Một người đàn ông bế đứa trẻ chạy trốn khỏi thị trấn Irpin, Ukraine, sau khi địa phương này bị pháo kích dữ dội trong ngày 6-3 - Ảnh: Reuters
Khác với 2 cuộc chiến trước, một cuộc chiến thế giới thứ 3 với sự hiện diện của vũ khí hạt nhân có thể sẽ đe dọa sự tồn vong của loài người. Trước viễn cảnh như vậy, cộng đồng thế giới khó có thể đứng im nhìn cuộc chiến đang dần cuốn các nước vào vòng xoáy của chiến tranh.
Kỳ vọng các nước bên ngoài
Dù kịch bản của Chiến tranh thế giới thứ 3 có lẽ vẫn còn xa nhưng khả năng một thế giới bị chia cắt, luôn trên bờ vực của một cuộc chiến thế giới như thời kỳ Chiến tranh lạnh đang ngày càng rõ rệt hơn hết.
Do vậy, không khó để nhận ra rằng những nỗ lực ngoại giao đã bắt đầu được khởi động và sẽ còn tiếp tục được đẩy mạnh nhằm tìm ra giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột đã kéo dài hơn 11 ngày này.
Khi những người tham gia trực tiếp vào cuộc chiến bị che phủ bởi "màn sương mù của chiến tranh", khó có thể có lý trí để phân biệt đúng sai, không dễ có thời gian để suy nghĩ về những hậu quả của từng hành động của mình, đó là lúc những nước bên ngoài cần phải lên tiếng.
Chuyến thăm Nga và Đức âm thầm của thủ tướng Israel, những chuyến ngoại giao con thoi của tổng thống Pháp, những sự cân nhắc của Trung Quốc, những lời đề nghị của Giáo hoàng... đã được truyền thông đưa tin rộng rãi.
Hơn ai hết, những nước bên ngoài có tiếng nói, có mối quan hệ hữu hảo với tất cả các bên tham chiến sẽ ở những vị thế thuận lợi nhất để làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột này.
Dù chưa biết những nước nào sẽ được đề nghị, những giải pháp nào sẽ được chấp nhận nhưng sẽ còn thêm nữa những nỗ lực ngoại giao từ nhiều quốc gia khác.
Những nỗ lực ngoại giao ban đầu lúc này sẽ chỉ tập trung vào thăm dò quan điểm của mỗi bên để tìm ra những điểm chung, tương đồng, từ đó xây dựng lên một giải pháp khả dĩ có thể chấp nhận được để làm cơ sở cho việc đàm phán.
Nhưng đến khi cái giá của cuộc chiến ngày càng trở nên quá đắt, khi các bên liên quan có thể bình tâm hơn, và khi những cái đầu nóng dần nguội lại, đó sẽ là thời điểm chín muồi cho ngoại giao phát huy.
Tuy nhiên có lẽ vào thời điểm lúc này, khi không khí chiến tranh vẫn còn hừng hực, không ai chịu chấp nhận sai lầm, và mỗi bên tham chiến vẫn có lý do để tin vào một chiến thắng, chúng ta khó có thể lạc quan, kỳ vọng vào một giải pháp ngoại giao một sớm một chiều.
Tìm đường rút lui trong danh dự
77 năm trước, chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh, ngay sau khi Thế chiến 2 kết thúc, các quốc gia, dù là bên thắng cuộc hay bên thua cuộc, dù là theo hệ thống chính trị - xã hội nào, đã nhất trí ngồi lại, xây dựng lên hệ thống luật pháp quốc tế và lập ra Liên Hiệp Quốc cùng các thể chế quốc tế khác với mục đích ngăn chặn những cuộc chiến như vậy xảy ra một lần nữa.
Dù chưa thật hoàn hảo nhưng luật pháp quốc tế đã giúp ngăn chặn các cuộc xung đột giữa các quốc gia.
Cho dù sau đó là một cuộc chiến tranh lạnh kéo dài hơn 40 năm nhưng không thể phủ nhận từ cuối thế kỷ 20 đến nay là thời kỳ hòa bình thịnh trị nhất trong lịch sử loài người, như các nhà sử học đã minh chứng với số lượng những cuộc chiến cũng như nạn nhân chiến tranh ở mức thấp nhất trong lịch sử.
Một châu Âu là bãi chiến trường trong 2 cuộc chiến tranh thế giới chắc không muốn lịch sử lặp lại một lần nữa. Một nước Mỹ hùng mạnh không muốn bị kéo vào một cuộc chiến lớn mà ở đó sự hủy diệt lẫn nhau là điều không tránh khỏi.
Một nước Ukraine yên bình cũng không muốn một cái giá quá đắt cho dân tộc mình trong một cuộc chiến không cân sức. Một nước Nga kiêu hãnh cũng không muốn đi vào vết xe đổ của Liên bang Xô viết không kèn không trống rút ra khỏi Afghanistan sau 10 năm sa lầy.
Rồi sẽ đến lúc ngoại giao là giải pháp thay cho chiến trường, sẽ đến thời điểm các quốc gia can dự vào cuộc chiến này tìm đường rút lui trong danh dự.
Cỗ máy ngoại giao đã bắt đầu được khởi động để tìm ra con đường đó, tìm ra một giải pháp mà tất cả các bên tham chiến đều có thể chấp nhận được, một giải pháp đủ để giữ thể diện cho tất cả các bên liên quan, một giải pháp cho phép bên nào cũng có thể tuyên bố là người chiến thắng.
Còn trong lúc đó, với mỗi cá nhân, dù có là công dân của nước đang tham chiến hay có tình cảm yêu thương đối với một quốc gia nào, cần phải để lý trí vượt lên tình cảm.
Giờ không phải là lúc tranh cãi đúng sai, dù chẳng có bên nào đúng sai tuyệt đối, nhưng là lúc phải lên tiếng để ủng hộ cho hòa bình, cho công lý, cho quyền của bất kỳ quốc gia nào được sống trong hòa bình, được có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Trong chiến tranh không ai nói được điều gì, lửa đang cháy ở phương xa nhưng rất có thể nó sẽ lan rộng lúc nào không biết. Chính vì vậy, rất cần tiếng gọi hòa bình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận