29/04/2021 16:24 GMT+7

Cần Thơ bứt phá thành đô thị hạt nhân của Đồng bằng sông Cửu Long

H.TRÍ DŨNG - CHÍ QUỐC thực hiện
H.TRÍ DŨNG - CHÍ QUỐC thực hiện

Ông Lê Quang Mạnh, UV Trung ương Đảng, bí thư Thành ủy Cần Thơ, cho biết thời gian tới thành phố sẽ có những bứt phá mạnh mẽ để thật sự là đô thị hạt nhân, lan tỏa sự phát triển cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Cần Thơ bứt phá thành đô thị hạt nhân của Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 1.

Theo kế hoạch, các công trình giao thông trọng điểm quốc gia, trong đó đường cao tốc nối từ TP.HCM tới Cần Thơ sẽ được hoàn thành trong nhiệm kỳ này, là điều kiện lý tưởng để TP Cần Thơ tiếp tục bứt phá mạnh mẽ trong những năm tới để trở thành trung tâm vùng ĐBSCL - Ảnh: CHÍ QUỐC

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Mạnh nói: Kết quả 15 năm triển khai thực hiện nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị "Về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" và kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015 – 2020 là thành phố từng bước khẳng định được vai trò trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long trên một số lĩnh vực như: giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ, thương mại và dịch vụ…, góp phần tích cực vào sự phát triển của vùng và cả nước.

* Cụ thể, thành phố Cần Thơ đã đạt được những thành tựu gì trong giai đoạn trên, thưa ông?

- Giai đoạn 2006 – 2019, kinh tế của thành phố tăng trưởng đạt mức bình quân 7,27%/năm, cao nhất trong vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt mức hơn 100.000 tỉ đồng, tăng gấp 5 lần so với năm 2005, hằng năm đóng góp khoảng 1,8% GDP cả nước.

Riêng năm 2020, tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 94,45 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; môi trường đầu tư, sức cạnh tranh của nền kinh tế tiếp tục được cải thiện.

Nhiều dự án, công trình mới được đầu tư xây dựng làm "thay da đổi thịt" đô thị Cần Thơ, khẳng định vị thế của một đô thị lớn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Cùng với diện mạo đô thị đang ngày càng hiện đại, thành phố cũng tận dụng lợi thế trung tâm và nguồn lực đầu tư từ trung ương để tập trung xây dựng nhiều công trình giao thông trọng điểm, kết nối giữa các địa phương trong vùng với TP.HCM và cả nước.

Những cơ sở nền tảng đó góp phần giúp thành phố Cần Thơ đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

* Thời gian qua nhiều nguồn lực của Trung ương được đầu tư cho Cần Thơ để thành phố đóng vai trò dẫn dắt sự phát triển của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, còn nhiều khó khăn như phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, chưa thật sự trở thành trung tâm dẫn dắt sự phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. . . Theo ông đâu là nguyên nhân?

- Thực tế Cần Thơ đã có bước tiến dài nhưng chưa bền vững. Tốc độ tăng trưởng chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng. Đó là chưa có những doanh nghiệp đầu đàn có khả năng làm thay đổi cục diện kinh tế, môi trường kinh doanh chưa thực sự hấp dẫn, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) đứng hạng 11 (nhóm khá), thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Cần Thơ chưa cao…

Về nguyên nhân, có thể nói Cần Thơ cũng như cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện tại có 3 vấn đề chính đang kìm hãm sự phát triển.

Cụ thể, hạ tầng logistics còn yếu, xuất khẩu hàng hóa của vùng phần lớn chưa thể xuất khẩu trực tiếp mà còn phải "mượn đường" (qua các cảng của TP.HCM hoặc Bà Rịa - Vũng Tàu), khiến chi phí cao.

Ngoài ra chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, tỉ lệ qua đào tạo của vùng chỉ đạt 13% (bình quân cả nước là 21%); tác động của biến đổi khí hậu với các ngành, đặc biệt là ngành nông nghiệp. Đồng thời hạ tầng giao thông chưa đồng bộ cũng là "điểm nghẽn lớn để thành phố phát triển nhanh và bền vững.

Cần Thơ bứt phá thành đô thị hạt nhân của Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 2.

Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mở ra cho Cần Thơ thời cơ và vận hội mới, với mục tiêu xây dựng thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, đóng vai trò trung tâm động lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Ông Lê Quang Mạnh (bí thư Thành ủy Cần Thơ)

* Trong tham luận tại Đại hội Đảng toàn quốc vừa qua, ông đã đề cập đến việc phải tập trung "Xây dựng Cần Thơ trở thành trung tâm khoa học - công nghệ về nông nghiệp của quốc gia và khu vực". Xin ông cho biết những bước đi nào đáp ứng yêu cầu cho giai đoạn xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ, xứng tầm với vai trò trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long?

- Thứ nhất, tập trung chuyển đổi mạnh mẽ các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo sang cơ chế thị trường với hệ thống các giải pháp thúc đẩy cả về phía cung (tiềm lực nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ của thành phố) và phía cầu (khoa học công nghệ từ doanh nghiệp nông nghiệp và người nông dân), đồng bộ với các giải pháp liên kết cung - cầu, phát triển thị trường khoa học công nghệ hoạt động hiệu quả.

Thứ hai, tập trung hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ theo hướng hỗ trợ lành mạnh và hiệu quả nhất cho các cuộc cạnh tranh giữa các tổ chức nghiên cứu, các doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ để xác định và từ đó tập trung thúc đẩy tổ chức, doanh nghiệp nào có thể thương mại hóa tri thức một cách tốt nhất.

Thứ ba, tăng cường đầu tư nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ của thành phố (bên cung) với sự gia tăng vai trò của khu vực doanh nghiệp.

Có chính sách ưu tiên đầu tư phát triển nguồn lực trình độ cao về nông nghiệp; tập trung đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao; thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp lớn, các tổ chức quốc tế đầu tư hay cùng đầu tư tại thành phố Cần Thơ.

Thứ tư, thúc đẩy bên cầu đối với khoa học công nghệ, coi doanh nghiệp và người nông dân là trung tâm của các hoạt động này; khuyến khích nông dân tiếp cận khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; các chương trình xúc tiến, thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao của Đồng bằng sông Cửu Long; chủ động đặt hàng các công trình nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo đột phá cho phát triển thành phố, làm động lực phát triển cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ năm, đẩy mạnh các giải pháp kết nối cung cầu thị trường khoa học công nghệ thông qua các chương trình phát triển các sàn giao dịch, các tổ chức trung gian.

Tăng cường tỉ lệ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, phát triển thêm các vườn ươm công nghệ, các khu nông nghiệp công nghệ cao, khu công nghệ thông tin… để rút ngắn khoảng cách từ lý thuyết đến thực tiễn.

Cần Thơ bứt phá thành đô thị hạt nhân của Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 5.

Công trình xây dựng cầu Trần Hoàng Na nối quận Ninh Kiều với quận Cái Răng đang được đẩy nhanh tiến độ thi công - Ảnh: CHÍ QUỐC

* Trong năm nay và những năm tới nhiều công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia được đầu tư cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2… tiếp tục được đưa vào sử dụng. Thành phố có kế hoạch gì trong việc tận dụng những lợi thế này làm "đòn bẩy" cho sự phát triển mạnh mẽ của địa phương và của vùng, thưa ông?

- Những lợi thế từ các công trình trọng điểm quốc gia, nhất là các tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2… chính là "đòn bẩy" quan trọng cho thành phố trong việc đẩy mạnh liên kết vùng và thu hút các nguồn lực đầu tư; đặc biệt là phát triển dịch vụ logistics tập trung với quy mô cấp vùng, cung cấp đầu vào, đầu ra cho chuỗi giá trị hàng hóa và dịch vụ của toàn vùng; đẩy mạnh phát triển du lịch, khai thác thế mạnh du lịch sông nước.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định 3 khâu đột phá. Thứ nhất, tập trung phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Phát huy vai trò của lực lượng trí thức, đặc biệt là trí thức, nhà khoa học trẻ đóng góp trí lực cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Thứ hai, huy động nguồn lực đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối nội vùng và liên vùng và liên vận quốc tế.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, điều hành kinh tế - xã hội; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; đổi mới sáng tạo, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; lấy doanh nghiệp làm trung tâm của đổi mới ứng dụng và chuyển giao công nghệ; xây dựng thành phố thông minh, tăng trưởng xanh.

Tăng cường trách nhiệm và liên kết vùng

Trong thời gian tới Cần Thơ sẽ tăng cường trách nhiệm của mình trong thúc đẩy liên kết vùng; chủ động tổ chức liên kết với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Longvà vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Trong đó thành phố ưu tiên phối hợp, liên kết trong các hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại, huy động và phân bổ nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; giáo dục - đào tạo, tạo việc làm; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; xây dựng các chương trình, các tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng; tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng tham gia liên kết vùng để nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế.

"Thắng lớn" với các loại giống lúa chất lượng cao

thu hoach lua 2

TP Cần Thơ đang đi theo hướng phát triển lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân - Ảnh: CHÍ QUỐC

TP Cần Thơ là một trong những địa phương đi tiên phong ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long về việc triển khai sản xuất các giống lúa chất lượng cao, đặc sản và thực tế hướng đi này đã giúp người trồng lúa ở đây "thắng lớn".

Đáng chú ý là vụ lúa đông xuân 2020 - 2021, người trồng lúa ở TP Cần Thơ đạt mức lợi nhuận lớn nhất từ trước đến nay. Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP Cần Thơ, trong tổng số hơn 77.100ha lúa đông xuân của vụ mùa 2020 - 2021, diện tích gieo trồng các loại lúa thơm và lúa chất lượng cao đã chiếm tới 93,5%.

Nhiều nhất là giống lúa Đài Thơm 8 (42,9%), lúa thơm Jasmine 85 chiếm 24%… Diện tích còn lại là để gieo trồng giống lúa IR50404 nhằm đáp ứng phân khúc thị trường phục vụ chế biến.

Theo ghi nhận tại vùng trồng lúa của TP Cần Thơ như huyện Phong Điền, Vĩnh Thạnh, đa số bà con nông dân đều vui mừng cho biết chưa bao giờ sản xuất có lời nhiều như năm nay. Theo bà con, ngoài yếu tố thời tiết thuận lợi, không có thiên tai, dịch bệnh và xuống giống đúng lịch, việc "thắng lớn" còn do sản xuất các giống lúa chất lượng cao, dễ tiêu thụ.

Bà Trần Thị Lụa - một hộ nông dân ở huyện Vĩnh Thạnh - cho rằng bà làm lúa mấy chục năm qua nhưng đây là năm được mùa, được giá nhất. Với 5 công vừa thu hoạch, trừ hết các chi phí, gia đình bà còn lợi gần 20 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Sử, giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết vụ đông xuân vừa qua là vụ lúa "trúng mùa, trúng giá" của người dân TP Cần Thơ với năng suất đạt 7,8 tấn/ha (tăng gần 0,4 tấn/ha so với vụ mùa cùng kỳ năm trước), giá bán bình quân hơn 6.400 đồng/kg, doanh thu bình quân đạt 50 triệu đồng/ha, vì vậy bà con nông dân có lời trên 50% - mức lời cao nhất từ trước tới nay đối với người trồng lúa trên địa bàn TP.

Theo ông Sử, bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất các loại giống lúa thơm, chất lượng cao như trên, tỉ lệ sử dụng các loại giống lúa xác nhận của TP cũng rất cao (trên 97%). Trong khi đó các mô hình cánh đồng lớn, liên kết doanh nghiệp tiêu thụ cũng đạt gần 70%. Việc sản xuất theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường cũng đang được nhân rộng mạnh mẽ ở TP Cần Thơ.

CHÍ QUỐC

Cần Thơ: Phố đi bộ bến Ninh Kiều bắt đầu từ đêm 1-5 Cần Thơ: Phố đi bộ bến Ninh Kiều bắt đầu từ đêm 1-5

TTO - Phố đi bộ Ninh Kiều sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tổ chức sự kiện, lễ hội, hoạt náo, trò chơi dân gian… hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn thu hút du khách.

H.TRÍ DŨNG - CHÍ QUỐC thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Cần Thơ