Ca phẫu thuật cho bệnh nhân bị tắc ĐM-TMMT tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108 - Ảnh: Hà Linh
Tưởng ngộ độc thức ăn, nào ngờ ruột hoại tử
Ông Đỗ Văn H. (58 tuổi, Hà Nội) sau khi ăn cơm bị đau bụng. Tưởng rối loạn tiêu hóa như bình thường, ông lên giường nằm nghỉ nhưng càng lúc đau càng tăng và không chịu đựng được. Ông được gia đình đưa vào cấp cứu trong tình trạng đau quặn bụng liên tục, vã mồ hôi, người mệt mỏi nhợt nhạt.
Chỉ khi được chụp CT scan 16 lớp cắt ổ bụng và chụp mạch máu gia đình ông mới biết đến bệnh tắc ĐM-TMMT do đau bụng. Trên phim chụp, ĐM-TMMT tràng trên của ông bị tắc hoàn toàn, khoảng 3-4cm, ngay dưới chỗ phân chia động mạch đại tràng giữa.
Sau 6 giờ nhập viện, ông được khoa phẫu thuật tim mạch và phẫu thuật tiêu hóa Bệnh viện Trung ương quân đội 108 nhanh chóng mổ cấp cứu. Huyết khối lấp hoàn toàn ĐM-TMMT tràng trên và các nhánh bên, các quai ruột biểu hiện thiếu máu rõ nhưng chưa hoại tử. Các phẫu thuật viên đã lấy huyết khối và lấy tĩnh mạch hiển ở chân để tạo hình lại đoạn động mạch bị tắc.
Mạch sau lấy huyết khối tạo hình lưu thông tốt, ruột hồng trở lại. Sau mổ ông hết triệu chứng đau bụng, ăn uống bình thường, không có rối loạn tiêu hóa.
PGS.TS Triệu Triều Dương, viện trưởng Viện Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, cho biết tắc ĐM-TMMT trước đây được coi là bệnh hiếm, tỉ lệ mắc khoảng 0,1% đang có khuynh hướng gia tăng chiếm khoảng 6-8 người/100.000 người dân.
Hiện nay do tuổi thọ trung bình của người Việt Nam được nâng cao, các bệnh liên quan đến suy giảm miễn dịch, bệnh hệ thống và bệnh toàn thân (tim mạch, huyết áp, đái đường...), đặc biệt là bệnh ung thư nói chung và ung thư đường tiêu hóa nói riêng... gia tăng là những nguy cơ biến chứng gây tắc ĐM-TMMT tăng cao.
Phòng bệnh bằng cách kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần và chữa trị các bệnh toàn thân thật tốt. Đặc biệt đối với bệnh tim mạch phải dùng thuốc chống đông hợp lý dưới sự kiểm soát của bác sĩ chuyên khoa...
PGS.TS Triệu Triều Dương
Lưu ý triệu chứng
Triệu chứng thường gặp là đau bụng từng cơn sau ăn. Triệu chứng này dễ bị bỏ qua, nên người bệnh thường đến bác sĩ muộn. Khi đau bụng liên tục và có phản ứng phúc mạc là lúc ruột bị hoại tử, tình trạng đã nguy hiểm.
Huyết khối ĐM-TMMT tràng trên cấp tính xảy ra đột ngột với những cơn đau bụng dữ dội, nôn mửa, ăn uống không tiêu, tiêu chảy, đại tiện máu, bụng trướng tăng dần, biểu hiện của viêm phúc mạc, nhồi máu ruột non, sốt cao liên tục... Nặng hơn có thể có tình trạng nhiễm khuẩn nhiễm độc, tình trạng sốc nặng và khi tiến triển toàn phát sẽ là suy nhiều cơ quan như tim, phổi, thận, gan, rối loạn đông máu... bệnh nhân sẽ tử vong.
Biểu hiện của huyết khối ĐM-TMMT tràng là rất không điển hình và không đặc hiệu nên tùy mức độ tổn thương sẽ rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác trong ổ bụng như viêm phúc mạc, viêm ruột, viêm dạ dày, viêm tụy cấp...
ThS Nguyễn Tiến Đông, khoa phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, nhấn mạnh tắc ĐM-TMMT là tình trạng tắc nghẽn động mạch nuôi ruột khiến máu không đến nuôi ruột non, ruột già và gây hoại tử ruột. Có nhiều nguyên nhân gây tắc ĐM-TMMT tràng như xơ vữa động mạch, cục huyết khối đến từ tim, viêm mạch máu... sẽ làm cho cục máu đông kẹt lại ở những động mạch nuôi ruột.
Theo ThS Nguyễn Tiến Đông, thời gian vàng để cứu đoạn ruột bị hoại tử do tắc ĐM-TMMT từ 6-8 giờ từ khi bị bệnh. Nếu không được chẩn đoán, xử trí kịp thời, tỉ lệ tử vong rất cao 70-90%. Đặc biệt, nếu chỉ điều trị thuốc đơn thuần thì tỉ lệ tử vong là 100%.
Người bệnh tim mạch, tiểu đường chú ý
PGS.TS Triệu Triều Dương khuyến cáo với những người có các bệnh về tim mạch, xơ vữa động mạch, đái tháo đường, hút thuốc lá nhiều... nếu thấy đau bụng dù nặng hay nhẹ cũng phải đi khám bệnh viện ngay.
Nếu tắc ĐM-TMMT tràng phát hiện sớm khi chưa hoại tử ruột, bệnh nhân có thể được phẫu thuật từ nhẹ nhất là can thiệp nội mạch, đặt stent, hay điều trị nội (kháng đông hoặc làm tiêu huyết khối)...bệnh có thể khỏi hoàn toàn.
Chậm trễ, khi ruột hoại tử, cuộc phẫu thuật sẽ nặng hơn như tạo cầu nối, ghép mạch tự thân hoặc nhân tạo... và tùy vị trí tổn thương gây tắc mạch có thể phải cắt đoạn ruột nhiều ít khác nhau. Tiên lượng tử vong 70-85%.
Tác giả Klempnauer (Anh) cho biết có 66% người tắc ĐM-TMMT tràng ruột tử vong, đồng thời 50% bệnh nhân ở nhóm điều trị thành công cũng tử vong sau 5 năm và 20% sống có hội chứng ruột ngăn không cần dinh dưỡng bằng tĩnh mạch.
Theo các bác sĩ, hiện chưa có thống kê chính xác tần suất tắc ĐM-TMMT tràng nhưng theo một số báo cáo thì vào khoảng 0,1-0,2% tổng số bệnh nhân nhập viện.
Tuy nhiên thực tế nhiều trường hợp tắc ĐM-TMMT tràng không được chẩn đoán hoặc nhầm lẫn với các bệnh lý khác trong ổ bụng.
Tỉ lệ tử vong do tắc ĐM- TMMT ở người già cao hơn người trẻ và nếu được can thiệp sớm trước 12 giờ sau tắc, chức năng ruột được phục hồi 100% trong khi tỉ lệ này chỉ còn 18% nếu can thiệp sau 24 giờ.
Theo PGS.TS Triệu Triều Dương, đau bụng do tắc ĐM-TMMT tràng là một trong những nguyên nhân gây nguy hiểm tính mạng mà người dân ít biết. Đặc biệt là tắc ĐM-TMMT tràng thường có triệu chứng lâm sàng không điển hình, các xét nghiệm không đặc hiệu nên khó chẩn đoán, dễ bị bỏ sót, chẩn đoán nhầm khiến người bệnh đến viện muộn trong tình trạng rất nguy kịch.
Bạn đọc có những bài viết, thắc mắc về sức khỏe người lớn, mẹ và bé, sức khỏe sinh sản, giới tính, bệnh nam khoa, chữa trị hiếm muộn, dinh dưỡng, chấn thương… có thể gửi về email: [email protected]. Phòng mạch Online sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp. Chân thành cám ơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận