Trong khi lò sản xuất thuốc phóng xạ giúp chẩn đoán một số bệnh ung thư tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cung cấp nhỏ giọt, một lò khác của Công ty cổ phần y học Rạng Đông được đầu tư 200 tỉ đồng, có thể cung ứng đủ thuốc cho 10 hệ thống chụp PET/CT, lại đang "trùm mền" dù được Bộ Y tế cấp phép.
Nghịch lý "ngoài chuyên môn" này kéo theo một loạt hệ lụy: Các hệ thống chụp PET/CT có giá trị hàng chục tỉ đồng tại các bệnh viện ở TP.HCM hoạt động cầm chừng, có nơi ngừng hoạt động, còn bệnh nhân ung thư mỏi mòn chờ đợi, chậm trễ điều trị và nguy cơ tử vong cao...
Và trước nhu cầu cấp bách này, Sở Y tế TP.HCM, Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Ung bướu vừa đồng loạt có văn bản gửi Bộ Khoa học và Công nghệ kiến nghị gỡ vướng.
"Đói thuốc" do gián đoạn nguồn cung
Từ chỗ có 4 bệnh viện sở hữu hệ thống máy chụp PET/CT (hỗ trợ chẩn đoán, xác định giai đoạn, điều trị, theo dõi sau điều trị một số bệnh ung thư), đến nay TP.HCM "rơi rớt" chỉ còn 3 bệnh viện gồm Chợ Rẫy, Ung bướu và Quân y 175.
Bác sĩ Diệp Bảo Tuấn - phó giám đốc điều hành Bệnh viện Ung bướu - cho biết chụp PET/CT là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cao cấp, giúp thấy được hình ảnh cũng như hoạt động chuyển hóa của khối bướu trong cơ thể.
Chụp PET/CT còn giúp người bệnh rà soát toàn bộ cơ thể để tìm các tổn thương di căn, từ đó xác định giai đoạn chính xác hơn, điều trị kịp thời hơn.
"Có thể nói đây là một kỹ thuật rất quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị ung thư sớm mang lại hiệu quả tối ưu cho người bệnh" - bác sĩ Tuấn nhấn mạnh.
Ngoài hệ thống máy chuyên dụng, theo bác sĩ Tuấn, việc chụp PET/CT bắt buộc có thêm hoạt chất phóng xạ 18F-FDG.
Trước đây, bệnh viện có nguồn thuốc phóng xạ từ Công ty cổ phần y học Rạng Đông (phường Linh Xuân, TP Thủ Đức) nên việc chụp PET/CT thực hiện đều đặn mỗi ngày. Còn hiện nay, khi nguồn cung bị gián đoạn, dù được "chia sẻ" từ Bệnh viện Chợ Rẫy nhưng hoạt động vẫn cầm chừng.
Trong văn bản mà Bệnh viện Ung bướu báo cáo gần đây nêu rõ nhu cầu chụp PET/CT trong chẩn đoán và theo dõi kết quả điều trị tại đơn vị hiện rất lớn và đang có xu hướng gia tăng.
Hiện bệnh viện được trang bị hai máy chụp PET/CT, công suất 30 ca/máy/ngày. Nếu cả hai máy vận hành và được cung cấp đủ thuốc 18F-FDG, công suất đáp ứng tối đa lên 50 - 60 ca/ngày.
"Thực tế nguồn cung cấp thuốc phóng xạ qua chuyển nhượng từ Bệnh viện Chợ Rẫy trung bình chỉ chụp được 7 - 9 ca/ngày, mỗi tuần 3 ngày, con số này đáp ứng chưa đến 1/3 nhu cầu hiện tại. Đây là điều mà bệnh nhân phải chờ đợi nhiều ngày mới được chụp PET/CT" - bác sĩ Tuấn lý giải.
Điều đáng nói, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, hiện hệ thống Cyclotron sản xuất thuốc phóng xạ tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã cũ, tuổi thọ vận hành gần 15 năm, thường xuyên trục trặc phải bảo trì. Thậm chí có thời điểm nguồn cung phóng xạ gián đoạn, các bác sĩ phải chỉ định cận lâm sàng khác thay thế như CT Scan, MRI...
"Nhưng các phương pháp thay thế này, trong nhiều trường hợp, không đánh giá được toàn diện, đầy đủ sớm những thay đổi sau điều trị, bệnh tồn lưu hoặc tái phát, để đưa ra phác đồ điều trị thích hợp", bệnh viện này nêu rõ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Cao Văn Khánh - trưởng khoa y học hạt nhân Bệnh viện Quân y 175 - chia sẻ hiện nay trung bình mỗi ngày bệnh viện chụp PET/CT cho khoảng 7 bệnh nhân và chụp 5 ngày/tuần.
Con số này chỉ mới đạt một nửa nếu được cung ứng đủ thuốc, chưa đáp ứng đủ nhu cầu riêng của bệnh viện.
"Hy vọng trong tương lai gần tại TP.HCM sẽ có thêm 1 - 2 hệ thống Cyclotron sản xuất dược chất phóng xạ, đủ cung cấp cho các đơn vị, đáp ứng được nhu cầu của người bệnh. Điều này nhằm giảm thời gian chờ đợi và sớm có kết quả phục vụ tốt hơn nữa công tác điều trị cho bệnh nhân", bác sĩ Khánh bày tỏ mong muốn.
Nghịch lý có thuốc nhưng không thể sử dụng
Trước tình hình nguồn cung thuốc phóng xạ gián đoạn kéo dài, từ cuối năm 2021, Sở Y tế TP.HCM từng có công văn gửi Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) xin hỗ trợ cung ứng thuốc và đề cập tại TP.HCM ngoài Bệnh viện Chợ Rẫy còn có Công ty cổ phần y học Rạng Đông có thể sản xuất cung ứng thuốc phóng xạ 18F-FDG.
Chi nhánh sản xuất của công ty hiện đặt tại Trung tâm Nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ trực thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) tại TP Thủ Đức.
Ngày 28-7, trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Công ty cổ phần y học Rạng Đông cho biết hệ thống máy gia tốc Cyclotron sản xuất dược chất phóng xạ được xây dựng năm 2017 với vốn đầu tư 200 tỉ đồng, công suất có thể đảm bảo cung cấp đủ thuốc cho 10 hệ thống máy chụp PET/CT.
Mặc dù được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP) và cấp phép đăng ký lưu hành vào năm 2023, nhưng đến nay hệ thống sản xuất thuốc phóng xạ được đánh giá "hiện đại nhất Đông Nam Á" vẫn chưa thể sản xuất thuốc được do nhiều vướng mắc về pháp lý.
"Mỗi tháng chúng tôi phải bỏ tiền túi ra chi trả tiền bảo dưỡng, vệ sinh, bảo trì nhà xưởng, nhân công hơn 300 triệu đồng" - vị đại diện này buồn rầu nói.
Trước nghịch lý có nơi đủ điều kiện sản xuất thuốc nhưng không thể cung ứng, mới đây Sở Y tế TP.HCM tiếp tục có văn bản gửi đến Bộ Khoa học và Công nghệ phản ánh nhu cầu cấp bách về thuốc phóng xạ 18F-FDG.
Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam - phó giám đốc Sở Y tế - nhận định đây là loại thuốc có tuổi thọ ngắn (dưới 12 giờ) và thời gian bán hủy ngắn nên việc sử dụng phải được tiến hành ngay sau khi sản xuất.
Việc vận chuyển thuốc từ các địa phương khác về TP.HCM là không khả thi, do đó TP.HCM chỉ có thể tự sản xuất hoặc mua thuốc từ các đơn vị sản xuất hoặc nhượng từ các bệnh viện có khả năng sản xuất.
Trong khi đó, theo kiến nghị của Sở Y tế thì lò sản xuất thuốc phóng xạ của Công ty cổ phần y học Rạng Đông tại TP.HCM đã được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành. Tuy nhiên, địa điểm sản xuất trong quá trình thực hiện đang vướng các thủ tục về tài sản công nên chưa thể đưa dây chuyền sản xuất phóng xạ vào hoạt động.
"Sở Y tế đề nghị Bộ khoa học và Công nghệ hỗ trợ phối hợp thực hiện các thủ tục pháp lý để sớm đưa lò sản xuất này sớm đi vào hoạt động nhằm đảm bảo cung ứng thuốc 18F-FDG đáp ứng nhu cầu các cơ sở khám chữa bệnh" - văn bản của Sở Y tế kiến nghị.
Bộ Khoa học và Công nghệ nói gì?
Lý giải lý do chưa được Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp phép hoạt động, đại diện Công ty cổ phần y học Rạng Đông cho biết do hợp đồng hợp tác khoa học kỹ thuật giữa đơn vị và Trung tâm Nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ chưa phù hợp theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017. Do đó đã tạm dừng các hoạt động sản xuất thuốc phóng xạ.
"Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức đoàn thanh tra để xem xét, rà soát lại quy trình cấp phép hoạt động sản xuất thuốc cho công ty. Sau đó tiếp tục chỉnh đề án xin ý kiến Bộ Tài chính" - vị này cho biết.
Công ty này cũng đã kiến nghị các cơ quan chuyên môn của Bộ Khoa học và Công nghệ tạo điều kiện để hệ thống máy gia tốc được phép hoạt động sản xuất thuốc phóng xạ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này, ông Trần Chí Thành, viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM), cho hay đơn vị đã nhận được báo cáo của Công ty cổ phần y học Rạng Đông chi nhánh tại TP.HCM về việc chưa thể đưa dây chuyền sản xuất thuốc 18F-FDG vào hoạt động.
Nguyên nhân do một số thủ tục liên quan đến quản lý tài sản công do địa điểm sản xuất của công ty nằm trong khuôn viên thuộc Trung tâm Nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam).
Ông Thành cho hay ngay sau khi có báo cáo của công ty, viện đã báo cáo với Bộ Khoa học và Công nghệ để giải quyết thủ tục theo quy định của pháp luật.
Ông cũng khẳng định sản xuất thuốc 18F-FDG rất quan trọng trong việc khám chữa bệnh cho người dân nên viện rất quan tâm, chú trọng, đôn đốc thực hiện giúp công ty sản xuất cung ứng trở lại.
"Hiện nay không có vướng mắc gì trong quá trình xử lý các thủ tục liên quan. Tuy nhiên, do những thủ tục, quy trình quản lý tài sản công khá phức tạp, phải làm theo các bước đầy đủ. Chúng tôi cũng đang cố gắng đẩy nhanh các thủ tục, dự kiến trong 1 đến 2 tháng tới sẽ hoàn thiện, công ty có thể hoạt động trở lại bình thường" - ông Thành thông tin.
Tăng nguồn cung, ngăn người bệnh ra nước ngoài điều trị
Trước nhu cầu bức bách của thuốc phóng xạ, hơn 1 năm trước, Sở Y tế TP.HCM cho biết sẽ triển khai xây dựng hệ thống lò Cyclotron nhằm tự chủ nguồn cung ứng thuốc 18F-FDG chụp PET/CT tại Bệnh viện Ung bướu. Tuy vậy, hiện cũng ở giai đoạn xây dựng đề án.
Một lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho rằng về lâu dài cần phải nâng số lượng đầu mối cung ứng thuốc phóng xạ lên ít nhất hai đơn vị, thay vì hiện nay chỉ lệ thuộc vào lò sản xuất của Bệnh viện Chợ Rẫy - vốn không còn đáp ứng đủ nhu cầu hiện nay.
Việc tăng nguồn cung (có thể để tư nhân tham gia) mang đến nhiều lợi ích, qua đó nếu một đơn vị trục trặc sẽ có đơn vị khác thay thế. Ngoài ra, về giá thành sản phẩm cũng sẽ cạnh tranh, tránh trường hợp độc quyền giá cả.
"Thuốc phóng xạ chụp PET/CT là mặt hàng đặc biệt quan trọng, do đó với một thành phố lớn như TP.HCM cần phải có giải pháp lâu dài, bền vững để việc điều trị bệnh được thông suốt, tránh việc người dân phải chờ đợi hoặc thậm chí ra nước ngoài chụp tốn kém thời gian, tiền bạc" - lãnh đạo này nói.
Tại sao phải chụp PET/CT?
Theo các chuyên gia về ung thư, chụp PET/CT là một giải pháp vô cùng quan trọng nhằm chẩn đoán, phát hiện và điều trị ung thư sớm. Với độ nhạy, độ đặc hiệu, chính xác cao, PET/CT có khả năng phát hiện tổn thương hoặc bệnh lý ở giai đoạn từ rất sớm.
Đặc biệt, đây được đánh giá là kỹ thuật chẩn đoán ung thư mới có thể tìm kiếm các vị trí ung thư di căn, phát hiện tổn thương nguyên phát của ung thư, thậm chí phát hiện ung thư ngay khi cơ thể chưa hình thành tổn thương về mặt cấu trúc - điều mà chụp CT, MRI không thể phát hiện. Tuy nhiên, không phải tất cả bệnh nhân ung thư đều phải chụp PET/CT.
Chờ lâu, bệnh viện khuyên người bệnh "suy nghĩ kỹ"
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, tại một số bệnh viện ở TP.HCM, số lượng người dân đăng ký chụp PET/CT hiện đã quá tải. Chiều 19-7, tại Bệnh viện Ung bướu nườm nượp người dân xếp hàng dài đợi tới lượt đăng ký chụp PET/CT cho người nhà bị ung thư.
Tại bàn hướng dẫn chụp PET/CT, một nhân viên tư vấn cho hay nếu đăng ký danh sách thì bệnh nhân phải chờ hơn nửa tháng nữa mới được chụp (tức đầu tháng 8).
Số lượng người dân đến đăng ký đông, nhân viên tư vấn tại đây liên tục giải thích: "Hiện tại, lượng người đăng ký chụp PET/CT rất đông, mọi người đăng ký phải chờ khá lâu mới được chụp.
Chính vì vậy, hãy suy nghĩ kỹ rồi đăng ký, mong mọi người thông cảm". Nghe thông báo, nhiều người chờ đợi mấy tiếng đồng hồ để đăng ký đều thẫn thờ, ngập ngừng tự hỏi: "Phải chờ lâu vậy sao?".
Anh T.H.H. (36 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) cho biết người nhà sau khi điều trị ung thư nghi ngờ có dấu hiệu tái phát, do đó anh tới Bệnh viện Ung bướu đăng ký chụp PET/CT để kiểm tra lại cho chắc ăn.
"Người đăng ký chờ khá đông, tôi đã phải ngồi chờ gần hai tiếng mới đến lượt đăng ký, sau khi đăng ký được rồi vẫn phải chờ hơn nửa tháng nữa mới được chụp. Rất sốt ruột!", anh H. kể.
Tương tự, tại khu vực đăng ký chụp PET/CT của Viện ung bướu và y học hạt nhân Bệnh viện Quân y 175, nhiều người ngán ngẩm lắc đầu sau khi nghe nhân viên tư vấn cho biết có đăng ký cũng chưa thể chụp PET/CT. Chẳng hạn như chồng chị H.K.B., sau khi đăng ký phải chờ tới qua tuần sau, khi bệnh viện thông báo hẹn lịch mới có thể chụp.
Hà Nội đáp ứng nhu cầu chụp PET/CT cho người bệnh
Theo tìm hiểu, ngoài Bệnh viện Chợ Rẫy, hiện Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã cấp giấy đăng ký lưu hành cho ba thuốc phóng xạ của các công ty gồm: Công ty cổ phần y học Rạng Đông chi nhánh TP.HCM và Hà Nội (18F-FDG), Trung tâm chiếu xạ Hà Nội (Vinatom FDG).
Ngoài ra, tại Hà Nội có Trung tâm máy gia tốc (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) cũng sản xuất dược chất phóng xạ 18F-FDG phục vụ chẩn đoán ung thư. Bệnh viện này cũng đang hỗ trợ một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội chụp PET/CT cho bệnh nhân.
Đại diện Bệnh viện K cho biết hiện đơn vị chưa có dây chuyền sản xuất thuốc 18F-FDG mà đang đặt hàng ở các đơn vị cung ứng. Theo vị này, nguồn cung ứng thuốc đảm bảo nhu cầu sử dụng, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho bệnh nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận