23/08/2014 11:10 GMT+7

Càng sóng gió càng vững tay chèo

MINH TÂM
MINH TÂM

TT - Tuy đôi chân bị khuyết tật, nhà lại chỉ vỏn vẹn hai công đất, nhưng ông Nguyễn Thanh Tuấn bằng nghị lực, lòng yêu thương mái ấm của mình, đã cùng vợ vượt qua khó khăn xây nên tổ ấm hạnh phúc.

Hai vợ chồng ông Tuấn cùng chung tay đan “tấm lưới” hạnh phúc gia đình - Ảnh: Minh Tâm

6g, trong căn nhà nhỏ nằm bên cạnh dòng sông Thơm Rơm (TP Cần Thơ), bà Nguyễn Thị Xương, 42 tuổi, lui cui pha nước ấm rồi mang vào phòng đỡ mẹ chồng 74 tuổi ngồi dậy.

Xây từng chút cho tổ ấm

Hiếm có cặp vợ chồng nào như ông Nguyễn Thanh Tuấn và bà Nguyễn Thị Xương. Hai vợ chồng thương yêu nhau, hiếu thảo với mẹ già

Ông Phạm Lạch Tiên (phó chủ tịch phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ)

Vệ sinh tươm tất cho mẹ, bà nhẹ nhàng: “Mẹ ơi! Ăn một tí cho ấm bụng nhe”. Bà cụ ăn cháo xong, bà Xương pha thêm ly sữa nhỏ để bà cụ uống, rồi lau chùi miệng, mặt sạch sẽ và đỡ mẹ chồng nằm xuống võng nghỉ.

Phần mình bà cuốn nệm, chiếu, mùng, mền, dỡ từng miếng vạt giặt giũ, chà rửa phơi khô. Rồi bà tất tả vào bếp nấu cơm trưa. Trong khi vợ cặm cụi lo tròn phận dâu thảo thì phía ngoài vườn, ông Tuấn, 43 tuổi, cần mẫn tưới từng gốc nhãn, dù đôi chân tật nguyền khiến ông di chuyển rất khó khăn.

9g, vợ xong phần bếp núc thì chồng cũng tạm ngưng việc chăm sóc vườn. Hai vợ chồng bắt đầu chung tay ngồi đan lưới mướn. Chồng thoăn thoắt vô ghim lưới, rồi cắt thành đoạn luồn vào đầu lưới để vợ buộc vào phao.

Cứ vậy, hai vợ chồng làm đến chiều mới ngưng. Bà lại lo buổi cơm chiều, chăm sóc mẹ chồng, còn ông tranh thủ gánh chuyện đồng áng.

Sinh ra trong gia đình nghèo lại sớm mồ côi cha từ nhỏ, bất hạnh tiếp tục ập đến khi năm 3 tuổi cơn sốt quái ác khiến chân ông teo tóp. Mấy chục năm trước, đường sá cắt đoạn bởi kênh rạch rất khó đi, rồi cộng thêm nhiều lý do khác khiến đến năm lớp 9 việc học của ông gãy ngang.

Sống ở nhà một thời gian, trong đầu ông cứ treo lên câu hỏi: phải kiếm một nghề lo cho bản thân và lo cho mẹ. Tuy ông bị tật đôi chân nhưng những phần thân thể khác vẫn còn khỏe mạnh.

Rồi ông nghĩ tôm cá có nhiều sao không đi giăng lưới, nhưng sông nước mênh mông lỡ rủi có chuyện gì thì sao? Rồi khi giăng lưới móc gốc còn phải lặn xuống gỡ. Nghĩ vậy nên ông quyết định tập bơi.

Khi đã bơi thành thạo, ông bắt đầu lao vào cuộc mưu sinh: giăng câu, thả lưới. Ông còn lại xắn tay phụ mẹ chăm sóc ruộng vườn...

Còn bà quê ở tỉnh Hậu Giang. Số phận run rủi họ gặp nhau khi bà có người cô mua bán trái cây tại chợ Thơm Rơm. Bà thường đến phụ giúp cô mình, còn ông cũng hay chở trái cây đến bán. Chuyện trò hợp ý khiến lòng ông xao động.

Kể từ ngày đó, ông hay mượn cớ đến để được nhìn và nói dù dăm ba câu với bà. Còn phần bà cũng có cái nhìn tốt về người thanh niên tật nguyền giàu nghị lực, siêng năng và hiền lành này.

Được sự ủng hộ của người thân đôi bên, tình cảm của họ ngày càng sâu đậm và khi tình yêu đã đi đến độ chín, cả hai quyết định tiến tới hôn nhân.

Vững “tay chèo” lướt qua sóng gió đời thường

Niềm hạnh phúc sống bên nhau như càng nhân đôi khi hai con lần lượt chào đời. Nhà thêm rộn tiếng cười đùa nhưng cuộc mưu sinh thêm phần vất vả. Một công đất ruộng, một công đất vườn không đủ cho gia đình sinh sống nên vợ chồng quần quật làm thêm đủ thứ việc.

Mùa lúa vợ chồng đi cắt lúa mướn. Họ chịu khó thức đến hai giờ đêm gặt miết tới trưa hôm sau cho xong hai công ruộng, rồi hối hả đến những công khác...

Mùa lũ ông đi giăng câu, thả lưới tận tuốt những nơi đồng sâu, đồng xa kiếm nhiều cá đem về cho vợ mang ra chợ bán. Rất nhiều lần mưa bão xuồng bị chìm nhưng nhờ bơi giỏi nên ông thoát chết. Ông còn xúc cá lóc con về nuôi.

Mỗi khi giăng câu, ông chừa lại một mớ cá còm cho vợ bằm nhuyễn làm mồi cho cá lóc ăn. Rồi vợ chồng cũng bắt ốc cho vịt ăn, nuôi theo kiểu lấy công làm lời. Cứ vậy, họ làm bất cứ chuyện gì miễn là lương thiện để mái ấm càng ngày thêm ấm hơn...

Tình quê yên ả trôi theo con nước lớn ròng. Tuy nhiên cũng có lúc cuộc sống không thoát khỏi phút giây chao đảo. Đó là lúc nhãn mất mùa, cá thất giá. Rồi bầy vịt 300 con đụng ngay trận dịch chết sạch.

Vợ chồng lâm cảnh lỗ lã, nợ nần... Những lúc như vậy tuy có buồn nhưng cả hai vẫn động viên nhau bình tâm bởi nghĩ nếu quạu quọ, cằn nhằn, rầu rĩ, lo sợ càng làm tình hình tệ hơn thêm, phải giữ vững “tay chèo” mới lướt qua những khó khăn, sóng gió đời thường.

Rồi họ bày “keo” khác khi lên kế hoạch: thu hoạch từ 1 công lúa đủ dùng làm gạo ăn cho cả năm. Cạnh đó để có tiền trang trải các chi phí khác, họ lãnh lưới về đan thuê. Riêng thu nhập từ 1 công nhãn dành tích lũy làm vốn.

Khi các con khôn lớn đứa lập gia đình, đứa học lớp 11 nhưng biết làm thêm kiếm tiền phụ gia đình, cuộc sống ngày càng dần ổn định...

Cứ vậy 24 năm qua, họ cần mẫn, siêng năng xây từng chút, từng chút một cho tổ ấm của mình. Chồng thương vợ, vợ quan tâm đến chồng. Đó là khi mấy năm nay mẹ ông Tuấn bị tai biến, tiểu đường, việc đi đứng khó khăn, bà Xương đã chu toàn bổn phận dâu con từ miếng ăn, giấc ngủ đến vệ sinh cho mẹ chồng.

Tranh thủ những lúc rảnh, bà phụ chồng luồn tay đan lưới...

Thấy vợ vất vả, sớm hôm lo phụng dưỡng mẹ già, ông càng thương bà nên càng cố gắng đảm đương vai trò trụ cột khi choàng lấy cực nhọc về phần mình, từ thức khuya dậy sớm chăm sóc vườn nhãn, ruộng lúa, đến ngồi cặm cụi cố đan nhiều lưới...

Kinh tế dần khá lên thì bóng hạnh phúc cũng theo đó tròn đầy. Ông tâm sự ông trời lấy của ông đôi chân, nhưng ban lại cho ông người vợ hiếu hạnh. Đối với ông thế là quá may mắn lắm rồi.

Còn bà ánh mắt lóng lánh hạnh phúc: “Chồng tuy tật nguyền nhưng tràn đầy nghị lực, chí thú làm ăn, biết yêu thương vợ con và lo chu toàn cho gia đình còn hơn khối người lành lặn mà bỏ bê, bạo hành gia đình...”.

MINH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên