Người dân làm thủ tục đăng ký bất động sản tại Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM theo mô hình "một dấu một cửa" - Ảnh: TỰ TRUNG
TP.HCM cần có một mô hình chính quyền ổn định, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý xã hội, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương các cấp.
Đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu)
Phát biểu thảo luận, đa số đại biểu đồng tình với tờ trình của Chính phủ và cho rằng Quốc hội cần sớm thông qua nghị quyết để TP.HCM kịp chuẩn bị thực hiện vào tháng 7-2021 (thời điểm dự kiến diễn ra bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 - NV).
Phù hợp với thực tiễn phát triển TP
Mở đầu thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chia sẻ đồng tình với tờ trình của Chính phủ về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM. Theo ông Hòa, TP.HCM là đô thị đặc biệt, một trong hai TP lớn nhất cả nước. TP là đầu tàu động lực và là sự thu hút, lan tỏa của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như cả nước.
Mặt khác, TP là địa phương có nhiều đơn vị hành chính trực thuộc, trong đó có nhiều quận, phường có quy mô dân số, diện tích lớn. Do vậy, quá trình tổ chức chính quyền đô thị ở TP có những khó khăn, vướng mắc cần phải đổi mới mô hình làm sao chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
‘‘Cho nên việc cho phép TP hình thành chính quyền đô thị như tờ trình Chính phủ là cần thiết, phù hợp với tình hình thực tiễn phát triển của TP" - ông Hòa nhấn mạnh.
Cũng cơ bản nhất trí với tờ trình của Chính phủ, đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM sẽ giúp nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của bộ máy chính quyền đô thị.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả cung ứng dịch vụ công, phù hợp với đặc điểm, tính chất của một trung tâm tài chính, kinh tế, công nghệ cao của cả nước và khu vực. Đồng thời đóng góp kinh nghiệm thực tiễn cho quá trình đổi mới, hiệu lực, hiệu quả của chính quyền đô thị trên cả nước.
Cũng theo ông Tuấn, việc đổi mới mô hình chính quyền đô thị TP.HCM là vấn đề quan trọng, cấp bách nên triển khai thực hiện ngay, không cần thí điểm. Việc này cũng phù hợp với quy định của Hiến pháp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương.
Mặt khác, trước đây TP.HCM đã có bảy năm (2009-2016) thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện và phường. Qua báo cáo tổng kết cho thấy việc thí điểm không làm ảnh hưởng đến tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị ở địa phương. Hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy hành chính nhà nước của TP và các quận huyện, phường vẫn ổn định và thông suốt.
Đại biểu Dương Minh Tuấn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu ý kiến - Ảnh: QUOCHOI.VN
Có thêm 4 kênh để tăng quyền giám sát, dân chủ
Một số đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn và kiến nghị giải pháp về vấn đề làm sao để đảm bảo quyền đại diện, dân chủ của nhân dân, đồng thời nâng cao vai trò giám sát của cấp ủy, đại biểu Quốc hội, HĐND, Mặt trận Tổ quốc... TP nhằm đảm bảo các quyền của người dân khi không tổ chức HĐND cấp quận, phường.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân - ủy viên Bộ Chính trị được phân công theo dõi, chỉ đạo Thành ủy TP.HCM - cho rằng do đặc điểm TP.HCM chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước nhưng dân số chiếm 9% và kinh tế chiếm 22% nên áp lực quản lý rất lớn về mặt công việc. TP hiện có 5 quận có dân số từ 500.000 - 800.000 dân nên số đầu việc phát sinh hằng ngày đến cấp này rất lớn.
Về cường độ kinh tế, theo ông Nhân, hiện trên 1km2 TP tạo ra khoảng 40 lần giá trị kinh tế bình quân cả nước. Với mật độ dân số lớn, các vấn đề phát sinh lớn đòi hỏi phải xử lý nhanh, giải quyết kịp thời. Việc chậm trễ của chính quyền các cấp sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế, gây thiệt hại cho người dân và kinh tế.
"Khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị sẽ giúp chính quyền các cấp quyết định nhanh hơn, đặc biệt là nêu cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu chính quyền các quận, phường. Và nếu cá nhân đó không đáp ứng, việc thay thế người mới do UBND TP, HĐND TP quyết định sẽ nhanh hơn" - ông Nhân nói.
Phân tích để làm rõ vì sao TP không cần làm thí điểm, ông Nhân cho rằng Hiến pháp và luật hiện nay đã cho phép. TP cũng đã thí điểm trước đây và kết quả không phát sinh vấn đề lớn. Mặt khác, về băn khoăn bỏ HĐND quận, phường có bảo đảm quyền giám sát, dân chủ của người dân, theo ông Nhân, so với 10 năm trước, hiện nay ngoài cơ chế HĐND, đại biểu Quốc hội giám sát, TP có thêm 4 cơ chế mới để tăng quyền giám sát.
Trước hết là cơ chế giám sát của cơ quan Đảng với chính quyền các cấp. Thành ủy TP cũng có quy định 1374 yêu cầu cấp ủy chính quyền các cấp phải lắng nghe phản ánh người dân trên báo chí, tiếp xúc cử tri, khiếu nại tố cáo. Qua 33 tháng thực hiện, các cơ quan đã tiếp nhận gần 8.000 ý kiến người dân, xử lý kịp thời 96%. Bình quân mỗi tháng 239 ý kiến, qua đó xử lý trung bình mỗi tháng 10 đảng viên và 11 cán bộ, công chức vi phạm do dân phát hiện.
TP cũng đã thực hiện đề án đô thị thông minh; qua các kênh điện thoại, email..., người dân có thể báo tin cho chính quyền các cấp xử lý các vấn đề hằng ngày. Các quận huyện tiếp thu mỗi tháng hàng ngàn tin báo.
Ngoài ra, hằng năm thường vụ Thành ủy cũng rà soát và đồng bộ hóa nhiệm vụ giám sát, thanh tra và kiểm tra của 4 cơ quan gồm Quốc hội, HĐND, MTTQ và các đoàn thể, thanh tra của chính quyền và kiểm tra của Đảng. Thông qua việc đồng bộ hóa này làm cho việc tiếp thu ý kiến người dân được chặt chẽ.
‘‘Dù Quốc hội có cho phép thực hiện chính quyền đô thị không có thí điểm nhưng trách nhiệm của TP sau 3 năm vẫn sơ kết, sau 5 năm tổng kết để nếu có nội dung chưa phù hợp thì kiến nghị Quốc hội sửa đổi’’ - ông Nhân nói.
Cấp bách đổi mới mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM
Theo báo cáo thẩm tra dự thảo nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận thấy việc đổi mới mô hình chính quyền đô thị tại TP là vấn đề quan trọng và cấp bách.
Đây là yếu tố có thể thúc đẩy, tạo bước chuyển lớn cho sự tăng trưởng kinh tế và phát triển nói chung của TP. Dù nghị quyết của Quốc hội cho phép TP thực hiện chính thức hay thí điểm đều là cơ sở pháp lý cần thiết để TP có thể triển khai ngay mô hình chính quyền đô thị từ nhiệm kỳ sắp tới.
Mặt khác, khi tổ chức chính quyền đô thị, việc kiện toàn tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND TP rất cần thiết. Nhất là trong điều kiện không tổ chức HĐND ở các quận, phường trực thuộc.
Tuy nhiên, dự thảo nghị quyết chưa đề ra được những giải pháp đổi mới thiết thực liên quan đến tổ chức cũng như phương thức hoạt động của HĐND TP. Cụ thể là cơ cấu tổ chức, số lượng đại biểu HĐND, đặc biệt là số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách của TP vẫn giữ nguyên như Luật tổ chức chính quyền địa phương.
Trong tờ trình và dự thảo nghị quyết của Chính phủ cũng chưa chỉ rõ việc đổi mới phương thức hoạt động của HĐND TP sẽ được thực hiện như thế nào để đáp ứng khối lượng công việc được giao, phù hợp với điều kiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị mới mà vẫn bảo đảm quyền dân chủ đại diện của người dân.
Vì vậy, ủy ban này đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu kỹ hơn việc đổi mới tổ chức và hoạt động của HĐND TP để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm thực hiện tốt chức năng đại diện của người dân và việc kiểm soát quyền lực đối với chính quyền ở quận, phường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận