Trong hôm 9-5, ngày Nga duyệt binh kỷ niệm 79 năm ngày chiến thắng trong Cuộc chiến tranh vệ quốc (1941 - 1945) tại quảng trường Đỏ ở thủ đô Matxcơva, Liên minh châu Âu (EU) đồng ý dùng lợi nhuận từ tài sản bị phong tỏa của Nga để giúp ngành quốc phòng Ukraine.
Mối quan hệ giữa Nga và EU cũng như phương Tây nói chung đã xuống rất thấp. Đây là hệ quả từ việc EU phản đối "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga tại Ukraine. Giới quan sát đa phần cho rằng càng bị phương Tây cô lập, Nga càng muốn chứng minh sức mạnh và kêu gọi đoàn kết trong nước.
"Ý chí Nga"
Trong bài phát biểu lễ duyệt binh kỷ niệm ngày hồng quân Liên Xô đánh bại Đức quốc xã, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh hai ý: Nga sẽ bảo vệ chủ quyền bằng mọi giá và Nga sẽ làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn một "xung đột toàn cầu".
Theo ghi nhận của truyền thông quốc tế, ngày chiến thắng thực sự trở thành một phần máu thịt của nhiều người Nga hiện đại. "Đây là lịch sử của chúng tôi. Nó nằm trong máu của chúng tôi", Hãng tin AFP dẫn lời ông Alexander Soskov (69 tuổi), người dẫn con gái Polina và hai cháu ngoại đến thăm Bảo tàng Chiến thắng trước ngày lễ duyệt binh.
Giống như Điện Kremlin, quan điểm của ông Soskov - vốn là một người dân Nga bình thường - có những điểm tương đồng với cuộc chiến hiện tại ở Ukraine. "Chúng tôi không có xung đột với Ukraine. Chúng tôi có xung đột với những kẻ phát xít ở Ukraine", ông Soskov khẳng định.
Bài học từ Thế chiến 2 cũng được Tổng thống Putin nhắc lại trong phát biểu tại lễ duyệt binh ngày 9-5. Ông cáo buộc phương Tây "kiêu ngạo" đã quên mất vai trò quyết định của Liên Xô trong việc đánh bại Đức quốc xã và nay các nước này lại "gây ra xung đột trên toàn thế giới".
"Chúng tôi biết tham vọng thái quá sẽ dẫn đến điều gì. Nga sẽ làm mọi cách để ngăn chặn một cuộc xung đột toàn cầu", ông Putin nói.
Năm nay lễ duyệt binh có sự tham gia của hơn 9.000 quân nhân Nga cùng 75 xe cơ giới, 15 máy bay... và được cho nhỏ hơn so với quy mô duyệt binh năm ngoái cùng các sự kiện trước đây.
Các cuộc diễu hành quân sự và các sự kiện khác kỷ niệm ngày chiến thắng diễn ra tại hơn 300 thành phố trên khắp nước Nga. Năm nay cuộc tuần hành "Trung đoàn bất tử" vẫn diễn ra, trong đó người dân mang theo chân dung những người thân đã chiến đấu trong Thế chiến 2.
Tài sản Nga, phương Tây nắm
Ngay trước lễ duyệt binh một ngày, lãnh đạo EU đã nhất trí về nguyên tắc giải ngân khoảng 3,3 tỉ USD mỗi năm cho Ukraine. Hiện nay, khoảng 330 tỉ USD của Ngân hàng Trung ương Nga bị đóng băng tại phương Tây sau khi xung đột Ukraine nổ ra (tháng 2-2022).
Trong hai năm qua đã có tranh luận về việc liệu số tiền này có thể được sử dụng để giúp chi trả cho việc tái thiết Ukraine hay không. Chuyên gia Karel Lannoo - người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu chính sách châu Âu (CEPS), một tổ chức tư vấn độc lập ở Brussels (Bỉ) - nói rằng các quốc gia châu Âu xem việc tịch thu và sử dụng tài sản của Nga là một động thái mạo hiểm, có thể dẫn đến việc Matxcơva trả đũa.
Ngày 28-2, tại hội nghị các bộ trưởng tài chính G20 ở Brazil, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng việc kiếm lợi từ hơn 300 tỉ USD tài sản Nga bị phong tỏa "phù hợp về mặt pháp lý, kinh tế và đạo đức". Bà Yellen nói phương Tây có thể tịch thu hoặc sử dụng chúng làm tài sản thế chấp để hỗ trợ Ukraine.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire bác bỏ quan điểm này. Ông cho rằng Pháp chưa thấy đủ cơ sở pháp lý quốc tế để làm điều đó và G7 cần cân nhắc kỹ hơn. Ông Le Maire nói việc này cần tuân thủ luật pháp quốc tế và được các thành viên G20 ủng hộ.
Trong khi đó, Nga nói rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm lấy tài sản hoặc tiền lãi của họ đều là "hành vi cướp bóc" và sẽ đối mặt với hậu quả thảm khốc, mặc dù Matxcơva không nói chính xác họ có thể phản ứng như thế nào.
Theo Reuters, nếu giới lãnh đạo phương Tây tịch thu và sử dụng tài sản đóng băng của Nga, khả năng đáp trả tương xứng của Matxcơva cũng suy giảm vì đầu tư nước ngoài đang giảm dần.
Tuy nhiên, giới quan chức và chuyên gia kinh tế cho rằng vẫn còn nhiều cách để Nga đáp trả. Nhiều nhà kinh tế, luật sư và nhà phân tích đồng ý rằng một trong những đòn đáp trả khả dĩ nhất của Nga sẽ là tịch thu tài sản tài chính và chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài hiện nằm trong các tài khoản tại Nga.
Nga không công khai số tiền trong các tài khoản này do Trung tâm Lưu ký quốc gia quản lý. Các quan chức Nga nói số tiền tương đương với 300 tỉ USD tiền dự trữ bị đóng băng của họ.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết vẫn còn rất nhiều tiền phương Tây ở Nga có thể bị nhắm làm mục tiêu. Chính phủ Nga cũng sẽ theo đuổi các biện pháp pháp lý chống lại việc tịch thu tài sản.
Thời gian qua, Nga đã thu lợi từ việc buộc các công ty nước ngoài bán tài sản ở Nga với mức chiết khấu ít nhất 50% khi muốn rời khỏi nước này. Cho tới nay, các doanh nghiệp phương Tây đã thiệt hại hơn 100 tỉ USD vì biện pháp nêu trên.
Tuy nhiên, vì các quốc gia phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng sau xung đột ở Ukraine, nên việc tỉ lệ nắm giữ của nước ngoài ở Nga đã giảm khoảng 40% xuống còn 696 tỉ USD. Con số này làm giảm sức đe dọa từ biện pháp đáp trả của Matxcơva.
Ngoài ra, Nga cũng là một trong những nước đi đầu về việc giảm sự phụ thuộc vào phương Tây, đặc biệt vào đồng USD. Việc này cũng hạn chế khả năng trả đũa của Nga liên quan đến tài sản bị đóng băng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận