Người dân Mỹ biểu tình chống chiến tranh ở Washington ngày 4-1 - Ảnh: AFP
Nhà Trắng đã làm đúng như quy định, nhưng trong mắt bà Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thì văn bản này gây ra thêm nhiều nghi vấn hơn là giải thích được các tình huống dẫn đến hành động đang gây nhiều phản ứng tiêu cực cho nước Mỹ.
"Văn bản đã đặt ra những câu hỏi hơn là câu trả lời và nó đẩy cả hai viện Quốc hội Mỹ vào tình thế mù mờ", bà Nancy Pelosi đã viết như thế vào tối 4-1 (giờ Mỹ), sau khi văn phòng của bà cho biết Nhà Trắng đã chính thức gửi thông báo cho Quốc hội về cuộc không kích của Mỹ vào sân bay quốc tế Baghdad (Iraq).
Cuộc truy kích kiểu "tìm và diệt" đã làm thiệt mạng tư lệnh đơn vị đặc nhiệm Quds, thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), là thiếu tướng Qasem Soleimani.
“Lối dấn thân quân sự của chính quyền Trump theo kiểu khiêu khích, leo thang và vô lối tiếp tục đẩy các quân nhân, nhà ngoại giao cùng công dân Mỹ và đồng minh của mình vào tình thế nguy hiểm.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi
Bà Nancy Pelosi nhấn mạnh: "Thông báo đặt ra những câu hỏi nghiêm túc và cấp thiết về thời gian, cách thức, sự biện minh cho quyết định của chính quyền để tham gia vào hành động thù địch chống lại Iran".
Người phụ nữ quyền lực trên chính trường Mỹ cũng cho rằng thông báo làm dấy lên lo ngại rằng Quốc hội và người dân Mỹ không được biết thông tin về an ninh quốc gia mà lẽ ra cần được biết.
Theo Chủ tịch Hạ viện Pelosi, cuộc không kích được tiến hành mà "không có sự cho phép sử dụng lực lượng quân sự" nhằm vào Iran và không tham vấn Quốc hội. Bà Pelosi nêu rõ: "Toàn thể Quốc hội cần được thông báo ngay lập tức về tình hình nghiêm trọng này và các bước đi tiếp theo mà chính quyền đang cân nhắc thực hiện, bao gồm cả sự tăng cường đáng kể việc triển khai các lực lượng bổ sung tới khu vực".
Bà Pelosi cũng nhận định cuộc không kích của Mỹ có nguy cơ "làm leo thang bạo lực một cách nguy hiểm". Bà nhấn mạnh: "Nước Mỹ và thế giới cần tránh để căng thẳng leo thang đến mức không thể quay đầu lại".
Nhiều chính trị gia cũng đặt ra nghi ngờ về lý do để không kích tiêu diệt tướng Iran trên lãnh thổ Iraq, theo Đài CNN của Mỹ. Trong khi đó, các quan chức của chính quyền ông Trump và bên quân đội ra sức biện giải cho quyết định tiêu diệt nhân vật hàng đầu của lực lượng vệ binh khét tiếng của Iran vào rạng sáng 3-1.
Họ cho rằng nhân vật này đang bí mật công du liên tục từ Syria sang Libăng rồi đến Iraq. Các đơn vị tình báo Mỹ tin rằng chuyến công du này nhằm chốt lại kế hoạch tấn công các mục tiêu của Mỹ ở 3 quốc gia nêu trên.
Đã gọi là thông tin tình báo và phân tích quân sự thì khả năng giữ kín của nó có thể là "tấm bùa hộ mệnh" để không bao giờ lọt ra ngoài trong thời gian bảo mật.
52 là con số mục tiêu gồm “các địa điểm cấp cao và rất quan trọng đối với Iran cũng như văn hóa của Iran” mà Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định quân đội Mỹ đã đặt vào tầm ngắm nếu Tehran dám trả đũa làm tổn hại đến lợi ích của Mỹ hoặc công dân Mỹ. Đây là con số ứng với số công dân Mỹ từng bị bắt làm con tin trong hơn một năm ở Đại sứ quán Mỹ tại Tehran vào cuối năm 1979.
Ngày 4-1, nhiều nhóm người đã xuống đường biểu tình theo lời kêu gọi của các tổ chức cánh tả, ở thủ đô Washington và khoảng 70 thành phố khác ở Mỹ nhằm lên án cuộc không kích tại Iraq và kêu gọi không chiến tranh với Iran.
Theo Hãng tin AFP, có khoảng 200 người biểu tình tập trung bên ngoài Nhà Trắng và giương cao khẩu hiệu kêu gọi Mỹ rút binh sĩ khỏi Trung Đông và chấm dứt các lệnh trừng phạt chống Iran. Các cuộc biểu tình quy mô nhỏ tương tự cũng diễn ra tại các thành phố lớn như New York, Chicago...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận