tiêu dùng cuối cùng phải gánh chịu chi phí cao hơn. Đã có những phân tích chỉ ra rằng mỗi người dân Mỹ sẽ chịu thêm một khoản chi phí không nhỏ do chính sách áp thuế.

Đây cũng có thể là lý do khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) lo ngại lạm phát quay trở lại, buộc phải cân nhắc việc trì hoãn kế hoạch cắt giảm lãi suất.

Một điểm đáng lưu ý là chính quyền Mỹ, đặc biệt dưới thời Trump 2.0, có xu hướng sử dụng thuế suất như một công cụ mặc cả trong quan hệ thương mại. Bất kỳ quốc gia nào có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ đều có thể trở thành mục tiêu. Việt Nam không phải ngoại lệ.

Ông Hoàng Mạnh Cường, đồng sáng lập kiêm giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Vinaxo - doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh trái cây sấy, nhận định rằng Trung Quốc và Mexico đang là hai đối thủ cạnh tranh hàng đầu của Việt Nam trong ngành hàng này tại thị trường Mỹ.

Tuy nhiên thách thức không chỉ đến từ các quốc gia này mà còn từ chính những hoạt động thương mại ngay trên lãnh thổ Việt Nam.

"Một mối nguy tiềm ẩn lớn mà chúng ta phải đối mặt là việc các DN nước ngoài, đặc biệt là từ Ấn Độ và Trung Quốc đến Việt Nam mở nhà xưởng, thực hiện tạm nhập tái xuất hoặc đơn giản là đóng gói lại sản phẩm từ Trung Quốc rồi xuất sang Mỹ dưới nhãn mác "made in Vietnam" để né thuế. Nếu không kiểm soát chặt chẽ, điều này có thể ảnh hưởng ngành xuất khẩu", ông Cường cảnh báo.

Căng thẳng thương mại Mỹ với Canada - Mexico - Trung quốc: Doanh nghiệp Việt chủ động ứng phó - Ảnh 2.

Thanh long là một trong những loại trái cây được xuất khẩu đi Mỹ với lượng lớn - Ảnh: N.TRÍ

Phải chủ động cải thiện nội lực

Một hệ quả tất yếu của căng thẳng thương mại là sự dịch chuyển sản xuất. Theo TS Nguyễn Quốc Việt, các doanh nghiệp Đông Bắc Á có thể chuyển một phần sản xuất sang Đông Nam Á để né thuế, từ đó làm gia tăng thâm hụt thương mại giữa các nước đó và Mỹ.

Nếu khoảng cách giữa xuất khẩu vào Mỹ và nhập khẩu từ Mỹ ngày càng lớn, Việt Nam có thể bị "soi kỹ" hơn.

Tuy nhiên, đây cũng có thể là một cơ hội chiến lược. Với vị thế là điểm đến hấp dẫn của chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao của Mỹ đầu tư mạnh hơn vào thị trường nội địa.

Không chỉ nhằm khai thác thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp này còn có thể coi Việt Nam như một cửa ngõ để tiếp cận sâu hơn vào Đông Nam Á.

Việc mở cửa hơn nữa lĩnh vực dịch vụ có thể là một chiến lược quan trọng. 

Nếu thu hút được những doanh nghiệp hàng đầu về trí tuệ nhân tạo, tài chính - ngân hàng, bảo hiểm hay giáo dục của Mỹ, Việt Nam có thể định vị mình là một trung tâm dịch vụ của khu vực.

Điều này không chỉ giúp cân bằng thương mại mà còn tạo ra động lực tăng trưởng mới.

"Việc cân bằng thương mại với Mỹ không thể diễn ra ngay lập tức với các nước trong khu vực. Nhưng nếu có những biện pháp khéo léo và mở cửa thị trường một cách phù hợp, đây có thể trở thành động lực và tạo ra không gian tăng trưởng mới mà Việt Nam đang hướng tới", TS Việt nhận định.

Nhưng để tận dụng cơ hội từ dịch chuyển chuỗi cung ứng và giảm thiểu rủi ro từ căng thẳng thương mại, theo các chuyên gia, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách môi trường kinh doanh, nâng cấp cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đây sẽ là nền tảng giúp Việt Nam không chỉ thu hút đầu tư chất lượng, mà còn từng bước trở thành một trung tâm sản xuất và dịch vụ chiến lược trong khu vực.

Ông Hoàng Mạnh Cường đánh giá chính quyền Mỹ ngày càng quan tâm đến việc cân bằng cán cân thương mại và những thay đổi về chính sách có thể tác động mạnh đến ngành xuất khẩu.

"Các doanh nghiệp chỉ có thể làm tốt nhất phần việc của mình, nhưng để đảm bảo cân bằng cán cân thương mại, điều mà Tổng thống Trump quan tâm nhất, cần có sự điều chỉnh từ chính sách vĩ mô", ông Cường nói.

Việc các nước khác lợi dụng nhãn mác "made in Vietnam" để tái xuất không phải là câu chuyện mới.

Chính quyền Donald Trump trước đây từng đưa ra cảnh báo về vấn đề này. "Chúng tôi hy vọng Chính phủ năm nay sẽ có sự định hướng đúng đắn, kịp thời và hiệu quả để lèo lái ngành xuất khẩu, đặc biệt là thế mạnh của Việt Nam là nông sản, vươn mạnh để cạnh tranh", ông Cường nói.

- Bà ĐỖ THỊ THÚY HƯƠNG (ủy viên ban chấp hành Hiệp hội DN điện tử Việt Nam - VEIA):

Kiểm soát chặt vấn đề gian lận thương mại

Trong bối cảnh địa chính trị thế giới phức tạp và có nhiều biến động khó lường, Việt Nam là điểm sáng thu hút chuỗi cung ứng trong lĩnh vực công nghệ.

Những cam kết của Chính phủ hỗ trợ nhà đầu tư, thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao với sự hiện diện của nhiều nhà đầu tư lớn như Qualcomm đầu tư lĩnh vực đóng gói chip, hay Nvidia cam kết hỗ trợ đào tạo nhân lực...

Dù vậy năm 2025 được nhận định sẽ có những biến động kinh tế và chính trị, đặc biệt là chính sách của thời kỳ Trump 2.0.

Do đó cùng với cơ hội sẽ là những thách thức, đặc biệt là nguồn cung nguyên liệu, sự gia tăng chi phí như logistics.

Doanh nghiệp luôn phải sẵn sàng đối diện với thách thức, đặc biệt khi xuất khẩu vào Mỹ và lĩnh vực điện tử có khả năng bị áp thuế xuất khẩu, bị đưa ra những rào cản phi thuế quan. Việc chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn, đặc biệt là vấn đề gian lận thương mại nên phải có đề phòng nhất định.

Nhanh chóng đa dạng thị trường xuất khẩu

Theo ông Phan Đức Trung - chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, cộng đồng DN cần nhanh chóng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng sang EU, Ấn Độ, Trung Đông và châu Phi nhằm giảm sự phụ thuộc vào Mỹ.

Bên cạnh đó việc gia tăng giá trị nội địa trong sản phẩm xuất khẩu thay vì chỉ tập trung vào gia công cũng là một giải pháp cần thiết nhằm hạn chế rủi ro bị đánh thuế.

"Ngoài ra cần nâng cao tính minh bạch trong chứng nhận xuất xứ sản phẩm để tránh bị nghi ngờ, đồng thời tận dụng các hiệp định thương mại tự do khác nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Năm 2023, Mỹ áp thuế chống bán phá giá lên thép Việt Nam với mức lên đến 256%", ông Trung khuyến cáo.

Các chuyên gia cũng cho rằng sự bất ổn địa chính trị và căng thẳng thương mại toàn cầu có thể leo thang bất cứ lúc nào, đặc biệt khi các nước đã tuyên bố những cách trả đũa khác nhau.

Trong bối cảnh này, Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế như môi trường chính trị ổn định, đường bờ biển dài thuận lợi cho giao thương, cùng với hàng loạt hiệp định thương mại mang lại ưu đãi lớn. Đây chính là thời điểm để tận dụng cơ hội, biến thách thức thành lợi thế.

- Ông NGUYỄN THANH BÌNH (chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam):

Thay đổi "bỏ trứng vào một rổ"

Căng thẳng thương mại Mỹ với Canada - Mexico - Trung quốc: Doanh nghiệp Việt chủ động ứng phó - Ảnh 3.

Việc Mỹ tăng mức áp thuế đối với các nước đã được dự báo trước và có thể Việt Nam cũng sẽ bị tăng mức áp thuế đối với hàng xuất khẩu vào quốc gia này. Do đó việc chủ động tính toán đưa ra giải pháp để tránh thiệt hại là điều cần thiết.

Đối với rau quả, hiện Việt Nam xuất đi đến khoảng 80 quốc gia, trong đó kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ đạt khoảng 300 triệu USD với 7 mặt hàng xuất chính ngạch.

Chúng tôi đang cố gắng thay đổi tình trạng "bỏ trứng vào một rổ" bằng cách giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường lớn, đồng thời gia tăng xuất khẩu qua thị trường mới như châu Phi, Trung Đông...

- Ông TRƯƠNG ĐÌNH HÒE (nguyên tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam):

Hợp lý và chủ động

Căng thẳng thương mại Mỹ với Canada - Mexico - Trung quốc: Doanh nghiệp Việt chủ động ứng phó - Ảnh 3.

Mỹ đang là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Trung Quốc. Dù chưa nói trước được điều gì nhưng những bước đi của Mỹ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến Việt Nam.

Tuy vậy những sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như cá tra và tôm là thực phẩm thiết yếu, không nhiều nước sản xuất lớn. Do đó các nước phải nhập khẩu và tiêu dùng.

Hơn nữa thách thức cũng đi liền với cơ hội nếu chúng ta biết cư xử hợp lý và chủ động. Ví dụ tôm nguyên liệu của Ecuador và Ấn Độ đang có giá bán khá tốt trên thế giới.

Để cạnh tranh, thay vì chỉ xuất tôm nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã điều chỉnh sang hướng tăng chế biến sâu và đã thành công, trong đó có thâm nhập tốt vào thị trường Mỹ. Điều quan trọng là chúng ta có những sản phẩm gì, có cái khách hàng cần hay không và giá bán phải thật tốt.

- Ông PHAN MINH THÔNG (chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group):

Cần đa dạng thị trường xuất khẩu

Căng thẳng thương mại Mỹ với Canada - Mexico - Trung quốc: Doanh nghiệp Việt chủ động ứng phó - Ảnh 3.

Mỹ và châu Âu là hai thị trường nhập khẩu hồ tiêu của Việt Nam nhiều nhất, hồ tiêu Việt Nam không bị đánh thuế khi xuất khẩu vào Mỹ.

Thực tế câu chuyện về thuế không quá lo ngại vì quốc gia này gần như không sản xuất hồ tiêu nên không bức thiết trong việc dựng lên hàng rào thuế nhằm bảo vệ và duy trì sản xuất trong nước; chưa kể nhiều doanh nghiệp ở Mỹ chủ yếu tạm nhập hồ tiêu và tái xuất đi. Trường hợp tăng thuế thì phía nhập khẩu, nghĩa là người mua phải chịu.

Tuy vậy với lượng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ nói chung đang khá nhiều và có xu hướng tăng trưởng mạnh, nhiều ngành nghề sẽ bị ảnh hưởng nếu Mỹ tăng mức áp thuế cho các sản phẩm nhập từ Việt Nam.

Chúng tôi đã xuất khẩu đi 102 thị trường và luôn cố gắng đa dạng thị trường, phong phú sản phẩm chế biến sâu để giảm yếu tố cạnh tranh từ các nước xuất khẩu, đồng thời giảm thiểu rủi ro và thiệt hại nếu bị áp thuế ở các thị trường.

Căng thẳng thương mại Mỹ với Canada - Mexico - Trung quốc: Doanh nghiệp Việt chủ động ứng phó - Ảnh 3.Nhà Trắng khen Mexico 'nghiêm túc', nói Canada 'hiểu sai' thuế quan của Mỹ

Nhà Trắng nhận thấy Mexico "nghiêm túc" trước quy định về thuế quan của Tổng thống Donald Trump, trong khi Canada đã hiểu sai rằng dây là một cuộc chiến thương mại giữa các nước láng giềng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên