Phóng to |
Chị P.T.T., 28 tuổi, ở Bình Phước, ngồi thất thần trước con trai mắc bệnh tay chân miệng nặng (ảnh chụp ngày 22-8) - Ảnh: Thùy Dương |
Tại khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM, chị P.T.T., 28 tuổi, ngụ Bình Phước, vừa ngắm nhìn gương mặt thân thương của con mới bi bô nói cười giờ đã hôn mê trên giường bệnh, vừa nắm lấy bàn tay con như muốn truyền thêm sức mạnh. Bé T.T.T., 26 tháng tuổi, con trai chị, đang được thở máy.
Phụ huynh lo lắng
Để bệnh tay chân miệng lan rộng: chủ tịch UBND quận, huyện phải chịu trách nhiệm! Đó là một trong những nội dung chính trong văn bản vừa được UBND TP.HCM gửi Sở Y tế TP.HCM và UBND các quận, huyện chỉ đạo về công tác phòng chống dịch tay chân miệng. Theo đó, UBND TP yêu cầu chủ tịch UBND các quận, huyện cần làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, vận động người dân chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tay chân miệng tại hộ gia đình, cộng đồng - đặc biệt tại các nhà trẻ, mẫu giáo. Nếu để dịch bệnh tay chân miệng lan rộng tại địa bàn, chủ tịch UBND quận, huyện phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND TP. |
Trong khi đó, bác sĩ Trần Thị Thúy, phó khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết từ đầu tháng 3 đến nay, các bác sĩ khoa nhiễm luôn trong tình trạng căng thẳng vì số lượng trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện tăng cao, ngày cao điểm lên đến gần 200 trẻ và kéo dài nhiều tháng.
Còn tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, bệnh nhi và thân nhân gần như được bố trí chật cứng tại các phòng thường cho đến phòng dịch vụ. Tại phòng 107, 3-4 em bé chia nhau một giường bệnh. Chỉ trong sáng 22-8, có 58 bệnh nhi nhập viện vì bệnh tay chân miệng. Số ca nằm điều trị trong khoa là 223 em.
Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp lo lắng quá nên đã xuất hiện những ca bệnh tay chân miệng giả. Chỉ cần trẻ giật mình do có tiếng động hoặc chỉ cần sốt (có thể do sốt xuất huyết, viêm phế quản...) nhưng các bậc cha mẹ nghĩ triệu chứng giật mình, sốt của bệnh tay chân miệng nên đưa trẻ đến ngay bệnh viện khám.
Khi nhận chẩn đoán của bác sĩ trẻ mắc bệnh tay chân miệng, nhiều ông bố bà mẹ lo đến nỗi mất ăn mất ngủ, trong khi không phải trẻ nào mắc bệnh tay chân miệng cũng chuyển thành thể nặng.
Vẫn có khả năng mắc lại
Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn vừa khuyến cáo thêm về phòng chống bệnh tay chân miệng. Theo ông Huấn, qua kiểm tra tại Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho thấy 46% bệnh nhân nhiễm virus đường ruột là nhiễm EV71, có những trường hợp điều trị khỏi bệnh với virus nhánh C1 nhưng vẫn có khả năng mắc lại nhánh C3, C5.
Theo thứ trưởng Trịnh Quân Huấn, EV71 có thể sống hàng tuần ngoài môi trường, trong khi công tác tuyên truyền thời gian qua chưa đến được với người dân. Hỏi nhiều gia đình ở TP.HCM, Đồng Nai về dịch tay chân miệng thì có người không biết có dịch này, trong khi hai địa phương này có số mắc lớn nhất nước. “Trạm y tế, chính quyền thôn ấp phải đến từng gia đình trong vùng dịch hướng dẫn cách chống dịch. Nếu không năm 2012 số mắc sẽ vẫn rất lớn”- ông Huấn nói.
Theo ông Nguyễn Trần Hiển, viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, hiện chưa có bằng chứng về sự thay đổi độc lực của virus gây bệnh tay chân miệng EV71, nhưng xu thế là số lượng bệnh nhân nhiễm EV71 ngày càng tăng so với các virus đường ruột khác. Trước đây khoảng 20% bệnh nhân nhiễm virus đường ruột là nhiễm EV71, năm 2011 con số này tăng lên 46%. Trong khi số lượng bệnh nhân nhiễm virus Coxsackie (biểu hiện bệnh nhẹ hơn, thường là viêm màng não nước trong thể nhẹ) lại giảm xuống.
Thông điệp phòng chống bệnh tay chân miệng của Bộ Y tế: Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh do virut EV71 gây ra, hiện chưa có văcxin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Để phòng chống dịch tay chân miệng cần thực hiện các biện pháp sau: 1. Rửa tay nhiều lần trong ngày bằng xà phòng và nước sạch. 2. Không để trẻ mút tay và đưa đồ chơi lên miệng. 3. Cho trẻ ăn chín, uống sôi, không ăn chung thìa, bát. 4. Luộc sôi hoặc ngâm Chloramine B 2% quần áo, tã lót của trẻ trước khi giặt. 5. Thường xuyên vệ sinh đồ chơi, sàn nhà bằng xà phòng, Chloramine B 2% hoặc dung dịch khử trùng thông thường. 6. Người chăm trẻ phải rửa tay nhiều lần trong ngày bằng xà phòng và nước sạch, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn và sau khi vệ sinh cho trẻ. 7. Trẻ mắc bệnh phải được nghỉ học, không tiếp xúc với trẻ khác, thu gom và xử lý phân của trẻ bằng Chloramine B, vôi bột hoặc tro bếp, tránh làm vỡ các nốt phỏng của trẻ. 8. Khi thấy trẻ sốt, xuất hiện nốt phỏng ở tay, chân, miệng cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận