Phó bí thư Thành đoàn TP.HCM Trần Thu Hà tặng quà xuân cho học sinh nghèo - Ảnh: Q.L.
Một năm nhiều biến động với thời gian dịch bệnh khá dài dự báo kéo theo nhiều khó khăn hơn trong việc hỗ trợ, chăm lo Tết.
Tuy vậy, chia sẻ cùng Tuổi Trẻ, phó bí thư Thành đoàn TP.HCM Trần Thu Hà cho biết các bộ phận vẫn đang rất nỗ lực để mong có thể san sẻ mùa xuân ấm áp đến mọi nhà, nhất là với các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn và chịu tác động lớn của dịch bệnh.
Chúng tôi nỗ lực để chăm lo đúng, đủ và đến tận tay đối tượng cần, tránh trùng lắp và nếu có thể hỗ trợ được cho nhiều người càng tốt.
Chị TRẦN THU HÀ
Khó mới cần sẻ chia nhiều hơn
* Khó khăn là cảm nhận chung khi nhìn lại những gì của năm nay. Bối cảnh ấy tác động ra sao đến sự chuẩn bị của Đoàn - Hội cho các hoạt động tết?
- Hoạt động chăm lo Tết năm nay gắn với góp phần đảm bảo an sinh xã hội sau đợt bùng phát dịch vừa qua tại thành phố chúng ta.
Do vậy, ngoài những đối tượng mà Đoàn và Hội vẫn chăm lo, hỗ trợ vào dịp Tết hằng năm, năm nay sẽ quan tâm nhiều hơn đến những người chịu tác động của dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là trẻ em mồ côi sau đợt dịch vừa qua.
Cạnh đó, chúng tôi tính toán khởi động sớm hơn các hoạt động chăm lo Tết do thời điểm Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm nay đến sớm hơn, khá cận với Tết dương lịch. Việc khởi động sớm để có thêm thời gian, chuẩn bị chu đáo hơn.
Dự kiến năm nay cũng sẽ chăm lo cho 20.000 lượt người hoặc nếu nguồn lực tốt hơn thì sẽ tăng thêm. Chưa kể, đợt hoạt động này cũng là khởi động cho chuỗi nhiều hoạt động chào mừng đại hội Đoàn các cấp sẽ diễn ra trong năm 2022.
* Việc vận động nguồn lực hẳn cũng sẽ vất vả hơn với tình hình chung hiện nay, bài toán này được giải thế nào?
- Nguồn lực nhìn chung đúng là rất khó. Một số nguồn tạm gọi là truyền thống hỗ trợ hằng năm thì năm nay đã cắt giảm bớt. Chưa kể một số nguồn lực đã được dùng cho hoạt động phòng chống dịch trong đợt vừa qua. Việc vận động quà tặng cho đến lúc này là tương đối, nhưng tiền mặt thật sự là rất khó.
Hiện các bộ phận chuẩn bị cũng đang chạy hết tốc lực để có thể tìm kiếm, vận động thêm các nguồn khác. Tín hiệu vui là một số đơn vị, cá nhân qua kết nối từ đợt dịch vừa rồi trong một số hoạt động chung đã đặt vấn đề tiếp tục phối hợp, hỗ trợ cùng chúng tôi tổ chức việc chăm lo trong Tết này và chúng tôi trân trọng sự hỗ trợ quý báu ấy.
Tiếp sức trở lại sau Tết
* Đảm bảo an toàn phòng chống dịch cũng là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, chúng ta đã tính toán việc tổ chức hoạt động ra sao?
- Chúng tôi chuẩn bị nhiều phương án cho đợt hoạt động lớn này. Sẽ giảm các chương trình văn hóa văn nghệ, ngay chương trình Tết Việt truyền thống cũng đang được Nhà văn hóa Thanh niên tính toán quy mô, cách thức tổ chức phù hợp vì yêu cầu phòng chống dịch phải ưu tiên hàng đầu.
Tùy điều kiện thực tế sẽ thiết kế việc tổ chức chương trình. Nếu thuận lợi sẽ tổ chức tập trung, hoặc chia nhỏ lực lượng và tổ chức thành nhiều đợt. Tình huống xấu nhất là không thể tổ chức, chúng tôi đã tính đến việc thực hiện tại từng cơ sở.
Mục tiêu cuối cùng là làm sao đảm bảo chăm lo đúng, đủ và đến tận tay đối tượng cần được chăm lo. Chúng tôi cũng làm việc với các đơn vị, điều phối nguồn lực để chắc chắn không trùng lắp đối tượng, có thể hỗ trợ được cho nhiều người hơn.
* Cùng với chăm lo Tết, cũng cần tính đến việc hỗ trợ và trở lại sau Tết khi mà mọi người đã qua một năm nhiều vất vả...
- Khảo sát chung vẫn còn sinh viên, công nhân mong muốn được về quê bên gia đình ngày cuối năm nên chúng tôi vẫn tổ chức các chuyến xe đưa sinh viên, công nhân khó khăn về quê đón Tết. Tuy nhiên, số lượng năm nay giảm nhiều so với các năm trước và việc chúng tôi đang chuẩn bị là đón sinh viên, công nhân trở lại sau Tết.
Tỉ lệ phủ vắc xin tại các tỉnh đã cao hơn nên dự báo số lượng sinh viên, người lao động trở lại TP.HCM học tập, làm việc sau Tết sẽ tăng. Một mặt chúng tôi đang tính việc phối hợp với một số tỉnh thành để đưa sinh viên, công nhân trở lại thành phố. Mặt khác cũng chuẩn bị chương trình tiếp sức người lao động, trước mắt khoảng 6.000 đầu việc khi người lao động trở lại thành phố.
Biên giới, biển đảo trong tim tôi
Sau 10 năm thực hiện chương trình Mùa xuân biển đảo dịp cuối năm, Tết Nhâm Dần 2022 sắp tới sẽ là năm đầu tiên chương trình này đổi tên thành "Biên giới, biển đảo trong tim tôi". Việc đổi tên này cũng nhằm mở rộng đối tượng hướng đến, trong đó quan tâm hơn đến khu vực biên giới vốn cũng rất cần sự chăm lo nhiều hơn nữa.
Chị Trần Thu Hà cho biết ban tổ chức chương trình đã đi tiền trạm một vài địa điểm khu vực biên giới tại hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum để chuẩn bị cho chương trình sắp tới. Sau khi khảo sát, hiện có những điểm khu vực biên giới do các đồn biên phòng phụ trách có đông người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống rất khó khăn, có nơi còn thiếu cả nguồn nước sạch sinh hoạt hằng ngày.
"Việc tổ chức chương trình tại những nơi này không chỉ góp phần chăm sóc cho cán bộ, chiến sĩ biên phòng mà mong muốn nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, bỏ bớt dần các hủ tục của đồng bào dân tộc nơi này" - chị Thu Hà chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận