Phóng to |
Kỹ sư Lê văn Tạch - Ảnh: Tuấn Phùng |
Khởi kiện lên tòa án, kỹ sư Tạch cho rằng việc TMV kiểm tra nội dung hộp thư điện tử nội bộ của ông ([email protected]) và đọc các email cá nhân mà không hề có sự đồng ý của ông là xâm phạm đến quyền bí mật đời tư được quy định tại điều 38 Bộ luật dân sự. Tuy nhiên, tại phiên tòa ngày 4-7, TAND thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc) ra phán quyết TMV không xâm phạm thư tín và bí mật đời tư của kỹ sư Tạch, vì TMV đã đăng ký tên miền toyotavn.com.vn để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo lập các hộp thư điện tử cho nhân viên công ty (trong đó có kỹ sư Lê Văn Tạch).
Lý lẽ của các bên
Theo HĐXX, trong hợp đồng lao động ký kết giữa TMV và kỹ sư Tạch đã nêu rõ kỹ sư Tạch phải tuân thủ các nội quy lao động và quy định của công ty, trong đó có chính sách quản lý và sử dụng máy tính trong công ty. Vì vậy, HĐXX khẳng định TMV hoàn toàn đúng, có thẩm quyền khi truy cập, kiểm tra, giám sát hoạt động và nội dung các giao dịch điện tử được thiết lập trên tên miền toyotavn.com.vn, bao gồm cả hộp thư [email protected].
Luật sư Phạm Văn Phất (trưởng văn phòng luật sư An Phát Phạm - người bảo vệ quyền lợi của kỹ sư Tạch) cho rằng việc kỹ sư Lê Văn Tạch kiện TMV xâm phạm đến quyền bí mật đời tư và các lý lẽ của TMV đưa ra khiến không ít người băn khoăn trước câu hỏi: doanh nghiệp có quyền kiểm soát, đọc email của người lao động hay không và trường hợp này quyền bí mật đời tư của người lao động có bị xâm phạm? Theo ông Phất, hiện phần lớn các doanh nghiệp đều có website bằng cách đăng ký sử dụng một tên miền riêng và phải trả phí duy trì tên miền này. Các doanh nghiệp tạo hệ thống thư điện tử để phục vụ công việc và thường có các quy định về việc cấp, thu hồi và trách nhiệm của người sử dụng hộp thư cá nhân.
Nhưng khi người lao động được cấp riêng một hộp thư điện tử, nội dung những email được soạn thảo, gửi từ hộp thư này đến địa chỉ hộp thư của một người khác (dù là trong hay ngoài doanh nghiệp) hoặc ngược lại đều được coi là một dạng thông tin điện tử của cá nhân và thuộc đối tượng được bảo vệ theo quy định tại khoản 3 điều 38 Bộ luật dân sự năm 2005. Điều khoản này nêu rõ: “Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được đảm bảo an toàn và bí mật. Việc kiểm soát thư tín, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Luật sư Phất cho biết các nội dung thông tin được một cá nhân chuyển đến cho một cá nhân khác thông qua bất cứ phương tiện truyền tải trung gian nào cũng đều được coi là thư tín cá nhân, trừ trường hợp người gửi thông tin tự đặt thông tin cần gửi vào tình trạng không thể bảo mật như gửi lời nhắn qua radio, chương trình truyền hình, dán thư riêng vào bảng thông báo nơi công cộng, gửi email bằng tài khoản email đơn vị (dùng chung)... Do đó, doanh nghiệp không có quyền kiểm soát thư tín, điện thoại cũng như các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân, trong đó có email doanh nghiệp cấp cho người lao động.
Không nên sử dụng vào việc riêng
Tuy nhiên, theo luật sư Hà Đăng (Đoàn luật sư Hà Nội), hộp thư của ông Tạch được TMV cấp để sử dụng là tài sản của TMV. Bản chất là TMV cấp cho ông Tạch tư liệu sản xuất, thông qua hộp thư này để liên lạc trong nội bộ, thực hiện công việc thuộc trách nhiệm của mình để phục vụ lợi ích của công ty. Hộp thư này thuộc chủ sở hữu là TMV, ông Tạch chỉ là người được giao sử dụng, việc TMV kiểm tra không có gì sai.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Tú (phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang) nói TMV đã làm đúng chức năng, quyền hạn của mình. Ông Tú đánh giá khi ông Lê Văn Tạch được giao hòm thư [email protected] có nghĩa ông Tạch là người quản lý, sử dụng chứ không phải sở hữu. Để sử dụng hộp thư này, ông Tạch có trách nhiệm chấp hành các quy định nội bộ của công ty về quản lý, sử dụng hộp thư. Trong nội quy của TMV có nêu: “Nghiêm cấm việc sử dụng hộp thư nội bộ không phục vụ mục đích công việc, cấm hoàn toàn việc sử dụng các tài khoản hộp thư cá nhân không do công ty cấp trong công ty. Phòng hệ thống của công ty có toàn quyền kiểm tra, giám sát hoạt động, nội dung của các hộp thư nội bộ của công ty”. Với nội quy này, việc ông Tạch sử dụng hộp thư gửi cho người ngoài công ty là vi phạm quy định này.
Về việc TMV sử dụng một số nội dung có tính chất trao đổi cá nhân trong hộp thư [email protected] để kỷ luật lao động đối với ông Tạch, các luật sư nhận định TMV không trích dẫn nội dung, chỉ nêu ra chủ đề của thư, điều đó cho thấy TMV không vi phạm pháp luật. Mục đích của TMV là sử dụng thông tin để chứng minh ông Tạch có vi phạm chứ không phải bôi xấu đối với ông Tạch.
Luật sư Nguyễn Văn Tú còn nói vụ việc của ông Tạch là một trong những cảnh báo đối với các cán bộ, công nhân cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Không ít cán bộ, công nhân viên không nắm vững quy định của pháp luật, thường xuyên sử dụng hộp thư nội bộ để giao dịch việc riêng. Cho nên khi xảy ra những tranh chấp tương tự thì chính cá nhân sử dụng hộp thư sẽ bị thiệt thòi. Đó là chưa kể các thông tin riêng của cá nhân đó có thể bị người có trách nhiệm ở đơn vị biết được khi họ kiểm tra theo quy định. Luật sư Tú khuyên mọi người nên chấp hành quy định, chỉ sử dụng hộp thư nội bộ để giao dịch công việc, đối với hoạt động cá nhân cần có hộp thư riêng hoặc phương thức liên lạc khác.
Các vụ “đối đầu” giữa kỹ sư Tạch và TMV * Cuối tháng 3-2011, kỹ sư Lê Văn Tạch (kỹ sư bộ phận lắp ráp của TMV) gửi thông tin lên Cục Đăng kiểm VN các lỗi kỹ thuật của một số xe Toyota Innova J. Những lỗi này ảnh hưởng tới hàng ngàn xe đã bán ra thị trường và kỹ sư Tạch đề xuất công ty thu hồi để sửa chữa nhưng không được giải quyết. * Ngày 1-4-2011, TMV tổ chức họp báo và xác nhận 8.830 xe của hãng này sản xuất tại VN có thể bị lỗi như kỹ sư Tạch nêu, đồng thời phát đi thông cáo về chương trình kiểm tra lỗi đối với 65.703 của hãng. * Ngày 13-6 -2011, kỹ sư Tạch bị TMV tạm đình chỉ công việc ba tháng và được hưởng 50% lương. Lý do TMV đưa ra là kỹ sư này đã làm ảnh hưởng tới uy tín và công việc của người khác trong công ty. TMV cho rằng việc tạm đình chỉ kỹ sư Tạch không phải là kỷ luật. Việc này căn cứ vào những khiếu nại, hành xử của kỹ sư Tạch với các cá nhân trong công ty. * Ngày 12-9-2011, kỹ sư Lê Văn Tạch nộp hai đơn khởi kiện TMV ra TAND thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc). Tại đơn khởi kiện thứ nhất, kỹ sư Tạch đã yêu cầu tòa án giải quyết, tuyên bố quyết định của tổng giám đốc TMV thi hành kỷ luật lao động đối với mình là trái pháp luật. Tại đơn khởi kiện thứ 2, theo kỹ sư Tạch, việc TMV kiểm tra nội dung hòm thư nội bộ của ông và đọc các email cá nhân mà không hề có sự đồng ý hay cho phép của anh là đã xâm phạm đến quyền bí mật đời tư. Bên cạnh đó, kỹ sư Tạch còn cho rằng TMV có những hành vi sử dụng các nội dung trong hộp thư điện tử để xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân ông. * Ngày 11-4- 2012, TAND thị xã Phúc Yên tuyên bố kỹ sư Tạch thua trong vụ tranh chấp kỷ luật lao động. Ngày 6-7, tại phiên xét xử phúc thẩm, TAND tỉnh Vĩnh Phúc giữ nguyên quyết định của tòa sơ thẩm. * Ngày 4-7-2012, TAND thị xã Phúc Yên cũng tuyên bố kỹ sư Lê Văn Tạch tiếp tục thua trong vụ kiện TMV xâm phạm bí mật đời tư của mình khi kiểm tra nội dung hộp thư điện tử. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận