10/03/2023 09:34 GMT+7

Can trường trên sóng gió đại dương - Kỳ 4: Người ngư dân một tay trên đầu sóng ngọn gió

Cả vùng biển Vinh Thanh (huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) không ai không biết danh ngư dân cụt tay Trần Ngọc Sơn.

Ngư dân Trần Ngọc Sơn chỉ một tay vẫn can trường với nghề biển - Ảnh: NHẬT LINH

Ngư dân Trần Ngọc Sơn chỉ một tay vẫn can trường với nghề biển - Ảnh: NHẬT LINH

Chỉ còn một bàn tay lành lặn nhưng ngư dân 50 tuổi này suốt mấy chục năm qua vẫn dọc ngang trùng khơi mưu sinh và nhiều lần cứu người.

Thấy tàu cá Trung Quốc xâm phạm biển mình, gọi điện báo anh em xong, tôi chạy tàu tới gần rồi giương cao cờ Tổ quốc lên để tuyên bố cho họ biết đây là vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Một lúc sau thì tàu kiểm ngư của mình ra đến nơi và tàu họ cũng phải rời đi.
Ông Trần Ngọc Sơn

Một tay bám biển

"Tìm nhà ông Sơn "cụt" à? Chú cứ đi hết đoạn đường bê tông này, đến nhà văn hóa thôn 6 rồi dừng lại hỏi người ta chỉ cho. Cả miệt biển này ai cũng biết ổng. Nay biển động, chắc ổng có nhà đó", cụ bà bán nước mía đầu đường liên thôn dẫn ra xóm chài xã Vinh Thanh tận tình chỉ lối.

Chúng tôi dừng lại trước căn nhà sơn màu vàng nhạt. Trước hiên, một phụ nữ trạc tuổi 50, khuôn mặt rám nắng đang ngồi bệt giữa thềm bện lưới đánh cá. Bà là Đỗ Thị Thanh Loan, vợ ông Trần Ngọc Sơn.

"Anh Sơn đang ở ngoài bãi đậu ghe. Đợt rồi biển "dữ", ghe lại hư nên nhà đang tranh thủ sửa chữa. Tui thì ở nhà phụ đan lưới kiếm ngày 200.000 đồng đong gạo. Ngày nào biển động, sóng to là tui thay anh Sơn trở thành lao động chính", bà Loan cười nói.

Trò chuyện được một lúc thì đầu ngõ vang tiếng xe máy lộc cộc. Một người đàn ông thân hình rắn rỏi, làn da ngăm đen lái xe bằng một tay về trước sân nhà.

Pha ấm trà đặc mời khách, người ngư dân tuổi ngoài 50 kể rằng nghề biển là nghề cha ông truyền lại. Thuở nhỏ, cậu bé Sơn đã theo ghe của cha và ông nội vượt con sóng bạc ra biển bắt cá tôm. Những "bí kíp" nghề biển như tính con nước, tìm luồng cá, đoán hướng gió thổi... đều được cha Sơn truyền lại cho hết thảy.

Bước ngoặt cuộc đời ông đến vào năm 11 tuổi. Trong một lần cùng chúng bạn nghịch kíp thuốc nổ còn sót lại từ thời chiến tranh, ông bị mất hẳn bàn tay trái.

"Sau vụ mất tay, tôi buồn lắm vì chắc phải bỏ nghề biển. Nhưng vết thương dần liền lại, ở nhà mãi cũng thèm cái vị mặn mòi của biển nên tôi lại xin cha cho theo ghe để phụ được gì thì phụ. Mới đầu kéo lưới không quen, tấm lưới cứa vào vết thương đau vô cùng, bật cả máu. Người ta mất một giờ để kéo lưới còn tôi thua họ một tay nên mất tận hơn hai tiếng", ông Sơn kể.

Kéo lưới đã khó, chèo thuyền ra biển càng khó hơn đối với Sơn. Chỉ còn một bàn tay, Sơn phải tập ghì tay chèo, giữ lái để vượt sóng. Thuở đó, nhiều ghe thuyền ra biển còn phải chèo tay, không nhiều ghe có máy như bây giờ.

Có lần gặp con sóng dữ, thành mái chèo đập vào cổ tay trái khiến vết thương cũ bục ra, ứa máu. Vết thương lẫn với nước biển mặn chát khiến chàng ngư dân rắn rỏi như Sơn cũng phải bật khóc vì đau đớn.

Lâu dần người làng chài nghèo cũng quen với hình ảnh cậu trai trẻ cụt mất một bàn tay gồng mình ghì chặt tấm lưới nặng trĩu cá tôm dọc ngang vùng biển Vinh Thanh. Có người nể phục đặt cho Sơn biệt danh "kỳ nhân một tay".

Năm 2008, ông Sơn cùng bảy bạn thuyền hùn vốn đóng một chiếc ghe 250CV để vươn ra biển xa hơn. Đến năm 2009, trong một lần vượt sóng ra biển, ghe của ông Sơn bị sóng đánh chìm.

Lúc đó khoảng 2h sáng, mặt biển tối và trở gió. Ghe ông Sơn rời bờ khoảng 8 hải lý thì bị sóng lớn đánh lật úp. Toàn bộ máy móc, lưới nghề đều bị biển "nuốt" trôi cả. Ông Sơn cùng các bạn thuyền khác bám vào một thùng phuy chới với hàng giờ liền trên biển. Đến rạng sáng thì được cứu.

"May trời thương cho tui với anh em bạn thuyền toàn mạng. Nghỉ ngơi vài hôm thì tui quyết vay mượn anh em, bạn bè hơn trăm triệu để đóng cái ghe mới đi biển tiếp", ông Sơn nói rắn rỏi.

Các ngư dân Việt Nam ra khơi luôn đoàn kết, sẵn sàng hỗ trợ nhau - Ảnh: TRẦN MAI

Các ngư dân Việt Nam ra khơi luôn đoàn kết, sẵn sàng hỗ trợ nhau - Ảnh: TRẦN MAI

Ngư dân nghĩa hiệp

"Bây giờ đi biển ông sợ nhất là gì?", tôi hỏi ông Sơn. "Giã cào. Nạn giã cào!", người ngư dân đứng tuổi không phân vân mà đáp liền tức khắc.

Năm 2014, trong lần ra khơi bắt ghẹ, tấm lưới trị giá mấy chục triệu đồng là gia tài lúc đó của ông Sơn bị một tàu giã cào cuốn sạch. Sau chuyến biển thiệt hại, ông Sơn về bờ lên gặp chính quyền xin tình nguyện tham gia tuần tra biển với kiểm ngư, biên phòng để phát hiện, đẩy đuổi tàu giã cào.

Trong một lần giong thuyền tuần tra biển, ông Sơn phát hiện một tàu cá lạ mang cờ Trung Quốc, cách bờ biển Vinh Thanh chỉ hơn 10 hải lý. Ngay lập tức ông bốc điện thoại gọi báo ngay cho lực lượng biên phòng và chi hội nghề cá nắm thông tin.

"Thấy tàu cá Trung Quốc xâm phạm biển mình, gọi điện báo anh em xong, tôi chạy tàu tới gần rồi giương cao cờ Tổ quốc lên để tuyên bố cho họ biết đây là vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Một lúc sau thì tàu kiểm ngư của mình ra đến nơi và tàu họ cũng phải rời đi", ông Sơn kể.

Từ khi đảm đương việc tuần tra biển, ngoài việc phát hiện tàu giã cào từ tỉnh khác đi vào vùng biển Vinh Thanh, ông Sơn còn tham gia cả lực lượng cứu hộ cứu nạn trên biển.

Không ít lần bữa cơm gia đình nhà chị Loan phải bỏ dở giữa chừng vì cứ hay tin có ghe tàu gặp nạn là ông Sơn đều vội buông đũa, í ới đi gọi người chạy thẳng ra hướng biển.

Tự nhận mình có "kinh nghiệm đối diện tử thần", hơn ai hết ông Sơn hiểu cảm giác chới với, mong chờ được cứu giúp của người ngư dân chẳng may lâm nạn.

"Bởi vậy nên chưa khi nào ông chồng tui từ nan khi nghe có người gặp nạn trên biển dù sóng to gió lớn. Có lần biển động, gió rít ầm ầm mà ông cùng bạn thuyền vẫn chạy ghe đi cứu hộ một ghe khác bị sóng đánh trôi dạt tới tận biển Vinh Xuân cách đó mấy chục hải lý. Đi cứu hộ từ sáng mà đến nửa đêm mới về làm tui ở nhà đúng hồn treo cột buồm", chị Loan tâm tình.

Tấm lòng của ông Sơn "cụt" được mọi người kính phục bởi những hành động nghĩa hiệp của ông đối với không chỉ người còn sống mà còn cả với người đã khuất. Số là nhiều chuyến biển, trong tấm lưới của người ngư dân kéo lên không chỉ có mình cá tôm mà còn có cả... những mảnh xương cốt, thi thể người.

Nhớ lại quá khứ, ông Sơn kể rằng có tám lần ông kéo lưới dính phải hài cốt người trôi dạt trên biển. Có thi thể còn gần như nguyên vẹn. Tất cả đều được ông đưa vào bờ và báo chính quyền địa phương. Do không ai tới nhận, thi thể đáng thương được ông xin chính quyền cho tự tay đem đến nghĩa trang gần bãi đậu ghe chôn cất tử tế.

Cứ mỗi chuyến biển, đi ngang nghĩa trang là ông cùng bạn thuyền đều ghé lại thắp cho những vong hồn kém may mắn cây nhang và cầu mong phù hộ cho chuyến biển tốt đẹp. Từ đó, người Vinh Thanh mỗi lần đi biển nếu bủa trúng thi thể người xấu số đều đem đến nghĩa trang nơi này để thờ chung.

"Chắc họ cũng là ngư dân như mình không may gặp nạn trên biển. Âu cũng là một phận người, mình xin trời đất cho mình được đưa về cúng tế để vong linh của họ được chút ấm lòng", ông Sơn tâm sự.

Nhắc đến ngư dân thế hệ này tiếp nối thế hệ khác can trường bám biển Hoàng Sa, không thể thiếu xóm Gành Cả, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Xóm nhỏ nằm khuất dưới quả đồi, mặt hướng ra biển ấy, trai tráng như sinh ra để đi Hoàng Sa và thành bộ sử sống về quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

****************

Nhắc đến ngư dân thế hệ này tiếp nối thế hệ khác can trường bám biển Hoàng Sa, không thể thiếu xóm Gành Cả, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Xóm nhỏ nằm khuất dưới quả đồi, mặt hướng ra biển ấy, trai tráng như sinh ra để đi Hoàng Sa và thành bộ sử sống về quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

>> Kỳ tới: Xóm Hoàng Sa 

Can trường trên sóng gió đại dương - Kỳ 3: Truyền đời cỡi sóng gió Hoàng Sa, Trường SaCan trường trên sóng gió đại dương - Kỳ 3: Truyền đời cỡi sóng gió Hoàng Sa, Trường Sa

Ở làng cá Tam Giang (Núi Thành, Quảng Nam) có rất nhiều ngư dân nhiều đời nối tiếp nhau cỡi trên sóng gió Hoàng Sa, Trường Sa của Tổ quốc. Bao phen gặp khó khăn, bất trắc, nhưng họ vẫn giương cao ngọn cờ Tổ quốc trên tàu ra biển xa...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên