Chỉ cần tìm kiếm từ khóa "truyền dịch thải độc gan" trên các trang mạng xã hội sẽ xuất hiện hàng trăm kết quả quảng cáo về dịch vụ này, thậm chí nhiều cơ sở nhận truyền dịch thải độc gan tại nhà khi khách hàng có nhu cầu.
Một liệu trình thải hết độc trong gan
Trang Facebook một phòng khám có trụ sở tại Hà Nội mới đăng bài viết với nội dung: "Truyền dịch thải độc gan, giúp thải độc siêu tốc, hạ men gan, mỡ máu, đặc biệt ngăn ngừa ung thư gan".
Phòng khám này còn đăng tải hàng loạt phản hồi của khách hàng để tăng thêm độ tin cậy về phương pháp này. "Tôi mới truyền thải độc gan được ba buổi và thấy cơ thể khỏe hẳn ra, nhất là triệu chứng của men gan cao cũng đã thấy thuyên giảm hẳn".
Trong vai người bệnh có chỉ số men gan cao, chúng tôi liên hệ với phòng khám này và được nhân viên giới thiệu về liệu trình thải độc gan với giá hơn 2 triệu đồng/buổi.
"Phương pháp này bên em được chuyển giao từ nước ngoài, không chỉ thải độc tố gan mà còn mật, tụy, ngăn ngừa đột quỵ, tăng sức đề kháng… Rất nhiều bệnh nhân chỉ sau hai, ba liệu trình đã đưa chỉ số gan về ngưỡng an toàn rồi", nhân viên giới thiệu.
Nhiều người đã tin vào những lời quảng cáo này, chi nhiều triệu đồng để truyền thải độc gan. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng việc này gây tốn kém và không cần thiết, thậm chí tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Không có chuyện truyền dịch thải được độc gan
Bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương, trưởng đơn vị tiêu hóa can thiệp Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), khẳng định không có khái niệm thải độc gan cũng như không có chuyện truyền dịch vào sẽ thải độc được gan.
Bác sĩ Phương chỉ rõ khi gan bị nhiễm mỡ, bị nhiễm vi rút, vi trùng hoặc do uống thuốc men quá nhiều, uống rượu bia nhiều đã làm hư hại tế bào gan, làm chết đi một số tế bào gan chứ không có khái niệm gan bị độc. Khi gan bị tổn thương, cơ thể sẽ có một số biến chứng cấp và biến chứng mạn.
Biến chứng cấp sẽ gây suy gan cấp, còn biến chứng mạn sẽ gây suy gan mạn, xơ gan, ung thư gan. Với những trường hợp có kết quả xét nghiệm men gan cho thấy chức năng gan bị rối loạn thì uống một số loại thuốc vào sẽ có tác dụng phục hồi tế bào gan.
"Hoàn toàn không có chuyện uống bia sau đó lại có một loại thuốc truyền vào để thải độc, đừng tự huyễn hoặc mình là bị nhiễm độc gan và tự đi truyền dịch theo cách trên. Còn với những người vẫn tin tưởng quảng cáo mà truyền dịch để thải độc gan sẽ có nguy cơ bị sốc khi truyền dịch, chưa kể tốn kém chi phí", bác sĩ Phương cho hay.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, khoa nội Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, cũng cho rằng những quảng cáo về truyền thải độc gan chỉ là những "chiêu trò" quảng cáo của các phòng khám. "Không có loại dịch nào có thể phòng ngừa được cả ung thư gan như vậy", bác sĩ Tường khẳng định.
"Tất cả các trường hợp được chỉ định truyền, truyền dịch gì và liều lượng ra sao đều được cân nhắc kỹ lưỡng và được thực hiện tại cơ sở y tế. Đặc biệt, đối với những bệnh nhân có vấn đề về tim mạch, động mạch vành, chỉ cần đưa lượng dịch nhỏ vào cơ thể cũng sẽ có thể gây suy tim, phù phổi cấp, nguy hiểm đến tính mạng. Bởi vậy, việc truyền bất kỳ loại dịch nào người dân cũng cần cẩn trọng", bác sĩ Tường khuyến cáo.
Làm sao để gan khỏe mạnh?
Bác sĩ Tường cũng cho hay gan là bộ phận có khả năng tái tạo và tự chữa lành, bởi vậy khi gan bắt đầu có tổn thương thì người bệnh có thể tạo môi trường để gan có thể hồi phục.
Theo cơ chế cơ thể, gan thải độc qua hệ thống bài tiết, bởi vậy bảo vệ lá gan cần có một chế độ ăn uống lành mạnh, loại bỏ rượu bia và thuốc lá. Bên cạnh đó, nên giữ cân nặng vừa phải, tránh thừa cân béo phì, hạn chế đồ ăn dầu mỡ, đồ ăn nhanh và duy trì chế độ tập luyện thể dục, rèn luyện sức khỏe.
Bác sĩ Lưu Phương cũng khuyến cáo nên kiểm tra sức khỏe định kỳ, kiểm tra gan để xác định có viêm gan hay không để có chế độ điều trị, bảo vệ tế bào gan không hư hại và chỉ uống thuốc khi được bác sĩ chỉ định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận