Bác sĩ Bùi Văn Hoàng - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) - cho biết trước khi mang thai, cần tiêm vắc xin đúng các mũi theo lịch tiêm chủng được khuyến cáo.
Đặc biệt, nên tiêm phòng đầy đủ các mũi vắc xin cần thiết để phòng tránh các bệnh lý có thể ảnh hưởng đến thai nhi khi thai phụ đang trong giai đoạn thai kỳ.
Cụ thể, các loại vắc xin cần tiêm trước khi mang thai như sau:
Vắc xin phòng sởi - quai bị - rubella: Cần tiêm đầy đủ 2 mũi, cách nhau một tháng và cần ngừa thai ít nhất 3 tháng sau tiêm vắc xin.
Vắc xin phòng ho gà - bạch hầu - uốn ván: Với người lớn cần tiêm 1 mũi và nhắc lại mỗi 10 năm.
Vắc xin phòng cúm: Có tác dụng phòng bệnh trong vòng 1 năm, tiêm nhắc hằng năm.
Vắc xin viêm gan B: Tiêm 3 mũi, mũi 2 cách mũi 1 một tháng, mũi 3 cách mũi 1 là 6 tháng.
Vắc xin phòng thủy đậu: Tiêm 2 liều cách nhau 4-8 tuần, ngừa thai ít nhất 3 tháng sau tiêm.
Vắc xin phòng ung thư cổ tử cung và vắc xin phòng COVID-19.
"Không chỉ trước khi mang thai, mà trong quá trình mang thai cũng cần được chủng ngừa. Tiêm vắc xin trong thời kỳ mang thai được thực hiện với điều kiện: mẹ có nguy cơ phơi nhiễm cao, các bệnh lý gây nguy cơ cao cho mẹ/thai nhi, vắc xin không có khả năng gây hại đến thai", bác sĩ Hoàng khuyến cáo.
Các loại vắc xin được khuyến cáo tiêm thường quy trong thai kỳ gồm: cúm (tiêm mọi thời điểm trong thai kỳ); uốn ván (mũi 1 tiêm càng sớm càng tốt, mũi 2 cách mũi 1 tối thiểu 1 tháng và trước sinh 1 tháng, mũi 3 (từ lần sinh thứ 2) ở thai kỳ sau, cách mũi 2 tối thiểu 6 tháng).
Vắc xin bạch hầu - uốn ván - ho gà (Tdap) tiêm ở tuổi thai 27-36 tuần, 1 liều khi mang thai; vắc xin COVID-19 sau 13 tuần tuổi thai; viêm gan B có thể tiêm trước hoặc trong khi mang thai nhưng tốt nhất nên tiêm trước khi mang thai.
Các vắc xin nói trên an toàn trong thai kỳ, có thể bảo vệ thụ động cho trẻ sơ sinh và không gây sẩy thai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận