Úc và Canada đều là các thị trường có tiêu chuẩn cao về chất lượng, nhãn mác và an toàn thực phẩm. Do đó, để nông sản Việt Nam cạnh tranh ở những thị trường như vậy thường đòi hỏi nỗ lực lớn của cả doanh nghiệp Việt Nam và các cơ quan hỗ trợ, trong đó có yếu tố tăng nhận diện thương hiệu.
"Canada - Cá Là Đã"
Ông Jeffrey Lang, chuyên viên phát triển thị trường cấp cao của Bộ Nông nghiệp Canada, chia sẻ với Tuổi Trẻ rằng bản thân rất yêu thích cà phê của Việt Nam. "Là một người tiêu dùng Canada, khi nghĩ về sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam, tôi sẽ nghĩ về cà phê và hải sản", ông Lang cho biết.
Dù vậy, vị chuyên viên này thừa nhận ấn tượng về nông sản Việt tại Canada vẫn còn khá ít và Canada cũng gặp phải thách thức tương tự tại thị trường Việt Nam. "Tôi nghĩ Việt Nam có nhiều mặt hàng thực phẩm và hải sản phong phú. Song điều Việt Nam cần làm là thực hiện các chiến dịch truyền thông để phổ biến về sự đa dạng mà Việt Nam có", ông Lang nhấn mạnh.
Chính phủ Canada đã phát động chương trình "Canada - Cá Là Đã" (Canada, Bet It's Extremely Good!) hồi đầu tháng này nhằm quảng bá nông sản của mình tới người tiêu dùng Việt Nam thông qua kênh thương mại điện tử. Ông Lang gợi ý Việt Nam có thể tổ chức các chương trình tương tự để quảng bá nông sản của mình tại các thị trường khác, trong đó có Canada.
Việc giới thiệu sản phẩm mới vào một thị trường xa lạ vốn không phải là điều dễ dàng. Việt Nam có thể học hỏi từ kinh nghiệm của bạn bè quốc tế để đưa nông sản của mình tiếp cận thị trường mới.
Điển hình, hiếm ai biết rằng Canada còn có nhiều sản phẩm chất lượng khác ngoài siro lá phong (maple sirup). Đại diện của Queen Food, một công ty nhập khẩu của Việt Nam góp mặt trong "Canada - Cá Là Đã", thừa nhận họ mất khá nhiều thời gian trong việc thay đổi thói quen của người tiêu dùng vốn đã có suy nghĩ tất cả nhân sâm đều có nguồn gốc từ các quốc gia châu Á.
Theo Queen Food, chính phủ Việt Nam và Canada đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác kinh doanh của doanh nghiệp hai bên. Ngay từ những ngày đầu khi tiếp xúc với các doanh nghiệp nhân sâm tại Canada, công ty này đã nhận được hỗ trợ của Đại sứ quán và Bộ Nông nghiệp Canada. Bên cạnh đó, Hiệp hội nhân sâm Canada luôn cập nhật các tài liệu, hình ảnh, tin tức kịp thời để doanh nghiệp làm tư liệu trong quá trình truyền thông sản phẩm.
Chanh dây, bưởi sắp đến Úc
Theo Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Úc đạt 845 triệu USD. Việt Nam có 4 loại trái cây tươi được xuất khẩu vào thị trường Úc là xoài, nhãn, vải thiều, thanh long.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để đưa nông sản Việt Nam đến Úc" - Đại sứ Úc Andrew Goledzinowski tại Việt Nam trả lời Tuổi Trẻ, đồng thời cho biết nông nghiệp là một lĩnh vực rất lớn trong hợp tác giữa hai nước.
Tại đêm gala chương trình Taste of Australia (Hương vị Úc) hôm 19-5, ông Goledzinowski cho biết ngoài những loại trái cây tươi trên, Úc đang hỗ trợ Việt Nam đưa bưởi và chanh dây vào thị trường Úc.
Luôn thưởng thức chanh dây Việt Nam mỗi buổi sáng, Đại sứ Úc cho rằng Việt Nam sở hữu một trong những sản phẩm chanh dây tốt nhất thế giới. "Khi loại quả này được đưa vào Úc, tôi nghĩ nó sẽ tạo ra sự khác biệt lớn nhờ được truyền miệng, Mọi người sẽ bắt đầu nói về sản phẩm của Việt Nam và họ sẽ bắt đầu tìm đến các sản phẩm đó khi mua sắm", Đại sứ Goledzinowski nói.
Đại sứ Úc nhận định quan hệ tốt đẹp giữa Úc và Việt Nam đang tạo ra môi trường tốt cho hai bên thúc đẩy hợp tác thương mại. "Tôi nghĩ ở thời điểm hiện tại, Việt Nam có uy tín rất cao tại Úc. Chúng tôi có rất nhiều chuyến cấp cao đến Việt Nam để tìm hiểu thêm về đất nước này và củng cố mối quan hệ của chúng ta. Tôi nghĩ tất cả những điều đó sẽ góp phần tạo nên danh tiếng tốt cho (nông sản) Việt Nam tại Úc", ông nhấn mạnh.
Hỗ trợ nông dân Việt
Trong lĩnh vực nông sản, ông Behzad Babakhani, tổng lãnh sự Canada tại TP.HCM, cho biết Canada hiện có nhiều chương trình cung cấp kiến thức chuyên môn cho các nhà xuất khẩu của Việt Nam.
"Thực tế chúng tôi có các dự án ở Đồng bằng sông Cửu Long và một số trang trại có xuất khẩu đến Canada và một số nước khác. Canada cũng cung cấp công nghệ, bí quyết và chuyên gia để giúp nông dân trồng thanh long hay nho, những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam", ông nói.
Còn Đại sứ Goledzinowski cho biết hiện Úc đang có một nhóm chuyên gia hỗ trợ ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển các phương thức công nghệ cao hơn, để đưa sản phẩm ra thị trường và sau đó là xuất khẩu.
Quảng bá trên nền tảng số
Chính phủ Canada đang tìm kiếm cơ hội mới cho các sản phẩm của Canada thông qua việc số hóa trên toàn cầu, cũng như tại Việt Nam. Một bước tiến nổi bật của năm 2023 là chiến dịch quảng bá nông sản "Canada - Cá Là Đã" hợp tác với nền tảng Shopee.
Với quyết tâm phát triển trên nền tảng số, Canada cũng cộng tác cùng những người có ảnh hưởng trong lĩnh vực ẩm thực tại Việt Nam, để đưa ra những bí quyết và công thức đặc biệt cho bữa ăn gia đình Việt với nguồn nguyên liệu sạch từ Canada.
Theo ông Jeffrey Lang, phía Canada đã thực hiện khảo sát về độ nhận diện sản phẩm của Canada tại thị trường Việt Nam trước khi khởi động chiến dịch và sẽ khảo sát một lần nữa sau đó để đánh giá đúng hiệu quả của chiến dịch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận