Tuy nhiên, chức danh trưởng thôn do dân bầu trực tiếp theo quy định của pháp lệnh dân chủ cơ sở. Trưởng thôn trong một quan niệm nào đó hành xử công việc của địa phương có thể coi là “người có nhiều quyền hành”. Quyền chính đáng do cấp trên ủy thác có khi nếu không ngay ngắn cộng thêm cả “lộng quyền”. Chính vì lẽ đó, khi có một vị trưởng thôn thấy mình không hoàn thành nhiệm vụ để rừng bị tàn phá xin từ chức là một tín hiệu đáng suy nghĩ trên nhiều góc độ.
Lâu nay chúng ta vẫn có quan niệm gần như trở thành chính thống rằng chức vụ của một ai đó là do nhân dân ủy thác và do Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân bố trí, bổ nhiệm hoặc giới thiệu ra ứng cử... Với quan niệm như vậy, người cán bộ công chức xem việc bố trí, bổ nhiệm, lên xuống ra vào là chuyện của tổ chức, còn bản thân thụ động chờ đợi tổ chức phân công làm thì làm, nói nghỉ thì nghỉ.
Chuyện từ chức ở các nước được xem là bình thường. Cầu bị sập, xe lửa đụng nhau, bộ trưởng giao thông từ chức (Hàn Quốc, Ấn Độ); phát ngôn không chuẩn, một bộ trưởng của nội các hai ngày tuổi ở Nhật cũng từ chức. Chuyện sữa có melamine, cục trưởng Cục Chất lượng Trung Quốc từ chức. Gần đây, chuyện Vedan gây ô nhiễm, ngay cả những dòng sông như sông Đáy, sông Cầu, sông Thị Vải, kênh Tham Lương, Ba Bò bị “giết chết” từ mấy chục năm qua..., khu công nghiệp Vĩnh Lộc, Lê Minh Xuân gây ô nhiễm trầm trọng làm bạc lá cây xung quanh... các tổ chức cá nhân quản lý và bảo vệ môi trường ở đâu sao không thấy lên tiếng? Vì năng lực yếu, bệnh vô cảm, thiếu trách nhiệm hay có gì gì khác nữa mà làm ngơ? Cái giá phải trả do tác hại môi trường thật quá đắt! Phải mất 10 năm tích cực cứu chữa, môi trường mới có thể trở lại như cũ.
Việc từ chức khi tự thấy mình không đủ năng lực đảm nhiệm vị trí công tác là một sự trung thực, dũng cảm rất đáng cho mọi người suy nghĩ. Mong rằng nó trở thành chuyện bình thường và cần thiết diễn ra ở các cấp chính quyền. Việc từ chức trong một khía cạnh nào đó cũng nói lên một điều là đương sự thấy được trách nhiệm cá nhân trước những bê bối, sai phạm, thậm chí là không thành công của một chủ trương, chính sách.
Từ chức phải được xem là chuyện cần thiết, bình thường trong hoạt động công vụ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận