08/01/2020 13:04 GMT+7

Căng thẳng Mỹ - Iran: Chiến tranh hay hòa bình phụ thuộc vào Tổng thống Trump

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Đợt tấn công tên lửa của Iran vào căn cứ Mỹ ở Iraq có thể khép lại mọi thứ, hoặc mở ra một chương mới tồi tệ hơn ở Trung Đông. Mọi thứ gần như phụ thuộc vào quyết định của Tổng thống Donald Trump.

Căng thẳng Mỹ - Iran: Chiến tranh hay hòa bình phụ thuộc vào Tổng thống Trump - Ảnh 1.

Đại giáo chủ Iran Ayatollah Ali Khamenei tại lễ tốt nghiệp quân sự ở Tehran tháng 10-2019 - Ảnh: Anadolu

Đợt không kích căn cứ Mỹ đêm thứ ba (7-1) là đòn đáp trả công khai đầu tiên, dứt khoát nhất của Iran sau cái chết của viên tướng Qasam Soleimani. Hiện chưa có ghi nhận thương vong đối với lính Mỹ nhưng có thể có người Iraq thiệt mạng.

Nhận định trên tờ VOX, nhà báo Mỹ Zack Beauchamp nói câu hỏi đáng sợ nhất bây giờ là Tổng thống Donald Trump sẽ phản ứng ra sao?

Sau vụ tấn công, người Iran đã gửi đi thông điệp qua nhiều kênh khác nhau: Đây chính là đòn trả đũa cho Soleimani. Nếu ông Trump chọn một hình thức phản ứng có chừng mực, thậm chí cứ việc lên Twitter tuyên bố chiến thắng, nhiều khả năng Iran sẽ không tiếp tục làm căng hơn nữa.

Dòng Tweet đầu tiên "Tất cả đều ổn..." gợi ý rằng Tổng thống Mỹ có thể đi theo con đường xuống thang căng thẳng. Nhưng mọi thứ chưa có gì chắc chắn. 

Nếu trong bài phát biểu ngày mai ông lại đổi ý, ra lệnh cho quân đội Mỹ không kích các mục tiêu trên đất Iran, nước Cộng hòa Hồi giáo này sẽ bị dồn vào đường cùng... Đây là kịch bản rất tệ vì Vệ binh Cách mạng Iran đã thề sẽ tấn công nước Mỹ nếu bị giội bom.

Nói cách khác, chiến tranh sẽ nổ ra, quy mô có thể lớn hơn nhiều cuộc chiến Iraq năm nào.

Liên quan đến vấn đề "chiến tranh - hòa bình", vai trò giám sát của Quốc hội Mỹ thực chất không còn bao nhiêu. Có nghĩa là trong hệ thống chính trị thực tế của Mỹ, một người có quyền đưa ra quyết định cuối cùng về chuyện này, và đó là ông Donald Trump.

Tất nhiên cũng có khả năng Iran chưa chịu dừng lại, nhưng các tín hiệu họ phát ra liên tục đêm thứ ba đều mang một ý nghĩa "nếu anh tấn công chúng tôi, chúng tôi sẽ đánh tiếp (không phải ngược lại)".

Nếu hiểu theo cách đó, người Iran không muốn một cuộc chiến lớn. Và nó cũng hợp lý ở chỗ - đánh nhau với một siêu cường quân sự như Mỹ không có lợi gì đối với Tehran.

Về phần mình, Mỹ cũng sẽ thiệt hại nặng nề trong cuộc chiến đó, máu sẽ đổ khắp nơi. Năng lực phản công của Iran - cả trong khu vực Trung Đông và thông qua tấn công khủng bố trên khắp thế giới - vượt xa Iraq hồi năm 2003.

Khi giết Qasem Soleimani, lập luận của chính quyền ông Trump là "ngăn các cuộc tấn công của Iran trong tương lai", nhưng thực tế cho thấy Iran đã công khai đáp trả. Nếu cứ theo logic đó, Mỹ phải trả đũa mạnh hơn nữa?

Đó sẽ là một cái vòng leo thang không điểm dừng, và cuối cùng sẽ là một cuộc chiến tranh toàn diện không ai mong muốn.

Đứng giữa ngã ba đường, cùng chờ xem ông Trump sẽ đi theo con đường nào.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên