Ông Đặng Công Khôi, phó cục trưởng Cục quản lý giá Bộ Tài chính: cần tính toán kỹ mức độ và thời điểm tăng giá sách giáo khoa - Ảnh A.TUẤN
Về đề xuất tăng giá sách giáo khoa của Bộ Giáo dục - đào tạo mới đây, ông Khôi cho biết phương án tăng giá sách giáo khoa đã được ban chỉ đạo điều hành giá xem xét và đưa vào kịch bản điều hành của năm 2019.
Trong khi đó, trước thông tin Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tăng giá sách giáo khoa, thì cuối tháng 2, bộ này khẳng định không có chủ trương tăng giá sách giáo khoa năm học 2019-2020 mà giữ nguyên như 8 năm qua.
"Phương án cụ thể tăng giá sách giáo khoa thì cần trao đổi với Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, quan điểm của tôi là cần phải tính toán kỹ phương án điều chỉnh về mức độ cũng như thời gian điều chỉnh giá mặt hàng này"- ông Khôi nhấn mạnh.
Liên quan đến cơ chế điều hành giá xăng dầu, theo ông Khôi, trước diễn biến giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng, Bộ Tài chính đã tính tới 3 kịch bản điều hành với các giả thiết diễn biến giá xăng dầu thế giới ở các mức độ tăng khác nhau nhằm đảm bảo lạm phát cả năm dưới 4% như mục tiêu Quốc hội giao.
Theo đó, kịch bản 1: theo giả thiết dầu bình quân thế giới tăng 5%, sẽ tác động tới chỉ số giá tiêu dùng cả năm nay có thể tăng 3,4% so với năm 2018.
Kịch bản 2: nếu như giá xăng dầu thế giới tăng 10% thì chỉ số giá tiêu dùng năm nay sẽ xoay quanh khoảng 3,7%.
Kịch bản 3: trường hợp giá xăng, dầu thế giới tăng 15% sẽ khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức 3,8-3,9%.
Đại diện Cục quản lý giá cho biết ba kịch bản này đã được Bộ Tài chính báo cáo Ban chỉ đạo điều hành giá. Chúng ta sẽ điều hành theo ba kịch bản này với từng diễn biến cụ thể sẽ có những kịch bản chi tiết và biện pháp để làm sao giữ được ổn định của chỉ số giá tiêu dùng cả năm.
Bên cạnh đó, để mặt bằng giá không có những biến động lớn, biện pháp đặt ra là phải kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các yếu tố giá những mặt hàng nằm trong diện bình ổn giá.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận