Thịt đầy sạp tại "chợ ra phố" ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ - Ảnh: LÊ DÂN
Ngày 22-7, ông Trần Lê Bình - phó giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết từ khi Sở GTVT TP Cần Thơ công bố lộ trình luồng xanh nội tỉnh kết nối với luồng xanh quốc gia, xe chở hàng hóa thiết yếu cho các siêu thị, cửa hàng tiện ích rất thông thoáng, hàng hóa về nhiều.
Cùng đó, Sở Công thương TP Cần Thơ đã tổ chức bán hàng bình ổn giá tại quận Ninh Kiều, Cái Răng, còn tại các quận, huyện khác chính quyền địa phương cũng thực hiện đưa "chợ ra phố" khi các chợ truyền thống đóng cửa.
Anh Hữu Chí (ngụ thị trấn Phong Điền, H.Phong Điền), cho biết "chợ ra phố" tại Trung tâm thương mại huyện bán hàng đồ thiết yếu phục vụ đủ bữa ăn hàng ngày nên không phải lo thiếu thực phẩm.
Chợ được kẻ ô cách xa nhau để tiểu thương bán thịt cá, rau củ… phục vụ nhân dân trong lúc giãn cách theo chỉ thị 16.
Tương tự, tại "chợ ra phố" trên đường Trần Văn Hoài (Q.Ninh Kiều) bán đủ thứ từ thịt heo, gà, cá, rau củ,.. với giá cả khá mềm.
Thịt nạc giá 140.000/kg, thịt đùi giá 120.000/kg, thịt ba rọi 160.000/kg; cá hú 60.000/kg, cá điêu hồng 35.000/kg, cá tra 30.000/kg; củ cải đỏ 25.000/kg, cải trắng 20.000/kg.
Phía trước sạp thịt, cá, tiểu thương cho giăng dây giữ khoảng cách để hạn chế tối đa tiếp xúc giữa người mua và người bán. Thịt, cá được bỏ vô một cái thau, khách lấy hàng rồi bỏ tiền vào cái thau đó.
Mấy ngày qua, nhiều người dân TP Cần Thơ đã chọn mua hàng ở "chợ ra phố" do thực phẩm đáp ứng cơ bản nhu cầu, không phải tập trung đông người, hạn chế lây lan dịch bệnh COVID-19.
Nhờ vậy, tình trạng căng thẳng, khan hiếm thực phẩm đã được giải quyết, không như những ngày đầu TP Cần Thơ mới thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16.
Ông Hà Vũ Sơn - giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết hôm nay mở thêm 1 điểm bán hàng bình ổn giá tại quận Cái Răng và ngày mai (23-7) mở thêm 1 điểm ở quận Ô Môn nâng số điểm bán hàng bình ổn giá lên 8 điểm.
"Các quận huyện còn lại đưa "chợ ra phố" được 34 điểm, giá bán được bình ổn đồng thời các điểm này còn kết nối tiêu thụ hàng nông sản giúp nông dân trong lúc dịch bệnh"- ông Sơn nói.
"Chợ ra phố" tại quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) có kẻ vạch để người mua giữ khoảng cách - Ảnh: V.S
Tại Sóc Trăng, người dân cũng không quá lo lắng chuyện thiếu thực phẩm. Chị Trần Thị Châu (thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề), cho biết chợ truyền thống nơi chị sinh sống vẫn mua bán bình thường như trước đây, hàng hóa vẫn dồi dào.
"Đi chợ theo ngày chẳn, lẻ nhưng không có gì phiền hà cả. Tiểu thương có tạm nghỉ, song vẫn đầy đủ các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân. Một số mặt hàng có tăng nhẹ, chấp nhận được", chị Châu cho biết.
Ông Trần Văn Chiêu - giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng, cho biết ngoài các chợ truyền thống, tỉnh có 36 cửa hàng tiện lợi phủ đến trung tâm các địa phương.
"Chúng tôi đã làm việc các đầu mối phân phối lớn, đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa. Những ngày đầu thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16, không chỉ ở thành thị, mà ngay cả nông thôn, hàng hóa trong các siêu thị, cửa hàng tiện ích vẫn dồi dào, giá cả không biến động", ông Chiêu cho biết.
Theo ông Chiêu, việc đứt gãy chuỗi cung ứng một số mặt hàng như rau, củ, quả chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và cục bộ, sau đó được khắc phục. "Chợ truyền thống nông thôn vẫn mở cửa. Hàng hóa dồi dào, đa dạng. Tùy nhu cầu và nguồn cung, một số mặt hàng có tăng, nhưng không nhiều" - ông Chiêu nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận