11/02/2022 08:22 GMT+7

Canada: Người biểu tình bao vây cầu huyết mạch nối Canada - Mỹ

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Cầu Ambassador - cây cầu gần trăm tuổi nối giữa TP Detroit (Michigan, Mỹ) và Windsor (Ontario, Canada) - đã thành điểm nóng trong cuộc biểu tình của các tài xế xe tải nhằm phản đối quy định bắt buộc tiêm vắcxin COVID-19.

Canada: Người biểu tình bao vây cầu huyết mạch nối Canada - Mỹ - Ảnh 1.

Người biểu tình chiếm giữ đường dẫn lên cầu Ambassador (phía bờ Canada) vào ngày 8-2 - Ảnh: Reuters

Để "thể hiện tình đoàn kết" với các tài xế xe tải đang chiếm giữ khu trung tâm thủ đô Ottawa, một nhóm người đã lái xe tải, xe bán tải và thậm chí xe gia đình đổ về cầu Ambassador vào ngày 8-2. 

Giao thông qua cây cầu được mệnh danh là "quan trọng bậc nhất Bắc Mỹ" lập tức bị tắc nghẽn, đe dọa chuỗi cung ứng và buộc một số nhà máy ôtô ở cả Canada và Mỹ phải đóng cửa, thu hẹp sản xuất từ ngày 9-2. Giới chức hai nước đều cảm thấy lo ngại trước diễn biến mới.

Tác động khó lường

Mặc dù có quy mô nhỏ hơn cuộc biểu tình đang diễn ra ở trung tâm Ottawa (đã bước sang tuần thứ hai), cuộc biểu tình ở cầu Ambassador khiến chính quyền Canada và Mỹ lo lắng vì mức độ ảnh hưởng tới giao thương biên giới. 

Cây cầu là liên kết quan trọng với ngành ôtô hai nước. Các hãng Ford, Toyota hay General Motors đều dựa vào việc vận chuyển liên tục các bộ phận và linh kiện qua lại biên giới để duy trì hoạt động ngày đêm của các nhà máy tại Ontario và miền Trung Tây Mỹ.

"Tất cả chúng ta đều mệt mỏi với đại dịch, nhưng những cuộc phong tỏa bất hợp pháp này phải dừng lại", Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Canada Francois-Philippe Champagne kêu gọi trên Twitter. Ông lưu ý Ambassador là cây cầu vượt biên giới quan trọng nhất Bắc Mỹ, có ý nghĩa sống còn với chuỗi cung ứng Canada, hơn 40.000 lượt người và lượng hàng hóa trị giá hơn 320 triệu USD qua cầu mỗi ngày.

Các phòng thương mại, hiệp hội ngành công nghiệp của Canada và Mỹ đã yêu cầu giải tỏa tắc nghẽn tại cầu Ambassador, cảnh báo việc chậm trễ sẽ phá hoại các nỗ lực phục hồi sau đại dịch. Ford và Toyota thông báo các nhà máy tại Ontario (Canada) của họ sẽ dừng hoạt động đến hết tuần này do ách tắc vận chuyển qua biên giới.

Nhà máy của General Motors tại Michigan cũng dừng 2 dây chuyền vì thiếu thiết bị và phụ kiện từ Canada, theo Hãng tin Reuters. Không chỉ vậy, cuộc phong tỏa cũng đe dọa nguồn cung nông sản tươi sống, gia súc và các thực phẩm khác giữa hai nước. 

Ngành ôtô Bắc Mỹ nói chung và Mỹ nói riêng, vốn đã căng thẳng vì cuộc khủng hoảng thiếu chip toàn cầu, nay tiếp tục hồi hộp chờ đợi các động thái giải quyết của chính quyền về ách tắc tại cầu Ambassador.

Những người này đang cố gắng phong tỏa nền kinh tế và nền dân chủ của chúng ta.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói về những tài xế xe tải biểu tình.

Canada loay hoay tháo gỡ

Ngoài cầu Ambassador, một tuyến đường quan trọng khác nối Coutts (Alberta, Canada) và Sweet Grass (Montana, Mỹ) cũng bị những người biểu tình làm tắc nghẽn vài ngày qua. 

Giới chức Ontario đang cố gắng giải quyết vấn đề khi đề nghị các tài xế từ Mỹ và Canada đi qua một cây cầu khác, cách cầu Ambassador khoảng một giờ.

Theo truyền thông địa phương, đây chỉ là biện pháp tạm thời bởi cơ sở hạ tầng ở đó không đáp ứng nổi lượng xe cộ qua lại và việc thông quan mất thêm nhiều giờ so với tuyến đường cũ.

Đài Al Jazeera của Trung Đông có cách quan sát đáng chú ý khi đếm số lượng và chủng loại xe tham gia phong tỏa cầu Ambassador. Họ tinh ý nhận ra chỉ có 3 xe tải tham gia, còn phần lớn là xe con và xe gia đình.

Điều này cho thấy tâm lý phản đối đã lan sang các nhóm khác trong xã hội Canada, chứ không chỉ trong cánh tài xế. "Chúng tôi ở đây để ủng hộ họ. Tại sao tôi phải tiêm? Tôi đã bị COVID-19 trước đây. Tôi có kháng thể tự nhiên nhưng chính phủ đang ép buộc người dân, và theo nhận xét của tôi, như vậy là sai trái", một công nhân xây dựng ở cầu Ambassador nói với Al Jazeera.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau, người đã gọi cuộc phong tỏa cầu Ambassador và các cuộc biểu tình ở Ottawa là "bất hợp pháp", tuyên bố sẽ "làm mọi cách để chấm dứt tình trạng này". 

Thị trưởng Windsor Drew Dilkens cho biết đã nói chuyện với các quan chức cấp tỉnh lẫn liên bang trong 24 giờ qua và đang "chính thức yêu cầu các nguồn lực bổ sung".

Từ Washington D.C, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki bày tỏ quan ngại trong cuộc họp báo ngày 9-2, cho biết Mỹ đang làm việc với Canada nhằm điều chỉnh giao thông đến cầu Blue Water nối cảng Huron ở Michigan với Sarnia của Ontario. 

Đại diện Nhà Trắng lo lắng các cuộc biểu tình có thể trở thành bạo lực và dẫn tới ách tắc kéo dài, gây thiệt hại không thể đảo ngược cho doanh nghiệp.

Xe tải biểu tình phản đối tiêm chủng khiến cây cầu huyết mạch Mỹ - Canada tắc cứng Xe tải biểu tình phản đối tiêm chủng khiến cây cầu huyết mạch Mỹ - Canada tắc cứng

TTO - Các cuộc biểu tình của "Đoàn xe tự do" đã được mở rộng ra ngoài thủ đô Canada. Nhóm xe tải này đã khiến giao thông ở cây cầu nối Mỹ và Canada tê liệt.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên