Phóng to |
Giữa bạt ngàn sách tư nhân - Ảnh: L.Đ. |
60-70% sách hiện nay là từ liên kết với tư nhân!
Luật xuất bản năm 1993 qui định việc liên kết xuất bản chỉ được thực hiện trong khâu in và phát hành. Thế nhưng thực tế đã xảy ra ngoài tầm kiểm soát của luật này từ rất lâu và trở thành một sự thật hiển nhiên mà ai cũng biết, đến nỗi tình trạng liên kết xuất bản ở tất cả các khâu được coi là một hiện tượng tồn tại “ngoài vòng pháp luật” và thậm chí còn sống rất khỏe. Đại diện Công ty Phát hành sách Hà Nội đưa ra con số: có đến 60-70% lượng sách trên thị trường là sản phẩm liên kết giữa nhà xuất bản (NXB) với tư nhân.
Cục Xuất bản cũng phải công nhận rằng đa phần các vụ vi phạm trong thời gian gần đây là sản phẩm liên kết giữa NXB nhà nước với tư nhân. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về những sai phạm này chính là các NXB, còn đối tác của họ thì vẫn có thể nhởn nhơ.
|
Giải thích những sai phạm, chính vị phó giám đốc NXB Văn Học đã từng nói do phải bươn chải trong cơ chế thị trường nên ban biên tập đã không thẩm định nội dung tác phẩm Chuyến xe ma quái một cách thận trọng (!).
Một cán bộ biên tập giấu tên của NXB Văn Hóa Dân Tộc cũng từng nói với người viết bài rằng thực chất của việc liên kết xuất bản chỉ là việc bán giấy phép, còn nội dung cuốn sách ra sao, thật sự in bao nhiêu bản, phát hành như thế nào... là việc của tư nhân.
Cục Xuất bản cũng đã chỉ ra rằng hiện nay một số công ty phát hành sách và nhà sách tư nhân đã tổ chức bộ phận biên tập và hệ thống nhập liệu, chế bản như một NXB để chủ động về bản thảo, thậm chí công khai mua bản quyền của tác giả. Điều này vượt qua qui định của Luật xuất bản.
Không cấm được thì sao?
Đó là câu hỏi của giám đốc NXB Trẻ, bà Quách Thu Nguyệt, đặt ra trước hội nghị. Bà nói: “Tư nhân có lợi thế hơn NXB ở sự năng động trong việc tìm nguồn bản thảo, bên cạnh những đầu sách chạy theo thương mại họ vẫn có những bản thảo có chất lượng tốt. Thêm vào đó, tư nhân cũng góp phần tăng cường, mở rộng thị trường bán lẻ, đưa sách đến tay nhiều người hơn. Nhiều cơ sở tư nhân có qui trình khép kín ở các khâu xuất bản, in, phát hành, nên có thể rút ngắn thời gian bản thảo được ra thành sách. Thực tế, chúng ta không thể phủ nhận sự tham gia của tư nhân trong xuất bản”.
Bà Nguyệt cũng thẳng thắn đề cập đến yếu kém về quản lý: “Nguyên nhân dẫn đến sai phạm còn là do trình độ cán bộ xuất bản chưa đủ tầm để kiểm soát nên đã bị tư nhân chi phối. Thứ hai, hệ thống chế tài chưa đủ mạnh nên chỉ những “ông có tóc” (NXB) mới phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thêm vào đó bộ phận thanh tra, kiểm tra chưa thực thi đầy đủ theo đúng những văn bản dưới luật đã ban hành”.
Bà gợi ý rằng trên thực tế đã không thể khống chế được việc liên doanh xuất bản với tư nhân, vì thế cần phải xem lại có nên cấm nữa hay không. Bà cũng đề nghị trong văn bản sửa đổi Luật xuất bản năm 2004 nên có thêm cơ chế phù hợp với kinh tế tư nhân, ví dụ như nếu tư nhân sai phạm phải có chế tài có tính răn đe thật sự.
Các đại diện khâu in và phát hành cũng tỏ ý muốn có sự tham gia của tư nhân vào đầy đủ các khâu trong công tác xuất bản. Cụ thể hơn, giám đốc Công ty Phát hành sách Hà Nội phát biểu rằng nên nghiên cứu tiến hành cổ phần hóa một số NXB hoặc cho phép thành lập những công ty hoặc tập đoàn khép kín ở cả ba khâu xuất bản, in và phát hành để tránh tình trạng chồng chéo hiện nay giữa các khâu. Ông Nguyễn Văn Dòng, giám đốc Công ty in Trần Phú, nói thêm: “Một số nhà in có đủ khả năng cũng đang khát khao được xuất bản, phát hành”.
Điều đáng tiếc nhất ở hội nghị là đối tượng được nhắc đến nhiều nhất (các tư nhân làm sách) lại không thấy xuất hiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận