Chuyện khách sạn chờ đến sát ngày rồi nâng giá để ép khách không hiếm - Ảnh minh họa: Hotelogix
Tôi từng bị nâng giá phòng một cách bất hợp lý khi đặt phòng khách sạn ở Đà Nẵng qua một ứng dụng (app). Gia đình tôi dự định đến vào ngày 28 Tết (tức 30-1) với giá 2,2 triệu đồng/4 đêm. Sau khi nhận mail từ ứng dụng xác nhận đã đặt vé và phòng, tôi an tâm.
Đến ngày 27 Tết (tức 29-1), tôi gọi điện thoại xác nhận cho phía khách sạn thì nhận được câu trả lời: "Quý khách thông cảm, khách sạn đang sửa chữa nên không nhận khách, chắc do app đó bị lỗi ạ. Em sẽ gọi lại để tìm phòng cho chị ở chi nhánh khác". Chỉ vài phút sau, phía khách sạn lại gọi điện thoại xác nhận bên chi nhánh khác còn phòng, nhưng giá lại đến 1 triệu đồng/đêm.
Cũng đi du lịch nhiều năm, tôi hiểu mánh khóe "làm tiền", thường báo hết phòng để tăng giá phòng, ép khách hàng vào thế bị động. Sau khi cho biết sẽ báo cáo với bên ứng dụng, tôi nhận được lời giải thích và xin lỗi từ lễ tân khách sạn.
Tôi sau đó cũng phải gấp rút đặt khách sạn khác bằng cách gọi điện cầu cứu một số bạn bè đang làm dịch vụ du lịch tại Đà Nẵng. Và may mắn là cuối cùng cũng tìm được một khách sạn nằm ở trung tâm thành phố Đà Nẵng, giá cả vừa phải.
Anh trai tôi (làm việc trong một công ty lữ hành du lịch) kể lại rằng vào những dịp cao điểm, để đối phó với cơ quan chức năng, một số khách sạn, nhà nghỉ, homestay… thường tìm cách che bảng giá, thậm chí là gỡ xuống để bắt khách phải trả giá cao hơn. Thậm chí, các cơ sở kinh doanh lưu trú khi bán phòng cho khách thường với giá cao, nhưng khi kê khai với cơ quan thuế lại cố tình hạ giá xuống thấp hơn rất nhiều lần.
Có trường hợp, khách sạn đã cho thuê hết phòng, nhưng khai báo với cơ quan chức năng công suất phòng chỉ đạt 50%. Một số khách sạn còn thực hiện việc phụ thu tiền phòng vượt mức cho phép, sẵn sàng cho số lượng khách ở trong một phòng nhiều hơn so với tiêu chuẩn quy định.
Thông thường, chuyện gian lận, đầu cơ giá thuê phòng du lịch thường xảy ra với các khách sạn, nhà nghỉ tư nhân. Còn với các cơ sở lưu trú thuộc sự quản lý của Nhà nước thì vẫn giữ giá ổn định, chỉ tăng trong khuôn khổ cho phép.
Theo quy định chung thì giá dịch vụ lưu trú du lịch không thuộc Nhà nước định giá hoặc bình ổn giá. Bên cạnh đó, một số địa phương cũng chưa có cơ chế, quy định cụ thể để quản lý các loại giá này nên việc quản lý giá phòng còn lỏng lẻo, nhiều bất cập.
Với đặc trưng là ngành kinh doanh có tính thời vụ cao, thường xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu phòng nghỉ cho du khách, đã gây ảnh hưởng rất lớn đến giá thuê phòng. Cũng chính do đó mà nhiều cơ sở kinh doanh lưu trú đã lợi dụng thời điểm lễ, Tết để nâng giá quá cao so với mức bình thường, gây ra nhiều thiệt hại cho du khách.
Những hành vi "chặt chém" này xét cho cùng chính là sự vi phạm quy định về niêm yết giá bán theo pháp lệnh giá đã được ban hành. Tuy nhiên, những người hám lợi trước mắt có thể kiếm được ít tiền từ vài căn phòng, suất cơm, nước uống, nhưng cái "mất" nhiều hơn chính là lòng tin, niềm tự hào về hình ảnh của du lịch Việt Nam vốn rất thân thiện, gần gũi với du khách.
Vấn đề này khiến tôi nghĩ đến một cách tư duy của người Nhật Bản cách đây hơn 20 năm, ở khắp các nhà máy, xí nghiệp của họ luôn treo khẩu hiệu: "Chất lượng sản phẩm là danh dự của quốc gia". Cũng chính từ đó mà hàng hóa của quốc gia này được cả thế giới tin tưởng và khâm phục. Đã đến lúc các dịch vụ du lịch tại Việt Nam cũng nên nhận thức và thay đổi tư duy về "chặt chém" và xem đó như một vấn nạn của quốc gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận