Như Tuổi Trẻ Online thông tin, tại dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất phạt từ 2-3 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác (tăng so với mức 1-2 triệu đồng hiện hành áp dụng tại nghị định 100/2019).
Ngoài ra, tài xế còn bị trừ 2 điểm giấy phép lái xe. Đối với người điều khiển xe máy, mức phạt tiền vẫn giữ nguyên từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng và trừ 2 điểm giấy phép lái xe...
Phản hồi đến Tuổi Trẻ Online, chuyên gia và bạn đọc góp thêm ý kiến về đề xuất trên.
Nguy hiểm tính mạng người đi đường
Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên giám đốc Nhà xuất bản Giao Thông Vận Tải, trong Luật Giao thông đường bộ 2008 đã quy định nghiêm cấm tài xế lái xe ô tô, mô tô, xe gắn máy, xe đạp sử dụng điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính.
Nghị định 100 của Chính phủ cũng quy định rõ mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường đối với từng loại hình phương tiện.
Cụ thể, phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với tài xế điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự, phạt tiền từ 600.000 đến 1 triệu đồng với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự; phạt tiền 80.000-100.000 đồng đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy.
Tùy loại phương tiện, người điều khiển sẽ bị thêm hình phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe. Ngoài ra, nếu gây ra tai nạn giao thông, gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho người khác mà nguyên nhân từ hành vi sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông còn có thể bị xử lý hình sự.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay ra đường có thể thấy rất nhiều trường hợp tài xế vẫn cố tình sử dụng điện thoại khi lái xe. Nhất là với các tài xế xe công nghệ, shipper…
Điều này tiềm ẩn nguy cơ rất lớn về mất an toàn giao thông, nguy hiểm đến tính mạng người đi đường nếu xảy ra tai nạn do tài xế sử dụng điện thoại, không chú ý, quan sát được xung quan. Thực tế đã có rất nhiều vụ tai nạn xảy ra được ghi nhận có lỗi của tài xế sử dụng điện thoại.
Thêm vào đó, mức xử phạt hành chính hiện nay còn nhẹ, chưa mang tính răn đe cao và việc phát hiện, xử lý cũng gặp khó khăn do phải bắt được quả tang. Do vậy, việc Bộ Công an đề xuất nâng mức phạt với tài xế điều khiển phương tiện dùng điện thoại là phù hợp.
Với mức tiền đề xuất tăng lên và áp dụng biện pháp trừ điểm bằng lái sẽ giúp tạo tính răn đe cao hơn với các tài xế, góp phần đảm bảo an toàn giao thông. Bên cạnh đó cũng cần có biện pháp, công nghệ để hỗ trợ lực lượng chức năng có thể phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm này.
Trừ 4 điểm với xe máy, 6 điểm với ô tô
Nhiều bạn đọc cho rằng cần nâng mức phạt cao hơn mức đề xuất với hành vi vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại.
"Lỗi này dự thảo chỉ trừ 1-2 điểm bằng lái là không đủ tính răn đe. Cá nhân tôi nghĩ nên trừ 4 điểm đối với xe máy, 6 điểm đối với xe tải", tài khoản kid1****@gmail.com có ý kiến.
Bạn đọc có số điện thoại 0916******11 đề nghị "nâng mức phạt cao hơn mức đề xuất, cùng trừ điểm bằng lái cao hơn đối với hành vi vừa lái xe vừa nghe điện thoại. Đồng thời cơ quan chức năng cần quan tâm đầu tư, tăng cường trang thiết bị kiểm tra, giám sát, xử lý hành vi này".
Còn tài khoản CEO "mong nâng mức phạt lên tầm 10 triệu với ô tô, 5 triệu với xe 2 bánh, tước bằng lái 3 tháng".
Tương tự, bạn đọc nvt***@gmail.com đề xuất: "Nghe gọi, nhắn tin trên điện thoại khi lái xe cần phạt 8-10 triệu".
"Phải xử phạt nặng 10-30 triệu, chứ 2-3 triệu sẽ khó răn đe hành vi này" - một bạn đọc khác đề xuất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận