Cần “vá” lại mạng lưới y tế cơ sở

HƯƠNG THẢO - THU HIẾN 08/03/2022 19:00 GMT+7

TTCT - Hệ thống y tế cơ sở gần với dân, là nơi chốn đầu tiên và cực kỳ quan trọng trong việc đảm bảo một xã hội được chăm sóc nhưng lâu nay bị bỏ quên, thiếu đầu tư về nhân lực, cơ sở vật chất. Sau đại dịch COVID-19, hệ thống y tế giống như một tấm lưới bị rách, các chuyên gia y tế đầu ngành cho rằng cần phải “vá” lại hệ thống này.

Nhân viên trạm y tế phường 7, quận Phú Nhuận, TP.HCM thăm khám trường hợp F0 điều trị tại nhà. Ảnh: DUYÊN PHAN

 

Không phát triển y tế cơ sở, con chim khó cất cánh

Nhân lực ngành y phải đáp ứng nhu cầu về chuyên môn và y đức. Do đó cần tuyển chọn, đào tạo, đãi ngộ hợp lý để đáp ứng nhu cầu được chăm sóc toàn diện, sống vui, sống khỏe, sống có chất lượng của người dân.

Tôi vẫn nhớ mãi câu nói của cố viện sĩ Dương Quang Trung (nguyên giám đốc Sở Y tế TP.HCM) là ngành y tế như con chim hai cánh, gồm y tế chuyên sâu và y tế cơ sở. Nếu chỉ phát triển y tế chuyên sâu, mà không phát triển y tế cơ sở thì con chim sẽ không thể cất cánh. 

Qua đại dịch thấy rõ ngành y tế có nhiều lỗ hổng cần khắc phục. Điển hình, số lượng nhân viên y tế của TP.HCM so với cả nước và Hà Nội còn thấp; trên 50% trạm y tế chưa có trưởng, phó trạm và chỉ 0,1% người dân đăng ký chữa bệnh tại các trạm y tế.

Để nâng cao chất lượng y tế, trước hết cần đẩy mạnh đào tạo bác sĩ thực hành tổng quát, mở rộng chương trình đào tạo cử nhân cấp cứu ngoài bệnh viện (paramedic). Song song đó mở rộng chương trình đào tạo bác sĩ chuyên khoa y học gia đình, đặc biệt tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ sức khỏe của người dân trên địa bàn. 

PGS.TS Nguyễn Thanh Hiệp (hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) 

Y đức và niềm tin chính sách

Việc đào tạo nguồn nhân lực cho y tế cần quan tâm đến chất lượng đầu ra. Chuẩn năng lực đầu ra của một bác sĩ đa khoa phải là sự kết hợp từ quan điểm, thái độ, kiến thức, kỹ năng và giao tiếp. Cần đưa vào chương trình đào tạo những môn học về y đức, khoa học hành vi, phát triển kỹ năng phần mềm… 

Sao cho bác sĩ ra trường phải là một nhà truyền thông, có đủ khả năng diễn đạt, kết nối với người dân, người bệnh. Bác sĩ phải biết làm việc nhóm, biết tư vấn phản biện nếu thấy không phù hợp; đồng thời phải là một nhà nghiên cứu, rút kinh nghiệm để có tay nghề vững vàng.

TP.HCM nên có chính sách về học bổng đối với ngành y, bởi hiện nay chủ yếu học bổng đến từ các tổ chức phi lợi nhuận. Và cần có chương trình thi bác sĩ nội trú để thành bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ đa khoa phải được đào tạo liên tục. 

Chính sách đưa 297 bác sĩ mới ra trường xuống trạm y tế thực hành mới đây là một chủ trương đúng đắn, nhằm chung tay nâng gánh vác, nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh. Tuy vậy chính sách này ít nhiều cũng có những ý kiến trái chiều.

 Sự bức xúc nhiều nhất của các bác sĩ không phải vì chi phí hỗ trợ, điều kiện cơ sở vật chất mà là sợ không biết về trạm y tế để làm gì và phải làm gì… Bên cạnh việc đả thông tư tưởng, giúp các bác sĩ mới ra trường đủ tự tin, nhà trường cần tiếp tục theo dõi các em, có các chương trình tập huấn, quản lý trạm y tế như thế nào, chính sách chủng ngừa, tư vấn…

PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dung (chủ tịch Hội Y học TP.HCM) 

Bệnh viện phải đặt hàng đào tạo

Nhiều thập niên qua, các hội nghị cấp quốc tế của ngành y học đều khẳng định vai trò quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu. Trong đại dịch COVID-19, tầm quan trọng của hệ thống, mạng lưới y tế cơ sở một lần nữa được tái khẳng định. Đào tạo nguồn nhân lực y tế, vai trò của chăm sóc sức khỏe ban đầu tuyến y tế cơ sở rất quan trọng.

Tuy vậy trước nay thiếu sự kết nối trao đổi giữa người sử dụng nhân lực và người đào tạo nhân lực y tế. Nếu hệ thống chăm sóc y tế không đặt hàng thì làm sao hệ thống giáo dục đào tạo đáp ứng được nhu cầu nhân lực, giúp thực hiện điều mà cơ sở, mạng lưới y tế mong muốn?

Ví dụ, hệ thống y tế có thể đặt hàng cần 5 bác sĩ tim mạch, 10 bác sĩ hô hấp thì chúng tôi, với vai trò ngành giáo dục - đào tạo sẽ đáp ứng đúng như vậy. Phần còn lại, ta sẽ đào tạo theo nguyên lý y học gia đình, phục vụ y tế cơ sở và được tạo điều kiện thăng tiến, học thêm các chuyên khoa sâu. 

Muốn bác sĩ trụ được ở tuyến y tế cơ sở thì chính sách đãi ngộ phải như thế nào, điều này bắt buộc cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Vấn đề sinh viên mới tốt nghiệp phải thực hành “tiền hành nghề” là rất quan trọng, các em phải hiểu được nguyên lý y học gia đình. 

Rút kinh nghiệm các nước, việc chuyển đổi mô hình sau tốt nghiệp đào tạo chuyên sâu vào 4 lĩnh vực chính gồm nội, ngoại, sản, nhi; y học gia đình, y học cấp cứu là cơ sở giúp tay nghề bác sĩ đủ vững và được người dân tin tưởng.

GS Trần Diệp Tuấn (chủ tịch hội đồng Trường ĐH Y dược TP.HCM)

Thu nhập bác sĩ ở bệnh viện công phải đủ sống

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận 70-80% nhu cầu của người dân là chăm sóc tổng quát và đa khoa, tức không cần đến bệnh viện, chỉ 20-30% có nhu cầu chăm sóc chuyên khoa. Ở Mỹ, khoảng 1 triệu bác sĩ thì gần 50% là bác sĩ tổng quát. 

Tại Việt Nam, số bác sĩ tổng quát cực kỳ thấp, như TP.HCM chủ yếu là bác sĩ chuyên khoa, trong khi nhu cầu bác sĩ tổng quát ở y tế cơ sở rất lớn, dẫn đến người dân đổ vào bệnh viện khám, gây quá tải ở tuyến trên như hiện nay. Nghịch lý là chúng ta có nhu cầu về bác sĩ tổng quát, đào tạo bác sĩ tổng quát nhưng khi họ ra trường tất cả lại hành nghề chuyên khoa.

Quốc gia nào chăm sóc sức khỏe tốt là ở chi phí y tế quốc gia thấp, hiệu quả chăm sóc sức khỏe cao, giải quyết được chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Trạm y tế là nơi quyết định kéo dài tuổi thọ của người dân. Y tế cơ sở phải là nơi sàng lọc bệnh, mãn tính không lây, sàng lọc các bệnh ung thư tử cung, ung thư vú... do đó nên đổi trạm y tế thành trung tâm y tế. 

Muốn làm được điều này, cần củng cố thu nhập cho bác sĩ cho đủ sống, đồng thời có cơ chế cho bác sĩ đa khoa tuyến dưới có nhiều cơ hội học tập, được phát triển chuyên môn; có thể luân chuyển sau 5 năm chứ không bắt buộc phải bám trụ cả đời ở y tế cơ sở. Khi đủ lực lượng bác sĩ tổng quát có năng lực, bác sĩ gia đình chất lượng, ngành y tế sẽ kiểm soát được tình trạng quá tải bệnh viện.

GS Lê Hoàng Ninh (nguyên viện trưởng Viện Y tế công cộng TP.HCM)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận