Các trường đại học của VN giới thiệu với Hội nghị ASEM về đào tạo nguồn nhân lực - Ảnh: M.Tự |
Hội nghị có sự tham gia của đại biểu từ 53 thành viên ASEM, UNESCO...
Trả lời về những thành công của quốc gia mình, bà Anita Lehikoinen - thứ trưởng Bộ Giáo dục và văn hóa Phần Lan - cho biết điều đó là kết quả của việc mọi người dân đều được học hành miễn phí và bảo đảm bình đẳng trong tiếp cận giáo dục. Trẻ em và thanh niên là hai đối tượng phải được đào tạo đầy đủ các kỹ năng cơ bản. Đặt chất lượng làm trọng tâm của nền giáo dục, cũng như đào tạo nguồn nhân lực và kiên định mục tiêu phát triển bền vững.
Ông Christian Berger, đại sứ Đức tại VN, cho biết nền giáo dục lâu đời của Đức vốn đã coi trọng việc đào tạo nghề. Vài trăm năm trước đây, việc đào tạo nghề đã do các doanh nghiệp đảm nhận. Người lao động được đào tạo các kỹ năng quan trọng, khả năng làm việc và trách nhiệm với xã hội.
Doanh nghiệp phải hỗ trợ học phí và điều kiện cho sinh viên thực hành. Các ngân hàng đã bỏ một số tiền lớn để đầu tư vào đào tạo nghề và đã thu lợi lớn. Vì việc làm là một vấn đề lớn của xã hội, nên các chính trị gia cũng rất quan tâm đến công việc đào tạo nghề.
Còn ông Nguyễn Quang Việt - phó viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) - cho biết khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba ra đời, người ta lo sợ máy móc tiên tiến sẽ làm mất việc làm của công nhân, nhưng rồi chính cuộc cách mạng này đã tạo ra thêm rất nhiều việc làm.
Vì vậy, theo ông Việt, điều quan trọng là người lao động phải được đào tạo đầy đủ kỹ năng, đáp ứng đòi hỏi cao hơn của công việc mới. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (còn gọi là cách mạng 4.0) là sự giao thoa của công nghiệp với công nghệ thông tin; người lao động cần phải được trang bị kỹ năng về kỹ thuật số. Ông Việt cho rằng hợp tác ASEM sẽ giúp việc chia sẻ thông tin thị trường lao động và nâng cao năng lực dự báo nhu cầu kỹ năng tương lai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận