Đường chín đoạn của Trung Quốc phi pháp (những đường kẻ đứt đoạn) xâm lấn các vùng biển của các quốc gia khác tại khu vực Biển Đông - Ảnh: Hội Luật quốc tế Hoa Kỳ
Cách đây một năm, ngày 20-8-2018, Philippines và Trung Quốc đã ký kết một bản ghi nhớ, trong đó cả hai bên đồng ý thành lập một ban chỉ đạo chung của hai chính phủ chịu trách nhiệm đàm phán về các vấn đề liên quan đến khai thác chung của cả hai nước tại Biển Đông.
Trong chuyến thăm Trung Quốc dự kiến cuối tháng này, nhiều khả năng Tổng thống Rodrigo Duterte và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ thảo luận sâu vấn đề này.
2 kịch bản khai thác chung
Hiện có hai cách hiểu về khai thác chung ở Biển Đông. Định nghĩa khai thác chung theo góc độ pháp lý có nghĩa là việc các quốc gia cùng yêu sách chủ quyền hoặc quyền chủ quyền lên một vùng biển (thông thường là vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa), và các quốc gia này tạm gác tranh chấp, không phân định các quyền của họ tại vùng biển này mà tiến hành chia sẻ nguồn tài nguyên thiên nhiên ở đây. Việc khai thác này không làm ảnh hưởng đến các yêu sách của họ đối với vùng biển này.
Tuy nhiên, khai thác chung còn có thể hiểu theo một nghĩa khác, cũng là những hành vi phổ biến của các quốc gia trên toàn thế giới. Đó là việc các quốc gia ven biển cho phép các quốc gia khác mà đại diện là các công ty dầu khí của quốc gia nước ngoài này vào vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của mình để khai thác tài nguyên thiên nhiên theo một thỏa thuận phân chia quyền lợi nhất định. Việc khai thác này phải tuân theo luật pháp của quốc gia sở hữu vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa này.
Trung Quốc luôn giữ lập trường bảo vệ yêu sách vùng nước của họ trong đường chín đoạn và phản đối các giá trị pháp lý của phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ kiện lịch sử giữa nước này và Philippines. Do đó, có cơ sở để cho rằng Trung Quốc sẽ thương lượng khai thác chung theo chiều hướng thứ nhất. Tức là yêu cầu Philippines phải chấp nhận yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc. Bởi vì chỉ có các vùng nước trong đường chín đoạn của Trung Quốc mới có thể chồng lấn lên các vùng biển của Philippines tại Biển Đông. Tất nhiên, nó cũng gián tiếp bác bỏ phán quyết của Tòa trọng tài mà Trung Quốc là bên thua kiện trong cuộc chiến pháp lý này.
Tuy nhiên, Philippines dường như có một cách tiếp cận khác. Vào ngày 11-8, Tổng thống Duterte tuyên bố sẽ sử dụng phán quyết của Tòa trọng tài để đàm phán về khai thác chung với Trung Quốc. Trả lời báo chí, ông Salvador Panel, người phát ngôn của tổng thống Philippines, cho hay Philippines sẽ cho phép Trung Quốc khai thác tại vùng Biển Đông (mà nước này tuyên bố chủ quyền).
Từ hai hành vi này có thể suy luận nước này sẽ hướng đến việc diễn giải khái niệm "khai thác chung" theo phương án thứ hai. Tức là Philippines sẽ cấp phép cho các công ty dầu khí của Trung Quốc vào vùng biển của Philippines để khai thác dầu khí tại đây, tuân theo luật của Philippines và lợi nhuận sẽ chia tỉ lệ 60-40 mà phần nhiều hơn sẽ thuộc về Philippines.
Đây là phương án khả dĩ và chính đáng nhất cho Philippines trong hai phương án trên. Nó mang đến những lợi ích hợp pháp của Philippines về quyền chủ quyền của mình trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tại Biển Đông, giữ được giá trị của bên thắng cuộc trong một vụ án pháp lý nổi tiếng. Tuy nhiên, có vẻ Trung Quốc sẽ không đồng ý với đề xuất này.
Một ngày nào đó khi chúng ta tỉnh giấc thì nhiều phần lãnh thổ của chúng ta đã không còn thuộc về chúng ta nữa.
Phó tổng thống Philippines Leni Robredo ngày 13-8 kêu gọi Tổng thống Duterte có lập trường cứng rắn hơn để bảo vệ chủ quyền của Philippines ở Biển Đông.
Hành động của Việt Nam
Việt Nam có những cơ sở để theo dõi các diễn biến của tiến trình đàm phán khai thác chung của Trung Quốc và Philippines. Thứ nhất, khu vực Trung Quốc và Philippines thỏa thuận khai thác chung nằm trong khu vực biển của các thực thể tại quần đảo Trường Sa mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền.
Thứ hai, nếu cả Philippines và Trung Quốc chọn phương án khai thác chung trong vùng tranh chấp, gián tiếp chấp nhận yêu sách đường chín đoạn sẽ gây khó khăn cho Việt Nam trong việc lên tiếng bác bỏ yêu sách này của Trung Quốc.
Khi những hành động hung hăng của Trung Quốc gây ra trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam mà nằm trong đường chín đoạn Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố, Việt Nam cũng có thể sẽ khó khăn hơn đưa vấn đề này ra chương trình nghị sự của ASEAN.
Mặc dù vậy, nếu cả hai quốc gia này chọn phương án trên, tức là đi ngược lại với bản án của Tòa án quốc tế mà cả hai đều là thành viên, Việt Nam có quyền lên tiếng phản đối tại cuộc họp của các thành viên Công ước Luật biển 1982. Bởi vì công ước có điều khoản bắt buộc các thành viên của các bản án của Tòa án quốc tế phải tuân theo quyết định của tòa.
Việt Nam đã chấp hành tốt các nghĩa vụ do công ước đưa ra, Việt Nam có quyền yêu cầu các quốc gia khác phải tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ của mình. Chưa kể đến hành động này làm ảnh hưởng đến tính chính danh và uy nghiêm của hệ thống luật biển quốc tế. Đây là một trong những cách để Việt Nam có thể tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế về vấn đề này.
Do đó, Việt Nam cần cẩn thận quan sát diễn biến của quá trình đàm phán khai thác chung giữa Philippines và Trung Quốc để kịp thời có cách ứng phó phù hợp, bảo vệ quyền lợi của mình trên Biển Đông.
Theo ý Trung Quốc sẽ vi hiến
Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông của Philippines - ông Richard Heydarian nhận định rằng nếu Tổng thống Duterte muốn thực hiện khai thác chung theo ý kiến của Trung Quốc, ông sẽ phải sửa đổi cả hiến pháp.
Các nhóm xã hội dân sự và giới tinh hoa của Philippines cực lực phản đối kế hoạch khai thác chung theo chiều hướng chấp nhận vùng chồng lấn với Trung Quốc, và cho rằng kế hoạch này là hoàn toàn vi hiến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận