Lực lượng chức năng tỉnh Long An kiểm tra giấy tờ xét nghiệm COVID-19 và khai báo y tế người từ TP.HCM qua chốt, chiều 6-10 - Ảnh: TỰ TRUNG
Nhận định về việc này, TS Lương Hoài Nam cho rằng khi đưa ra các chính sách mở cửa đi lại, nhiều địa phương có nhiều nỗi sợ và các địa phương này sẽ chọn an toàn về mặt chống dịch chứ không phải an toàn để phục vụ cho việc mở cửa và khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội. Nỗi sợ trách nhiệm này đôi lúc góp phần đưa ra những quyết định cảm tính, không khoa học.
Áp lực trách nhiệm chống dịch
* Ông có thể nói cụ thể hơn về những nỗi lo của các địa phương mà ông vừa đề cập không?
- Lãnh đạo địa phương hiện có hai trách nhiệm: một là về kết quả phòng chống dịch và hai là trách nhiệm về sự sống còn của nền kinh tế địa phương. Trách nhiệm phòng chống dịch thường lộ rõ bằng số ca nhiễm, ca tử vong... hằng ngày.
Đây là việc mà nhân dân dễ dàng nhìn vào, trung ương nhìn xuống, trong khi việc ảnh hưởng kinh tế ít lộ diện hơn và nếu có thì cũng phải mất một thời gian dài mới thấy rõ. Vì thế, hầu hết lãnh đạo địa phương chọn giải pháp giảm thiểu rủi ro ở "mặt trận" phòng chống dịch mà bất cứ lúc nào họ cũng có thể phải gánh trách nhiệm.
* Như vậy, những vướng mắc trong việc khơi thông lại giao thông giữa các tỉnh thành lúc này phải được chia sẻ thế nào?
- Lo lắng của các địa phương trong lúc dịch còn phức tạp cũng có cái lý, từ đó các địa phương đi theo hướng siết chặt; ngược lại, nếu bình tĩnh cân nhắc thì họ sẽ đưa ra các chính sách kiểm soát có khoa học hơn.
Có thể truy trách nhiệm của những lãnh đạo lơ là, coi thường việc chống dịch nhưng khi họ đã làm hết trách nhiệm, đôi lúc phải chấp nhận việc lây nhiễm, bùng dịch là rủi ro. Không phải ca nhiễm, ổ dịch hay sự gia tăng nào cũng truy trách nhiệm. Nếu không gỡ nỗi lo lắng, trách nhiệm này thì rất khó trở lại bình thường mới.
Ban hành nhanh bộ tiêu chí kiểm soát
* Vậy như ông nói, việc kiểm soát đi lại có khoa học, không dựa trên cảm tính là như thế nào?
- Lấy ví dụ sau khi người dân đổ ra đường đêm trung thu, có rất nhiều sự lo lắng Hà Nội sẽ "toang". Thực tế lây lan dịch bệnh không như lo ngại, bởi thời gian đó người dân chỉ di chuyển đông trên đường, các cửa hàng ăn uống và mua sắm chưa mở nên việc tiếp xúc không nhiều.
Hay như Phú Yên, giữa lúc các tỉnh phía Nam siết chặt, địa phương này vẫn tổ chức cho người dân về trật tự, an toàn. Rõ ràng di chuyển không tạo ra lây nhiễm, chỉ tiếp xúc mới có nguy cơ lây nhiễm, nên chặn hoặc giảm tiếp xúc chứ đừng chống dịch bằng việc ngăn chặn hoặc loại bỏ di chuyển.
Ngay như Singapore khi xác định "sống chung với COVID-19" họ cũng không ngăn chặn được hoàn toàn lây nhiễm trong cộng đồng, mỗi ngày vẫn có hàng nghìn ca nhiễm mới. Nhưng trọng tâm của họ chống chuyển nặng và chống tử vong.
Điều ghi nhận là Singapore chưa một ngày dừng hoạt động xe buýt, tàu điện ngầm và chưa tạm dừng hoạt động shipper. Họ kiểm soát dịch bằng việc buộc người dân đeo khẩu trang, hạn chế nói chuyện, nghe điện thoại trên phương tiện giao thông và nếu chẳng may có lây nhiễm sẽ truy vết nhanh bằng ứng dụng công nghệ truy vết.
Lực lượng chức năng TP.HCM kiểm tra giấy tờ của người từ các tỉnh qua chốt ngày 6-10 - Ảnh: TỰ TRUNG
* Với việc kiểm soát đi lại ở mỗi nơi một kiểu như hiện nay thì cần giải pháp nào để có sự nhất quán?
- Thái độ kiểm soát khác nhau có thể thấy rõ ở việc các địa phương phản hồi kế hoạch khai thác trở lại các đường bay nội địa thường lệ giai đoạn 1 của Cục Hàng không Việt Nam với 3 lựa chọn: đồng ý hoàn toàn, đồng ý một phần và đề nghị chưa khai thác.
Nguyên nhân là do chúng ta thiếu bộ tiêu chí chuẩn mực thay thế cho các bộ tiêu chí kiểm soát quá chặt trước đây.
Nếu ban hành được bộ tiêu chí toàn quốc, tất cả các lĩnh vực, ngành nghề có thể áp vào để đánh giá phương án phục hồi kinh tế và các địa phương căn cứ bộ tiêu chí cũng định lượng các phương án đề xuất kiểm soát có đủ an toàn.
Khi đó các quyết định sẽ đơn giản hơn nhiều, có đồng nhất giữa các địa phương và không xảy ra tình trạng cùng một đề xuất nhưng các địa phương lại đánh giá rủi ro theo cách rất khác nhau.
Mở cửa hàng không
* Ngay cả khi có bộ tiêu chí chung, việc kiểm soát an toàn dịch tễ ở các loại hình phương tiện cũng phải khác nhau?
- Lâu nay chúng ta kiểm soát di chuyển nhưng buông lỏng kiểm soát tiếp xúc, trong khi thực sự phải kiểm soát tiếp xúc ở các nơi có giao tiếp đông người, môi trường công sở, nhà máy, trung tâm mua sắm, giải trí... bằng 5K và các chế tài khác chứ không phải kiểm soát trên đường.
Ví dụ như mở cửa ngành hàng không nội địa, bởi mở cửa hoạt động này dễ dàng hơn nhiều so với việc mở lại các hoạt động vận tải trên mặt đất và hoàn toàn có thể kiểm soát được mặt dịch tễ. Toàn bộ nhân lực từ phi công, tiếp viên, nhân viên phục vụ mặt đất... đã được tiêm đủ vắc xin. Máy bay cũng giới hạn đối tượng tiếp cận.
Vấn đề quan trọng nhất hiện giờ là đảm bảo kiểm soát hành khách đi máy bay an toàn. Bối cảnh hiện nay muốn kiểm soát chặt có thể chấp nhận xét nghiệm 100% hành khách tại sân bay, kể cả người tiêm đủ vắc xin.
Lâu dài có thể miễn xét nghiệm cho người có "thẻ xanh COVID". Các đường bay nội địa Việt Nam cũng ngắn, trên dưới 2 giờ bay, để chúng ta có thể chấp nhận không phục vụ ăn uống; yêu cầu hành khách tuyệt đối không tháo khẩu trang, không nói chuyện, nghe điện thoại... để hạn chế thấp nhất khả năng lây lan dịch.
Với những biện pháp kiểm soát chặt, hành khách là đối tượng an toàn nên cũng không cần quy định phải cách ly 7 ngày. Nhiều người, nhất là người kinh doanh, cần đi lại và giải quyết công việc trong 3 - 4 ngày mà bắt người ta cách ly 7 ngày rất khó.
* Vậy còn các loại hình vận tải khác như thế nào?
- Nguyên tắc kiểm soát là phương tiện an toàn, lực lượng lao động an toàn và hành khách đi lại phải an toàn. Như vậy có thiết kế ra các quy trình, quy chuẩn vận hành từng loại hình giao thông khác nhau đảm bảo yêu cầu kiểm soát dịch bệnh.
Đối với hoạt động đường sắt, xe khách liên tỉnh có thể áp dụng các yêu cầu như ngành hàng không, sàng lọc dịch tễ đảm bảo an toàn bằng xét nghiệm toàn bộ hành khách, yêu cầu người dân không tháo khẩu trang và hạn chế giao tiếp.
Đồng thời siết chặt hoạt động "xe dù" đưa đón khách tự phát khó kiểm soát. Việc tổ chức ăn uống trên tàu, xe cũng nghiên cứu để đảm bảo an toàn nhất.
* Tại sao ông nhấn mạnh vào việc mở cửa ngành vận tải hàng không?
- Nhìn từ các nước thì thấy hiện tại việc đình trệ vận tải hàng không một thời gian trước đây phải trả giá quá đắt, đặc biệt với hàng không nội địa. Họ không thể tiếp tục vận hành xã hội, nền kinh tế mà thiếu sự phục hồi của ngành vận tải hàng không.
Nếu áp dụng các tiêu chí phân loại nguy cơ như chúng ta đang thực hiện thì nơi nào cũng là "vùng đỏ", rất khó mở cửa bầu trời, trong khi không chỉ có địa phương du lịch mà các địa phương cũng cần nhà đầu tư, chuyên gia, lao động cũng như sự giao lưu về các hoạt động đầu tư, thương mại.
Do vậy, chúng ta không thể gắn việc khởi động ngành hàng không nội địa vào việc vùng này còn dịch hay vùng kia hết dịch. Việc mở cửa hàng không còn khó khăn vậy thì nói đến mở các hoạt động vận tải khác rủi ro hơn nhiều.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang trong lộ trình áp dụng "hộ chiếu vắc xin" để mở cửa du lịch và đón khách quốc tế. Chúng ta cũng cần sớm có chính sách tạo điều kiện để người Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu được về nước. Gần đến Tết Nguyên đán cần có kế hoạch sớm để người dân lên kế hoạch, đặt vé máy bay.
Đi lại giữa TP.HCM và 4 tỉnh: cần "chốt" sớm
Hôm qua 6-10, 4 tỉnh là Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh đã có phản hồi đến TP.HCM về phương án đi lại của người lao động, chuyên gia giữa các địa phương này.
Giám đốc Sở GTVT Tây Ninh Nguyễn Tấn Tài cho biết đã có văn bản phản hồi cơ quan chức năng TP.HCM về dự thảo phương án tổ chức giao thông nhằm tạo điều kiện cho người lao động, chuyên gia đi lại giữa TP.HCM và 4 tỉnh.
Về cơ bản, Tây Ninh thống nhất với phương án chỉ góp ý đề nghị thời hiệu tiêm mũi 1 vắc xin dài 21 ngày (thay vì 14 ngày) và giấy xét nghiệm có hiệu lực 72 giờ thay vì 7 ngày như phương án mà dự thảo đặt ra.
UBND tỉnh Long An cũng đã có văn bản thống nhất với phương án đi lại giữa TP và 4 tỉnh. Tỉnh này đề nghị bỏ giấy nhận diện theo mẫu, chỉ cần nhận diện bằng văn bản trên cơ sở đề nghị của doanh nghiệp do Sở GTVT 4 tỉnh và TP.HCM cấp. Việc giảm bớt các thủ tục này nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, rút ngắn thời gian cấp do số lượng xe từng doanh nghiệp nhiều.
Còn tỉnh Bình Dương cũng đã cơ bản thống nhất về phương án đi lại theo dự thảo. Tuy nhiên, tỉnh này đề nghị TP điều chỉnh một số nội dung về tần suất xét nghiệm. Cụ thể, như đối với lái xe, người phục vụ đã tiêm 1 mũi vắc xin 14 ngày, cần xét nghiệm 7 ngày/lần.
Người tiêm 2 mũi và khỏi bệnh có giấy xét nghiệm 7 ngày/lần. Tỉnh này cũng kiến nghị việc tổ chức xét nghiệm này do cơ quan y tế hoặc công ty tự xét nghiệm rồi cấp giấy cho người lao động, chuyên gia và chịu trách nhiệm về kết quả xét nghiệm này...
Long An, Tây Ninh thống nhất với TP.HCM về phương án đi lại cho người lao động - Ảnh: TỰ TRUNG
Ngày 6-10, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã có văn bản thống nhất phương án tổ chức cho người lao động đi lại giữa TP.HCM và tỉnh bằng ôtô (xe đưa đón), đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch COVID-19.
Đối với phương án sử dụng xe cá nhân (ôtô, môtô, xe máy), đề nghị UBND TP.HCM thống nhất thực hiện khi Đồng Nai trở lại trạng thái bình thường mới và sẽ có văn bản thông báo đến TP.HCM về việc này.
Trước đó, trong phương án TP.HCM gửi lấy ý kiến 4 tỉnh, công nhân, chuyên gia được các doanh nghiệp tổ chức đưa đón từ các tỉnh (Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh) đến trụ sở sản xuất đóng trên địa bàn TP và ngược lại.
Phương án này nhằm tạo điều kiện cho người lao động đi làm để phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế. Ngoài vận chuyển bằng ôtô, phương án cũng cho phép người lao động, chuyên gia có thể sử dụng xe cá nhân (ôtô, môtô, xe máy) đi làm giữa TP và 4 tỉnh lân cận.
Liên quan thông tin này, ông Hà Ngọc Trường - phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM - cho rằng các doanh nghiệp rất đồng tình với phương án tổ chức đi lại cho người lao động, chuyên gia (cả xe máy lẫn xe đưa rước) giữa TP.HCM và 4 tỉnh thành.
Đây là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hơn nữa sau một thời gian giãn cách xã hội, đến nay nhiều địa phương đã bước sang giai đoạn bình thường mới, tỉ lệ tiêm vắc xin cho người dân ngày càng cao. "Nếu chúng ta không tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động đi làm trở lại thì TP.HCM sẽ thiếu lực lượng sản xuất, khó có thể phục hồi kinh tế sau nhiều tháng phong tỏa do dịch COVID-19" - ông Trường nói.
Do đó, theo ông Trường, phương án nêu trên cần phải triển khai sớm. Triển khai một thời gian ở 5 tỉnh thành nêu trên, chúng ta sẽ rút ra bài học kinh nghiệm và cách xử lý từng vấn đề đi lại liên tỉnh. Căn cứ tình hình giãn cách ở một số địa phương, có thể nghiên cứu áp dụng ở một số vùng kinh tế khác căn cứ vào mức tương đồng về tình hình chống dịch, tỉ lệ tiêm vắc xin.
Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt
Vừa rồi TP.HCM gửi văn bản đến các tỉnh thành về tạo điều kiện cho người dân đi lại trong trường hợp cấp bách... nhưng nhiều địa phương vẫn không hỗ trợ người dân, dù họ đã được Sở GTVT TP cấp giấy.
Do đó, với trường hợp cấp bách khi đã đảm bảo tiêu chuẩn tiêm vắc xin hoặc đã có giấy xét nghiệm âm tính còn hiệu lực cần phải được tạo điều kiện cho đi lại trong trường hợp cấp thiết. Để người dân đi lại thuận lợi, ý kiến của Bộ GTVT là chưa đủ, cần cấp cao hơn chỉ đạo các địa phương.
Ông Hà Ngọc Trường
Đ.PHÚ - C.TUẤN - B.SƠN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận