05/05/2008 11:22 GMT+7

Cần trục tháp công trình xây dựng: Quá nhiều "lỗ hổng"

Theo NGỌC LỮ - Sài Gòn giải phóng
Theo NGỌC LỮ - Sài Gòn giải phóng

Sau hơn 4 tháng xảy ra sự cố ngã gãy cần trục tháp tại công trình xây dựng cao ốc Centec Tower (số 72-74 Nguyễn Thị Minh Khai quận 3 TP.HCM), đoàn điều tra tai nạn TP mới đưa ra kết luận và các hình thức xử lý cuối cùng. Theo đó, toàn bộ hậu quả của sự cố chịu trách nhiệm chính vẫn là các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước gần như “chẳng liên quan” gì…

ODFMnm77.jpgPhóng to
Phần lớn cần trục tháp trên các công trình xây dựng tại TP.HCM khi hoạt động đều “lơ lửng” trên đầu người đi đường
Sau hơn 4 tháng xảy ra sự cố ngã gãy cần trục tháp tại công trình xây dựng cao ốc Centec Tower (số 72-74 Nguyễn Thị Minh Khai quận 3 TP.HCM), đoàn điều tra tai nạn TP mới đưa ra kết luận và các hình thức xử lý cuối cùng. Theo đó, toàn bộ hậu quả của sự cố chịu trách nhiệm chính vẫn là các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước gần như “chẳng liên quan” gì…

Nhiều vấn đề luật chưa quy định

Sau sự cố ngã gãy cần trục tháp tại công trình cao ốc Centec Tower, dư luận và báo chí đã phản ánh khá nhiều những nguy cơ, hiểm họa có thể xảy ra cho người dân TP từ những thiết bị xây dựng này. Đây là loại thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động với nhiều tiêu chuẩn, quy định rất khắt khe nhằm hạn chế tối đa các sự cố có thể xảy ra trong quá trình hoạt động.

Tuy nhiên, khi sự cố xảy ra, các cơ quan quản lý nhà nước đã phải “giật mình” khi phát hiện nhiều vấn đề quản lý hoạt động của loại thiết bị này vẫn chưa được quy định, chưa xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn để đánh giá. Đồng thời có những vấn đề đã được quy định nhưng quá chung chung và không thể áp dụng trong thực tế (đặc thù như TP.HCM: điều kiện thi công chật hẹp).

Một trong những hoạt động có thể xảy ra sự cố nhiều nhất của cần trục tháp chính là quá trình “leo tầng” của nó. Phó Chánh Thanh tra Sở LĐTB-XH TP.HCM Nguyễn Quốc Việt giải thích, quy định và tiêu chuẩn để đảm bảo an toàn cho cần trục trong quá trình nâng độ cao của nó theo tầng cao của công trình đến nay vẫn chưa có.

Hiện tại, cần trục chỉ được kiểm định an toàn khi bắt đầu lắp đặt ở công trình, còn trong quá trình hoạt động nâng trục, người điều khiển hoặc đơn vị quản lý phải tuân theo những yêu cầu nghiêm ngặt của quy định an toàn lao động và quy định của nhà sản xuất thiết bị.

Tuy nhiên, trong quá trình “leo tầng” (lắp đặt các gông thép chịu lực, giữ ổn định cho trục tháp bám vào các tầng công trình) luật chưa quy định cơ quan nào phải chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra an toàn. Do đó, nếu xảy ra sự cố (như sự cố tại Centec Tower) thì không thể quy trách nhiệm cho cơ quan nào được.

Trong buổi làm việc với đại diện các sở ngành liên quan về xác định nhiệm vụ quản lý nhà nước trong xử lý tai nạn gây ra do thiết bị không đảm bảo yêu cầu trong các công trình xây dựng mới đây, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Nguyễn Văn Hiệp tỏ ra băn khoăn khi rất nhiều cần trục tháp đang có mặt trên địa bàn TP đang hoạt động nguy hiểm dưới các tuyến đường, các khu dân cư. Ông Hiệp đặt vấn đề, cơ quan nào quản lý tầm hoạt động của cần trục tháp?

Nếu xảy ra sự cố gây chết người do cần trục vươn ra khỏi công trình, cơ quan nào chịu trách nhiệm, ngoài đơn vị quản lý vận hành? Ngay cả trụ móng (chân đế) của cần trục, nếu xảy ra việc lún sụt, ngã gãy do không đảm bảo an toàn thì đơn vị nào “gánh” trách nhiệm?

Bởi cơ quan kiểm định chỉ kiểm định độ an toàn của hoạt động cần trục tháp, còn phần đất đặt chân đế khi cần trục nâng độ cao chưa thấy quy định, trong khi thực tế nền đất trên các công trình xây dựng tại TP đang có nhiều “vấn đề”. Thực tế trên địa bàn TP.HCM hiện nay có rất nhiều cần trục tháp hoạt động trên vùng nguy hiểm vì vươn ra khỏi công trình (do điều kiện thi công quá chật hẹp) nhưng các biện pháp an toàn tính mạng cho người dân thì vẫn đang bị bỏ ngỏ.

Cần ban hành quy định quản lý tạm thời

Đứng trước những hiểm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào từ các cần trục tháp nói riêng và các thiết bị xây dựng có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn nói chung, các sở ngành TP đang khẩn trương tìm giải pháp quản lý tốt hơn, hạn chế tối đa các sự cố và quan trọng là “quy” trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan. Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Nguyễn Văn Hiệp cho biết, sẽ kiến nghị UBND TP sớm ban hành quy định quản lý tạm thời các thiết bị xây dựng, trong đó tập trung vào cần trục tháp. Trong khi chờ đợi bổ sung các tiêu chuẩn, quy định thống nhất từ trung ương, TP cần sớm ban hành những quy định tạm thời xuất phát từ thực tế hoạt động xây dựng trên địa bàn hiện nay.

Với tình trạng thi công chật hẹp, vùng nguy hiểm của phần lớn các cần trục tháp đang hoạt động hiện nay đều vươn ra khỏi công trình, nếu cấm hoạt động thì không thể, còn cho phép hoạt động thì cần phải quản lý chặt, không thể để tình trạng hiểm họa “treo lơ lửng” trên đầu người dân như hiện nay. Chánh Thanh tra Sở LĐTB-XH TP Nguyễn Quốc Việt đề nghị, nên quy định thời gian hoạt động của các cần trục tháp ở những công trình không đảm bảo vùng nguy hiểm.

Chúng ta đã có quy định về thời gian hoạt động các loại xe tải trên một số tuyến đường nội thành nhằm đảm bảo an toàn giao thông, vì sao không thể hạn chế được thời gian hoạt động của cần trục tháp? Sở GTCC TP cũng phải có trách nhiệm trong việc phân luồng các tuyến đường có tầm hoạt động của cần trục tháp.

Nếu không trực tiếp thực hiện thì cũng cần có các biện pháp giám sát, kiểm tra và xử phạt các công trình không đảm bảo an toàn cho người dân tham gia lưu thông. Nếu ban hành quy định quản lý tạm thời cần trục tháp, vấn đề quan trọng vẫn là trách nhiệm và sự phối hợp giữa các sở ngành liên quan luôn thống nhất, đồng bộ.

Theo NGỌC LỮ - Sài Gòn giải phóng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên