27/06/2022 09:06 GMT+7

Cần tổng kiểm tra việc sử dụng biên chế

NGỌC HÀ - THÀNH CHUNG thực hiện
NGỌC HÀ - THÀNH CHUNG thực hiện

TTO - TS Trần Anh Tuấn - chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ - đề xuất như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ quanh câu chuyện công chức, viên chức ở TP.HCM vượt số lượng được giao nhưng vẫn "thiếu người"...

Cần tổng kiểm tra việc sử dụng biên chế - Ảnh 1.

Người dân làm thủ tục nhà đất tại văn phòng đăng ký đất đai ở UBND quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Đây là vấn đề được dư luận quan tâm mấy ngày qua.

Ông Tuấn nói:

- Từ năm 2008 với Luật cán bộ, công chức, chúng ta đã chuyển chế độ công chức, công vụ từ hệ thống chức nghiệp sang hệ thống việc làm. 

Tuy nhiên thực tế vẫn có những tư duy chưa chuẩn về quan hệ giữa vị trí việc làm với biên chế. 

Ngoài vị trí việc làm là gốc, là cơ bản để xác định số lượng biên chế trong một tổ chức, còn phải tính đến các yếu tố khác như khối lượng công việc, phạm vi quản lý, đối tượng phục vụ, cách thức tổ chức chế độ làm việc... 

Đồng thời cần gắn với cải cách hành chính, cải cách công vụ, công chức, với ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số.

TP.HCM cần rà soát, báo cáo cụ thể với Bộ Nội vụ

* Là người từng nhiều năm tham gia quản lý về công tác công chức, viên chức, biên chế, ông đánh giá thế nào về việc tinh giản biên chế trong thời gian qua?

- Thời gian vừa qua, tinh giản biên chế chưa được thực hiện theo đúng mục tiêu và tinh thần nghị quyết 39 của Bộ Chính trị là thay thế những người không làm được việc, phương châm "ra 2 vào 1", nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức và thu hút những người có đức, có tài vào hoạt động công vụ.

Thực tế chúng ta mới giảm biên chế theo con số kế hoạch, rất cơ học mà chưa có sự phân loại, đánh giá để đưa những người yếu, kém, không làm được việc vào diện tinh giản biên chế. Từ đó dẫn đến việc biên chế có giảm nhưng chất lượng đội ngũ cán bộ công chức chậm được nâng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Thời gian tới tôi tin là việc tinh giản biên chế sẽ được thực hiện theo đúng tinh thần nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.

Cần tổng kiểm tra việc sử dụng biên chế - Ảnh 2.

TS Trần Anh Tuấn - chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ - Ảnh: NAM TRẦN

* Hiện TP.HCM có 5.705 công chức, viên chức ngoài số lượng biên chế được trung ương giao. Trong cuộc làm việc với lãnh đạo TP.HCM, bộ trưởng Bộ Nội vụ cho hay đây là địa phương phát sinh duy nhất trên cả nước. Ông có thể chỉ ra cái "gốc" của việc này?

- Việc TP.HCM có 5.705 biên chế tăng hơn so với số lượng biên chế được trung ương giao thì đây là quyết định không đúng thẩm quyền. TP.HCM nên rà soát, có giải trình cụ thể gửi Bộ Nội vụ để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng và Ban Chỉ đạo trung ương về việc này. 

Trong đó cần làm rõ việc tăng biên chế không đúng thẩm quyền như vậy là từ thời gian nào, lý do tăng, ai quyết định, có báo cáo HĐND TP hoặc báo cáo Chính phủ và Thủ tướng không. 

Trong đó cần tính cả số biên chế công chức tăng lên do việc chuyển cán bộ, công chức cấp xã làm việc ở UBND phường thành công chức khi thực hiện nghị quyết số 131 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM.

Theo dõi thời gian qua, tôi thấy TP.HCM cũng đã có rất nhiều nỗ lực, đạt được nhiều kết quả trong cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. 

TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước đang thực hiện mô hình chính quyền đô thị - không tổ chức HĐND ở quận, phường. Tuy nhiên, giai đoạn trước, cách đây gần 10 năm, có khoảng 11 địa phương - trong đó có TP.HCM - tự quyết định tăng biên chế so với số được giao, không đúng thẩm quyền. 

Sau đó Bộ Nội vụ đã đề nghị các địa phương phải có giải pháp khắc phục để sử dụng và quản lý biên chế theo đúng quy định. Đến nay cơ bản các địa phương đều đã giải quyết xong, chỉ còn mỗi TP.HCM là chưa xong. Bây giờ nên tập trung giải quyết dứt điểm việc này.

Nhân đây đề nghị nên tổ chức một đợt tổng kiểm tra việc sử dụng biên chế cán bộ công chức, viên chức được trung ương giao đối với các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý biên chế.

Giải quyết hành chính "ngay và luôn" thay vì hẹn ngày

* TP.HCM có những xã phường có trên 100.000 dân và có những xã phường trên 50.000 dân nhưng cùng có định mức biên chế như nhau. Điều này dẫn đến chuyện cán bộ làm không ngơi tay nhưng dân vẫn phải chờ hay cán bộ phải kiêm nhiệm nhiều chức danh?

- Nghị định 33 năm 2021 của Chính phủ đã quy định "biên chế công chức bình quân làm việc tại UBND phường là 15 người, số bình quân này được tính cho tổng số phường của một quận, thành phố thuộc TP.HCM". 

Đây là điểm mới trong quản lý biên chế được thực hiện không chỉ với TP.HCM mà còn với cả Hà Nội và Đà Nẵng. Qua đó Chính phủ đã tạo điều kiện để các thành phố căn cứ vào quy mô dân số, mức độ phức tạp và khối lượng công việc của từng phường mà chủ động trong việc điều phối biên chế công chức làm việc ở UBND các phường bù trừ cho nhau.

Thành phố được chủ động điều chỉnh giữa các phường ít dân, ít việc sang các phường đông dân, nhiều việc cho phù hợp. Mặt khác việc phân bổ biên chế công chức ở phường cũng cần tính đến các yếu tố khác trong cải cách hành chính, nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ công chức, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động công vụ... sẽ giải tỏa được sức ép về biên chế.

Tôi cũng muốn nói thêm "ùn" hồ sơ xử lý công việc ở các phường không nên đi theo một lối mòn là việc gì khi người dân cần giải quyết cũng phải hẹn ngày. 

Có thể tham khảo Hà Nội, hiện nay tại một số phường ở quận Hoàn Kiếm giải quyết thủ tục hành chính không hẹn ngày, tức là những việc đã rõ ràng, đúng pháp luật thì giải quyết "ngay và luôn"; những việc liên quan nhiều lĩnh vực, phức tạp cần nghiên cứu mới hẹn ngày để giải quyết theo đúng pháp luật. Tôi thấy cách làm này ở Hà Nội nên nhân rộng.

* Theo ông, thời gian tới nên giải quyết vấn đề "dôi dư" công chức, viên chức của TP.HCM như thế nào vì có ý kiến cho rằng nếu tinh giản số lượng này sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động chung?

- Hơn 5.700 công chức, viên chức đã được tuyển dụng ở TP.HCM không thể nói đó là biên chế dôi dư mà theo tôi thì đó là biên chế tăng thêm không đúng thẩm quyền, cần phải giải quyết. Việc xác định dôi dư phải thông qua đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, phải rà soát lại danh mục vị trí việc làm trong từng đơn vị của thành phố...

Để giải quyết vấn đề này một cách khoa học và phù hợp thực tiễn, cần xây dựng một đề án nghiên cứu về vị trí việc làm và xác định biên chế phù hợp, trong bối cảnh TP.HCM đang thực hiện mô hình chính quyền đô thị, đang đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số theo chỉ đạo của Chính phủ.

Từ đó báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trung ương để xem xét, quyết định.

"Thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu"

- Chuyện cán bộ "vừa thừa, vừa thiếu" là câu chuyện muôn thuở, người không làm được việc thì thừa, người làm được việc lại thiếu.

Điều này đòi hỏi chúng ta cần tiếp tục cải cách chế độ công vụ, công chức mạnh mẽ hơn, không nên dừng lại, đóng băng như nhiệm kỳ 2016 - 2021, đồng thời tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế đúng theo tinh thần nghị quyết 39 của Bộ Chính trị và thu hút, tuyển chọn những người xứng đáng vào nền công vụ.

Ngành giáo dục hay kể cả ngành y tế có tăng biên chế thì đều phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, ở đâu có học sinh thì ở đó phải có thầy, cô; ở đâu có bệnh nhân thì ở đó phải có bác sĩ.

Tôi biết Chính phủ đã có nghị quyết cho phép ký hợp đồng làm chuyên môn đối với ngành y tế và ngành giáo dục để bảo đảm tính kịp thời trong phục vụ nhân dân. Nếu như Chính phủ cũng cho phép thực hiện ký hợp đồng đối với các công việc chuyên môn trong cả các cơ quan hành chính thì càng tuyệt vời hơn.

Đó chính là thực hiện chế độ công chức hợp đồng - một nội dung của đề án cải cách chế độ công vụ, công chức đã được Thủ tướng phê duyệt để xây dựng một nền công vụ năng động, linh hoạt nhưng chưa được thực hiện.

* Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà:

Anh Box 2

Đây là tồn tại lịch sử, bây giờ cần giải pháp để giải quyết

Việc chênh số lượng công chức, viên chức của TP.HCM so với biên chế được trung ương giao là tồn tại lịch sử từ rất lâu và bây giờ cần giải pháp để giải quyết.

TP.HCM cần đề xuất phương án để giải quyết theo hướng xác định lại vị trí việc làm của tổng số người đã làm việc hiện trong biên chế do lịch sử để lại, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét quyết định bổ sung số đang làm việc thực tế nhưng phải hợp lý, chặt chẽ.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: Sẽ phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho TP.HCM về biên chế Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: Sẽ phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho TP.HCM về biên chế

TTO - Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho biết tới đây Trung ương sẽ phân cấp, phân quyền cho TP.HCM về nhân sự, tùy TP bố trí, chẳng hạn có thể tăng cường nhân sự cho TP Thủ Đức.

NGỌC HÀ - THÀNH CHUNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên