21/07/2019 10:54 GMT+7

Căng thẳng Iran: cần những cái đầu lạnh

TÔ HOÀNG
TÔ HOÀNG

TTO - Liên tiếp trong hai ngày, một loạt đòn trả đũa giữa Mỹ - Anh và Iran đã đẩy căng thẳng ở vùng vịnh Ba Tư lên cao độ.

Căng thẳng Iran: cần những cái đầu lạnh - Ảnh 1.

Trực thăng tấn công AH-1Z Viper chuẩn bị hạ cánh trên boong tàu đổ bộ USS Boxer, chiến hạm tiền phương của thủy quân lục chiến Mỹ ở vùng Vịnh - Ảnh: Reuters

Ngày 18-7, Mỹ thông báo đã phá hủy một máy bay không người lái của để trả đũa việc Iran bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ một tháng trước đây.

Ngày 19-7, hai tàu chở hàng của Anh bị lực lượng Vệ binh cách mạng của Iran bắt giữ để đáp trả việc Anh và Mỹ bắt giữ tàu chở dầu của Iran tại eo biển Gibraltar hai tuần trước đó.

Chỉ cách đây vài tuần, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông đã ngăn không thông qua việc tấn công Iran sau khi Iran bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ. Nhưng với những diễn biến dồn dập trong những ngày vừa qua, liệu rằng ông Trump có còn có thể hành động như vậy nếu một kịch bản tương tự xảy ra?

Trong vòng 3 tháng trở lại đây, căng thẳng giữa Iran và Mỹ đã leo thang từng bước và những diễn biến vừa qua dường như cho thấy nguy cơ đưa đụng độ trực tiếp giữa các lực lượng của hai nước không còn là một khả năng xa vời.

Nếu như chỉ vài tháng trước đây, các hành động trả đũa chủ yếu liên quan đến các bên thứ ba như tàu chở dầu của các nước như Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Na Uy... thì trong 2 tuần trở lại đây, các vụ tấn công này đã lan đến máy bay không người lái và tàu hàng của mỗi bên.

Dường như có thể thấy kịch bản dẫn đến các cuộc chiến tranh đang hiện diện ở vùng Vịnh. Tương tự các cuộc chiến khác, với việc các bên liên quan liên tiếp có các đòn trả đũa lẫn nhau, căng thẳng sẽ từng bước leo thang, cuối cùng vượt ra ngoài vòng kiểm soát và đến điểm không thể dừng lại được.

Với đà diễn biến như hiện nay, nhiều người lo ngại rằng một ngày không xa sẽ có "đụng độ" trực tiếp giữa hai bên dù vô tình hay cố ý. Nhiều người lo ngại rằng kịch bản của việc tàu quân sự cũng như công dân của hai nước bị cuốn vào các đòn trả đũa này sẽ là "điểm đối đầu" không thể dừng lại giữa hai bên.

Điều này cho thấy hơn bao giờ hết cần những cái đầu lạnh từ nhiều bên để ngăn chặn khả năng này xảy ra. Một khi có thiệt hại về người và tài sản của mỗi bên, với những sức ép nội bộ ở cả Mỹ và Iran, rất khó cho các lãnh đạo mỗi bên có thể thỏa hiệp mà không bị xem là yếu kém.

Những yếu tố nội bộ của cả Iran và Mỹ dường như làm vấn đề phức tạp hơn. Nhiều lãnh đạo chính quyền Mỹ có cách nhìn cứng rắn trong vấn đề Iran, như Ngoại trưởng Pompeo và đặc biệt là cố vấn an ninh quốc gia Bolton. Đồng thời, yếu tố bầu cử 2020 cũng sẽ có những tác động không nhỏ đến quyết sách của Mỹ đối với Iran.

Tại Iran, dù chính quyền của Tổng thống Rouhani có thể không muốn đối đầu với Mỹ, nhưng nhiều chính trị gia và lực lượng Vệ binh cách mạng có quan điểm không khoan nhượng trong vấn đề này. Người có quyền lực thực tế và tiếng nói cuối cùng trong vấn đề này là Lãnh tụ tối cao Khamenei, chứ không phải tổng thống.

Với việc 1/3 lượng dầu mỏ và gần 1/5 lượng khí tự nhiên của thế giới được vận chuyển qua khu vực vùng vịnh Ba Tư, một cuộc "đụng độ" quân sự giữa Mỹ và Iran dù nhỏ hay lớn cũng sẽ gây biến động đến toàn thế giới, nhất là trong lúc nền kinh tế toàn cầu đang ở giai đoạn nhạy cảm và dễ đổ vỡ như hiện nay.

Iran bắt tàu Anh, quân đội Mỹ triển khai máy bay đến eo biển Hormuz

TTO - Quân đội Mỹ cho biết họ đã triển khai máy bay giám sát không vũ trang tại không phận quốc tế để giám sát tình hình tại eo biển Hormuz và đã liên lạc với các tàu Mỹ trong khu vực.

TÔ HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên