Phụ huynh ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ chọn mua đồng phục cho con, chuẩn bị cho việc đến trường học trực tiếp - Ảnh: CHÍ QUỐC
Đại biểu Đỗ Thị Kim Nhung hỏi ngành giáo dục thành phố đã có kế hoạch, phương án gì trong việc tổ chức hoạt động vui chơi và giáo dục trẻ mầm non trong thời gian các cháu không được đến trường do ảnh hưởng dịch COVID-19?
Thứ hai, trẻ mầm non cần có người giữ vì không thể để trẻ ở nhà một mình, do đó phụ huynh đã gặp khó khăn trong việc tham gia lao động sản xuất trong thời gian dài, ngành giáo dục có phương án gì để trẻ đến trường mà vẫn đảm bảo an toàn?
Trả lời câu hỏi này, ông Dương Tấn Hiển, phó chủ tịch thường trực UBND thành phố kiêm giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo thành phố Cần Thơ, cho biết thời gian qua UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Giáo dục và đào tạo hướng dẫn cho các cơ sở mầm non chia sẻ các video, clip hướng dẫn cha mẹ trẻ thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ; hướng dẫn cho cha mẹ trẻ chuẩn bị đồ dùng cá nhân cho các cháu sử dụng khi đến trường...
Về tuyển sinh, nhà trường phối hợp thường xuyên cha mẹ của trẻ bằng hình thức trao đổi qua Zalo, Facebook, điện thoại nhằm kịp thời hỗ trợ gia đình, phụ huynh chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, đồng thời tuyên truyền về dịch bệnh và đảm bảo an toàn cho trẻ tại nhà.
Về lộ trình, phương án cho trẻ mầm non đến trường, ông Hiển cho biết hiện thành phố mới tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi; còn công chức, viên chức, người lao động trong ngành giáo dục đã tiêm vắc xin mũi 2 hơn 95% và theo đó hết năm 2021 thì vắc xin này sẽ phát huy hiệu quả (đều qua 14 ngày khi tiêm mũi 2).
Trên cơ sở đó, thành phố đã có kế hoạch dự kiến cho trẻ đến trường học trực tiếp vào đầu năm 2022 và theo đó, trong tuần đầu của năm mới thì cho trẻ lớp lá đến trường trước.
Trước khi cho trẻ đến trường thì các trường sẽ tổng vệ sinh, khử khuẩn đồ dùng theo đúng hướng dẫn ngành y tế và trường sẽ chia thành khu vực nhận trẻ, không để cha mẹ dẫn vào trường.
Ngoài ra, sẽ sát khuẩn cho trẻ trước khi vào lớp; hướng dẫn trẻ đảm bảo quy tắc an toàn khi vui chơi, học tập tại trường; dạy trẻ cách sử dụng khăn tay khi ho, hắt hơi, sổ mũi, không được đưa tay lên mắt, mũi; nếu trẻ nghi nhiễm COVID-19 thì nhà trường cho mặc đồ bảo hộ, đưa vào phòng cách ly, báo cáo ngay gia đình, tổ COVID-19 tại địa phương để kịp thời xử lý.
"Để trẻ ở nhà ảnh hưởng sinh hoạt của gia đình, nhiều gia đình muốn gửi trẻ để có thời gian làm việc, có thu nhập cho cuộc sống, chúng tôi biết và chia sẻ, mong muốn tiếp nhận trẻ, giữ trẻ giúp cho gia đình.
Lên kế hoạch là như thế nhưng tùy vào diễn biến dịch bệnh. Nếu đến đầu năm 2022 cơ bản kiểm soát được dịch bệnh thì triển khai, nhưng lúc đó dịch còn quá phức tạp thì xem xét lại kế hoạch để đảm bảo trẻ đến lớp phải an toàn", ông Hiển phúc đáp đại biểu.
Bổ sung thêm phần giải đáp của ông Hiển, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ Phạm Văn Hiểu thông tin thêm thời gian qua TP.HCM và một số nơi dự kiến cho học sinh đến trường từ ngày 1-12, nhưng cuối cùng phải dừng lại vì nhiều phụ huynh không dám cho con đến trường.
"Ở nhà nhiều quá có thể trẻ tự kỷ, chậm phát triển, lãnh đạo thành phố cố gắng làm sao trong điều kiện tối ưu thì tổ chức lại việc dạy và học. Việc đó phải đến thôi, nhưng phải là khi chúng ta chuẩn bị các điều kiện tốt nhất. Còn khi chưa chuẩn bị tốt nhất mà muốn đưa tới trường thì tôi nghĩ rất là khó khăn", ông Hiểu nói.
Tiêu thụ nông sản: "Không phải là chạy đi kết nối cửa hàng này, cửa hàng kia"
Trả lời chất vấn của đại biểu HĐND thành phố về giải pháp đầu ra cho nông sản, ông Hà Vũ Sơn - giám đốc Sở Công thương thành phố Cần Thơ - đã nêu một số giải pháp, trong đó có kết nối các siêu thị trên địa bàn thành phố giúp cho nông dân.
Ông Phạm Văn Hiểu lưu ý ông Sơn việc tiêu thụ nông sản không phải chỉ tiêu thụ cho hệ thống siêu thị như Bách Hóa Xanh, Co.op Mart xung quanh thành phố là đủ, mà phải nhìn rộng ra, có mối liên kết để tiêu thụ.
Ông Hiểu nêu chẳng hạn như người dân thành phố sản xuất 1.000 tấn rau, củ, quả mỗi ngày, nếu kết nối bán được 50-70 tấn, số còn lại tiêu thụ ở đâu? Vì vậy, ông Hiểu cho rằng giải pháp là phải căn cơ, gắn sản xuất với tiêu thụ để có khuyến khích, khuyến cáo đối với sản xuất của người dân; cần có cái nhìn toàn cục, toàn diện, chứ không chỉ là việc chạy đi kết nối cửa hàng này, cửa hàng kia vì "cái đó là tốt, nhưng không mang tính toàn cục".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận