Phụ nữ ở nhiều nước đang trả bộn tiền để tham gia trào lưu giảm căng thẳng độc lạ có tên "nghi lễ thịnh nộ" (Rage Ritual). Phải chăng cái thời "dẫu cho chín giận mười hờn cũng nguôi" qua rồi?

Các video ghi cảnh thực hành "nghi lễ thịnh nộ" gây chú ý trên TikTok vì gây tò mò lẫn gợi đồng cảm từ người xem, nhất là phụ nữ.

Một đoạn clip có cảnh những phụ nữ la hét, khóc lóc và đập gậy xuống đất trong một khoảnh rừng để giải tỏa cơn giận, nhận được hơn 39.000 lượt thích, cả triệu lượt xem.

Căng thẳng quá thì hãy hét lên - Ảnh 1.

Trong một buổi thực hành điển hình, người chủ trì Mia Banducci bắt đầu bằng cách phát cho mỗi người một cây gậy lớn rồi khởi động các bài tập thở.

Sau đó, bà khuyến khích học viên nhớ đến những người đã từng làm tổn thương, phớt lờ giới hạn chịu đựng, lợi dụng và lạm dụng mình dưới bất kỳ hình thức nào. Khi những cơn giận đến thì giải phóng chúng trong khoảng 20 phút. Hoạt động được tổ chức trong rừng nên những tiếng la hét, vung gậy sẽ không làm phiền đến ai.

Một số học viên nữ bắt đầu khóc nức nở, trong khi những người khác quỳ trên mặt đất, người đầy bùn đất.

Theo bà Banducci, làm như vậy là cho phép bản thân giải tỏa cơn giận, tăng khả năng vui vẻ trở lại rồi về với gia đình trong sự biết ơn, thoải mái và bình yên.

Căng thẳng quá thì hãy hét lên - Ảnh 2.

Thỉnh thoảng, nhiều cảm xúc sâu xa trong tâm tưởng sẽ bất ngờ trỗi dậy ở nghi lễ thịnh nộ.

Ví dụ lần đầu tham gia, Helmus nghĩ sẽ giải quyết cơn tức giận với chồng cũ, dè đâu nỗi đau chôn chặt trong lòng khi chứng kiến cái chết của một người bạn hồi 15 tuổi ùa về.

Điều này có lẽ phần nào giúp học viên của nghi lễ thịnh nộ hiểu bản thân và đối diện với các cảm xúc ẩn của mình tốt hơn.

Bà Banducci đã tổ chức hoạt động này mấy năm qua ở Scotland, rồi lan ra khắp thế giới. Ban đầu bà ứng dụng cho bản thân rồi tới bạn bè.

Căng thẳng quá thì hãy hét lên - Ảnh 3.

Tuy nhiên, chi phí để la hét trong một sự kiện như vậy lại không rẻ chút nào.

Banducci cho hay mỗi tour chữa lành (retreat), bao gồm nghi lễ "trả tiền để trút giận", của bà có giá dao động từ 2.000 đến 4.000 USD, còn vé lẻ một ngày là 222 USD. Bà dự kiến sẽ đưa sự kiện tới Pháp tháng 8 tới với giá từ 6.500 đến 8.000 USD/người.

Căng thẳng quá thì hãy hét lên - Ảnh 4.

Nhiều bình luận của khán giả nữ bên dưới các video được đăng tải về nghi lễ thịnh nộ bày tỏ sự cảm động khi thấy các học viên thể hiện nỗi tức giận.

Một người dùng TikTok ước mình có đủ khả năng đến với buổi học, người khác bảo mình thật sự đã khóc khi xem. "Làm một phụ nữ trung niên còn đáng giận dữ hơn nữa, tôi cần nghi lễ này", một người bình luận.

Trong một cuộc khảo sát về căng thẳng vào cuối năm 2023 của Hiệp hội tâm lý học Mỹ (APA) với hơn 3.000 người trưởng thành, tỉ lệ phụ nữ căng thẳng trung bình cao hơn nam giới (5,3 so với 4,8 trên 10), và mức độ căng thẳng của họ cũng cao hơn (27% so với 21%).

Căng thẳng quá thì hãy hét lên - Ảnh 5.

Phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ bị trầm cảm cao gấp đôi so với nam giới và trẻ em trai.

Có một số yếu tố có thể đóng vai trò trong việc này như sự khác biệt về hormone, khả năng xã hội hóa, vai trò xã hội, cơ chế đối phó và căng thẳng trong cuộc sống.

Estrogen và progesterone đã được chứng minh là có ảnh hưởng đến chất dẫn truyền thần kinh, thần kinh nội tiết và hệ thống sinh học có liên quan đến rối loạn tâm trạng.

Căng thẳng quá thì hãy hét lên - Ảnh 6.

Trong khi đó, những phụ nữ theo đuổi sự nghiệp ngoài xã hội có thể phải đối mặt với sự phân biệt đối xử và bất bình đẳng trong công việc, hoặc cảm thấy mâu thuẫn giữa vai trò làm vợ, làm mẹ và công việc.

Thực tế thì phương pháp trị liệu bằng tiếng thét đã có từ những năm 1970, thông qua phương pháp gọi là "la hét nguyên thủy" (Primal Scream) để giải phóng những tổn thương bị đè nén do nhà tâm lý học Arthur Janov (1924 - 2017) phát triển.

Ông cho rằng người lớn kiềm tỏa những tổn thương thời thơ ấu có thể dẫn đến rối loạn tâm trạng, nghiện ma túy, thậm chí là động kinh.

Căng thẳng quá thì hãy hét lên - Ảnh 7.

Năm 2020, tờ The New York Times đã giới thiệu Đường dây la hét nguyên thủy, khuyến khích mọi người "xả van" những đè nén trong cuộc sống, nhất là do đại dịch COVID-19 gây ra, với dòng giới thiệu:

"Chào mừng đến với đường dây la hét nguyên thủy - nơi bạn có thể hét lên, cười, khóc hoặc trút giận trong một phút. Không phán xét".

Theo nhà trị liệu tâm lý Stephanie Sarkis, thuộc Hiệp hội Cố vấn sức khỏe tâm thần Mỹ, mọi người đối phó với sự tức giận theo nhiều cách khác nhau và không có giải pháp chung để giải quyết cơn thịnh nộ cho tất cả.

Nghi lễ thịnh nộ có thể phù hợp với người này còn người khác thì không, và có thể chỉ là giải pháp ngắn hạn.

Đối với một số người, cơn thịnh nộ được giải quyết tốt bằng các chiến lược kích hoạt như đấm bao cát, luyện tập cường độ cao.

Trong khi với những người khác thì các chiến lược xoa dịu như hít thở sâu, đi bộ chậm hoặc âm nhạc êm dịu sẽ có tác dụng hơn nhiều.

Căng thẳng quá thì hãy hét lên - Ảnh 8.

Nghi lễ thịnh nộ tạo được tiếng vang trên thế giới và nhất là tác động lớn với phụ nữ cũng không có gì ngạc nhiên. Bởi lẽ xét về mặt lịch sử, phụ nữ không được khuyến khích biểu hiện sự tức giận của mình dù mức độ căng thẳng của họ cao hơn, Sarkis nhận định.

Căng thẳng quá thì hãy hét lên - Ảnh 9.

Chuyện la hét, đập phá xả bực tức đã làm mưa làm gió khắp thế giời từ hơn thập kỷ trước và tới nay vẫn còn thịnh hành, với hình thức những "căn phòng giận dữ" (Rage/Anger Room).

Chẳng hạn, hồi năm 2008, chỉ cần bỏ ra 25 USD là khách hàng đã có thể mặc sức đập phá trong một phòng giận dữ ở Dallas (Texas, Mỹ).

Khách tới đây thuộc nhiều nghề nghiệp, kể cả nhân viên cấp cao của các tập đoàn lớn như Hilton, Microsoft. Tùy vật dụng được bài trí theo yêu cầu của khách trong mỗi phòng, giá có thể lên đến 500 USD cho mỗi lần… phẫn nộ.

Căng thẳng quá thì hãy hét lên - Ảnh 10.

Ở Nhật, một số khu vui chơi giải trí sắp xếp các thiết bị chơi game như đánh đấm, quậy phá. Người chơi có hành động điên rồ thế nào thì các nhân vật trong game cũng tái hiện y vậy trên màn hình, kể cả việc lật bàn ở ngoài thì bàn trong màn hình game cũng bị lật theo.

Người trẻ ở Bắc Kinh, Trung Quốc thì trút bực dọc chuyện học hành, chuyện gia đình khi đến "phòng xả giận" với giá khoảng 23 USD cho 30 phút.

Nhân viên của nơi này sẽ chơi nhạc theo yêu cầu của khách trong thời gian họ ở đây.

Quản lý một "phòng xả giận" cho hay khách của họ từ 20 đến 35 tuổi, trung bình 600 người đến để trút giận, đập vỡ khoảng 15.000 chai lọ mỗi tháng.

Căng thẳng quá thì hãy hét lên - Ảnh 11.

Cửa hàng khuyến khích khách mang các vật dụng cá nhân của họ tới, có một phụ nữ từng mang tất cả ảnh cưới đến rồi đập vụn toàn bộ.

Người dân Singapore đón nhận nồng nhiệt "phòng xả nộ" khi sống trong một xã hội hiện đại đi đôi với áp lực phải luôn làm tốt ngay từ bé.

Royce Tan, nhà sáng lập mô hình, cho biết khách của họ đủ mọi đối tượng từ nhân viên văn phòng đến sinh viên học sinh, người nghỉ hưu.

Khách có thể dùng gói dịch vụ 28 USD để đập phá nửa tiếng với số lượng đồ giới hạn, hoặc mua "gói hủy diệt" giá tầm 300 USD không hạn chế lượng đồ đập trong 30 phút.

NGỌC KHANH
VÕ TÂN

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0