Luật sư Phạm Công Hùng - bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn - Ảnh: T.L
Ngày 25-6, TAND TP.HCM mở lại phiên xét xử sơ thẩm vụ kiện quyết định hành chính giữa nhóm nguyên đơn gồm ông Trần Văn Tạo, bà Bùi Trân Phượng và ông Đỗ Sỹ Cường (nguyên là chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị trường Đại Học Hoa Sen) đối với bị đơn là chủ tịch UBND TP.HCM và UBND TP.HCM.
Cả 3 nguyên đơn không có ai có mặt tại tòa mà ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng.
Đối tượng khởi kiện đã hết hiệu lực?
Trình bày trước tòa, ông Nguyễn Châu Hoan - đại diện ủy quyền của các nguyên đơn cho biết trường Đại học Hoa Sen được thành lập năm 2006, có tư cách pháp nhân, có con dấu, có tài khoản, hoạt động theo cơ chế tư thục.
Sau khi thành lập, đại hội cổ đông lần đầu năm 2007 đã bầu hội đồng quản trị gồm bà Bùi Trân Phượng, ông Trần Văn Tạo, ông Đỗ Sỹ Cường…
Tuy nhiên, năm 2014, một nhóm cổ đông đã lấy lý do hội đồng quản trị hiện tại có vấn đề nên đã triệu tập đại hội cổ đông bất thường. Mặc dù hội đồng quản trị Đại học Hoa Sen có văn bản trả lời không tổ chức đại hội cổ đông bất thường với lý do: vi phạm hành chính đã được khắc phục; chất lượng đào tạo sinh viên vẫn ổn; tin đồn thất thiệt không phải là nguyên nhân để triệu tập đại hội cổ đông bất thường…
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trung Đức (thành viên Hội đồng quản trị Đại học Hoa Sen) đã đứng ra chủ trì đại hội cổ đông bất thường này và sau đó ông Nguyễn Tiến Hiệp - đại diện cho nhóm cổ đông đã gửi văn bản cho chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu công nhận hội đồng quản trị mới.
Tháng 8-2016, chủ tịch UBND TP.HCM có quyết định công nhận hội đồng quản trị Đại học Hoa Sen nhiệm kỳ 2015-2017 gồm 7 thành viên.
Ngay sau đó, bà Bùi Trân Phượng bị bãi nhiệm chức hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen.
Tại tòa, ông Nguyễn Châu Hoan và luật sư của nguyên đơn đã đưa ra nhiều căn cứ để chứng minh nhóm cổ đông tổ chức đại hội cổ đông bất thường là trái pháp luật; trái quy chế tổ chức và hoạt động của trường; nhiều cổ đông không được triệu tập dự đại hội; có sự gian lận trong việc xác lập quyền biểu quyết…
Theo đại diện nguyên đơn, văn bản đề nghị UBND TP.HCM công nhận hội đồng quản trị mới không hề có con dấu của Đại học Hoa Sen, nội dung rất sơ sài. Từ ngày gửi văn bản đến tận 2 năm sau, chủ tịch UBND TP.HCM mới ra quyết định công nhận hội đồng quản trị mới.
“Trong 2 năm đó, Đại học Hoa Sen có rất nhiều tranh chấp, rất nhiều văn bản khiếu nại gửi đến UBND TP.HCM nhưng không được xem xét. Chủ tịch UBND TP.HCM vẫn ra quyết định công nhận hội đồng quản trị mới” - đại diện nguyên đơn trình bày.
Tại tòa, vị chủ tọa phân tích về mặt pháp lý, quyết định công nhận hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2014-2017 đã hết hiệu lực pháp lý, vậy vụ kiện yêu cầu hủy quyết định công nhận hội đồng quản trị này có ý nghĩa thế nào?
Đại diện ủy quyền của nguyên đơn cho rằng quyết định của chủ tịch UBND TP.HCM có ảnh hưởng rất lớn đến danh dự, tình cảm, quan hệ của các nguyên đơn nên đến nay nó vẫn còn nguyên giá trị pháp lý.
Có hay không sai phạm?
Hội đồng xét xử đã đặt nhiều câu hỏi với nguyên đơn: Hội đồng quản trị cũ mà nguyên đơn là thành viên có sai phạm trong quản lý tài chính hay không? Công tác đào tạo sinh viên có sai sót hay không?
“Khi phát hiện có sự cố xảy ra, hội đồng quản trị đang yêu cầu cấp dưới báo cáo thì nhóm cổ đông đã tổ chức đại hội cổ đông bất thường. Cho đến nay chưa hề có kết luận về sai phạm tài chính tại Đại học Hoa Sen” - luật sư Phạm Công Hùng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn cho biết.
Nguyên đơn cũng khẳng định Đại học Hoa Sen không có sai phạm trong công tác đào tạo.
Trong khi đó, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho UBND TP.HCM cũng đưa ra nhiều căn cứ để khẳng định việc chủ tịch UBND TP.HCM ban hành quyết định công nhận hội đồng quản trị Đại học Hoa Sen dựa trên đại hội cổ đông bất thường là đúng pháp luật, từ đó đề nghị tòa bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Theo đó, UBND TP đã xem xét Đại học Hoa Sen có dấu hiệu thất bại trong hoạt động đào tạo. Cụ thể, nhóm cổ đông chiếm 30% cổ phần đã căn cứ vào quyết định xử phạt của Bộ Giáo dục Đào tạo về việc xử phạt Đại học Hoa Sen 15 triệu đồng vì thu học phí chương trình liên kết đào tạo không đúng quy định.
Lý do các cổ đông này tổ chức đại hội cổ đông bất thường là do nắm được sai phạm trong công tác quản lý của Đại học Hoa Sen, nhất là công tác quản lý phần vốn góp, để công ty liên kết tự ý thu chi học phí trong nhiều năm, có dấu hiệu giấu doanh thu hàng trăm tỉ đồng…Do đó, việc triệu tập đại hội đổ đông bất thường là có cơ sở, đúng quy định của pháp luật;
“Tôi không đồng ý quan điểm của UBND TP tại tòa hôm nay cho rằng nhóm bà Phượng có dấu hiệu sai phạm nên đồng ý với kết quả cuộc họp hội đồng cổ đông bất thường”- luật sư Phạm Công Hùng phản bác trước tòa.
Tòa đã nghỉ nghị án sau khi kết thúc phần tranh luận. Sáng 30-6, tòa tuyên án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận