NHNN đã có chỉ thị yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn thêm từ 1-1,5% trong thời gian tới - Ảnh: TTO |
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bốn tháng đầu năm tăng 0,04%, nếu so tháng 4-2015 với cùng kỳ năm trước cũng chỉ tăng 0,99%, khiến người vay vốn giật mình vì so với CPI, lãi suất mà họ đang trả cho ngân hàng quá cao.
Trước đó năm 2014, CPI chỉ tăng 1,84% trong khi lãi vay trên dưới 10%/năm. Giảm thêm lãi suất vay vốn là việc phải tính tới.
Tín hiệu tích cực được Ngân hàng Nhà nước đưa ra là hứa sẽ giảm lãi suất trung và dài hạn 1-1,5%/năm.
Trong khi đó với cộng đồng doanh nghiệp, cần giảm ngay lãi suất vay ngắn hạn để giảm gánh nặng về tài chính, duy trì hoạt động.
Còn giảm lãi suất trung - dài hạn là cần thiết, có lợi về lâu dài nhưng chưa phải là điều bức bách lúc này. Có doanh nghiệp ví von việc giảm lãi suất vay ngắn hạn như thuốc trợ lực giúp họ tồn tại, khi khỏe mạnh mới nghĩ đến việc “chạy nhảy”, vay vốn trung - dài hạn để mở rộng kinh doanh. Chưa khỏe mà nghĩ đến “chạy nhảy” là không thực tế.
Vì sao Ngân hàng Nhà nước chỉ hứa hẹn giảm lãi suất trong tương lai, bất chấp xu hướng CPI ở mức thấp, tức có “đất” để giảm thêm lãi suất? Giải thích về việc này, giới chuyên gia cho rằng trong các mục tiêu điều hành có tỉ giá và lãi suất, nhưng Ngân hàng Nhà nước ưu tiên ổn định tỉ giá vì đã cam kết giữ tỉ giá năm 2015 tăng không quá 2%.
Tỉ giá lúc này như bình pha lê được giữ gìn cẩn thận, còn lãi suất như bình thủy tinh tạm thời bị đặt qua một bên. Nếu giảm thêm lãi suất, tức phải giảm lãi suất gửi VND, khi đó người dân thấy giữ VND không hấp dẫn sẽ chuyển sang USD. Nhiều người cùng muốn mua USD sẽ gây áp lực làm tăng tỉ giá, ảnh hưởng đến “bình pha lê tỉ giá” mà Ngân hàng Nhà nước đang ưu tiên giữ gìn.
Có lẽ trước đây Ngân hàng Nhà nước không lường hết sự bất thường của thị trường khi đưa ra cam kết ổn định tỉ giá. Nhưng cũng không thể để lãi suất bị kẹp trong sự ổn định của tỉ giá. Phải tính lại lãi suất vì để kéo dài sẽ càng khó cho doanh nghiệp và đà hồi phục kinh tế.
Chưa kể thị trường đã xuất hiện diễn biến mới không có lợi cho nền kinh tế, đó là xuất khẩu nông sản khó khăn và nhập siêu tăng trở lại. Hai khó khăn này muốn giải quyết phải cần đến sự linh hoạt của tỉ giá. Đành rằng đã hứa thì phải giữ lời nhưng không thể đẩy khó khăn cho doanh nghiệp mà cần có giải pháp khác xử lý.
Nếu không, cứ neo lãi suất để giữ tỉ giá, rồi cuối năm sẽ có được tỉ giá đẹp nhưng không khéo về lâu dài có thể xảy ra tình trạng “khó khăn dồn toa” do tỉ giá và lãi suất không linh hoạt theo thị trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận