Báo cáo công bố trên Tạp chí y học The Lancet đã tổng hợp kết quả của 13 nghiên cứu khác nhau được tiến hành từ năm 1985-2006 tại 7 quốc gia gồm Đan Mạch, Phần Lan, Hà Lan, Thụy Điển, Bỉ, Anh, và Pháp.
Những người tham gia nghiên cứu là những người không mắc bệnh tim mạch vành (CHD), sẽ được theo dõi tình hình sức khỏe trong khoảng thời gian 7,5 năm. Kết quả cho thấy trong gần 200.000 người được khảo sát có tới 30.214 người thường phải chịu các áp lực trong công việc do các nguyên nhân như công việc chồng chất, áp lực thời gian và thiếu sự tự do để đưa ra các quyết định cá nhân trong công việc.
Trong giai đoạn giám sát sức khỏe trên, các bác sĩ đã ghi nhận tới 2.356 trường hợp mắc bệnh tim, tử vong, hoặc gặp phải các vấn đề sức khỏe khác. Nguy cơ mắc bệnh tim ở những đối tượng này cao hơn 23% so với những đồng nghiệp rảnh rỗi khác, vốn đã tính đến các yếu tố như tuổi tác, giới tính, tình trạng kinh tế và địa vị xã hội.
Nhà dịch tễ học Mika Kivimaki thuộc trường Đại học London dẫn đầu nghiên cứu trên cho biết "Áp lực công việc gây ra những tác động tuy nhỏ nhưng dai dẳng, dần làm tăng nguy mắc CHD-một dạng bệnh tim rất nguy hiểm".
Các nhà nghiên cứu đồng thời cũng đưa ra đánh giá rằng tuy căng thẳng công việc là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh tim những vẫn không nghiêm trọng bằng thói quen hút thuốc và lối sống thiếu vận động.
Trong gần 200.000 người được giám sát trong nghiên cứu trên, số người mắc bệnh tim do áp lực công việc chiếm 3,4%, trong khi 12% xuất phát từ lối sống thiếu vận động và 36% do quen hút thuốc.
Các nhà nghiên cứu cho rằng áp lực trong công việc luôn là điều khó tránh khỏi nên việc ngăn chặn căng thẳng trong công việc để giảm nguy cơ mắc bệnh tim sẽ khó đạt hiệu quả. Thay vào đó, nỗ lực bỏ thói quen hút thuốc lá và tạo cho mình một lối sống vận động thể chất tích cực được đánh giá là liệu pháp nên được lựa chọn hàng đầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận