27/03/2014 07:15 GMT+7

Cần thống nhất từ ngữ trong sách giáo khoa

TRẦN VĂN TÁM (Trường TH Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM)
TRẦN VĂN TÁM (Trường TH Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM)

TT - Trong bài “Ngọt sắt hay ngọt sắc?” (Tuổi Trẻ 25-3), GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt 4, đã giải thích rất cặn kẽ về từ “sắc” hay “sắt” trong đoạn văn Trái vải tiến vua của nhà văn Vũ Bằng.

Là độc giả, tôi thấy sự phản hồi của tác giả hết sức nhanh chóng và làm cho độc giả sáng tỏ thêm, nhất là khi tác giả sử dụng phương ngữ không lẫn lộn nhau của hai miền Nam - Bắc.

QNrIlpOG.jpg

Nhiều giáo viên ở miền Nam không thể giải thích từ “gà gô” cho học sinh (ảnh chụp từ sách Tiếng Việt 1, NXB Giáo Dục, tháng 5-2002)

Nhân dịp này, tôi xin thưa với các nhà biên soạn, khi biên soạn sách giáo khoa cần chú ý từ ngữ dùng trong sách giáo khoa phải thật sự thống nhất trên toàn quốc.

Bản thân tôi nhiều năm phụ trách chuyên môn của trường tiểu học, do đặc thù công việc nên thường xuyên tiếp cận nghiên cứu chương trình và nội dung sách giáo khoa.

Tôi nhận thấy các tác giả biên soạn sách giáo khoa cho bậc tiểu học, nhất là sách Tiếng Việt, thường dùng phương ngữ thông dụng giao tiếp ở miền Bắc, mà sách giáo khoa thì được giảng dạy trên toàn quốc, áp dụng cho học sinh mọi vùng miền nên khi giáo viên giảng dạy gặp phải các từ này thì ít nhiều gặp khó khăn trong việc giải nghĩa từ, nói chi mở rộng vốn từ.

Tôi lấy thí dụ một số từ trong sách Tiếng Việt 1 (NXB Giáo Dục, số xuất bản: 1302/1-01. In xong và nộp lưu chiểu tháng 5-2002) có các từ: “trỉa đỗ”, “hai con trâu húc nhau”, “xâu kim”... là từ được dùng ngoài miền Bắc nên giáo viên dạy phải chuyển dùng phương ngữ miền Nam có nghĩa gần giống từ đó để diễn đạt cho học sinh hiểu rõ nghĩa.

Tuy nhiên, với các từ “cá diếc” (không có hình minh họa trong sách giáo khoa) và “gà gô” (có minh họa), rất nhiều giáo viên không thể giải thích cho rõ nghĩa được.

Có lần tôi thử hỏi giáo viên trong trường mình đang công tác, giáo viên trực tiếp đứng lớp, người có thâm niên ít nhất 15 năm dạy lớp 1, nghĩa của hai từ này như thế nào thì có cô chỉ trả lời nhát gừng: cá diếc trông giống như con cá chép, còn gà gô cũng giống như con gà ri.

Có cô thực tế hơn: “Nói thật tình khi dạy đến hai từ này thì em “né” không dám giải nghĩa với học sinh vì mình không hiểu rõ nghĩa, mà học sinh và phụ huynh từ hồi nào đến giờ chưa có ai hỏi em đến hai từ này”.

Tôi nói: “Phải tìm hiểu cho rõ nghĩa để khi có người hỏi mới biết mà giải thích” thì cô giáo này trả lời: “Trong từ điển tiếng Việt em có tìm nhưng cũng không thấy giải nghĩa hai từ này”. Tôi lên Google thấy giải thích hết sức cô đọng: cá diếc chủ yếu sống ở sông miền Bắc, miền Trung, không sống ở sông miền Nam và trong miền Nam cá diếc cũng không có tên nào khác, còn gà gô gọi là con chim đa đa.

Tác giả soạn sách giáo khoa không chú ý đến từ ngữ phổ biến thường dùng cho toàn quốc mà dùng từ phương ngữ hay từ không rõ nghĩa thì khi dạy rất khó khăn cho giáo viên trong việc truyền thụ kiến thức, mở rộng vốn từ, kiểu như các cô thường đùa nhau: từ “cá diếc” cô không biết, còn “gà gô” chỉ làm khổ cho cô mà thôi.

TRẦN VĂN TÁM (Trường TH Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên