Chiều 30-8, đoàn công tác của Sở Y tế TP.HCM cùng Bệnh viện Lê Văn Thịnh đến Bệnh viện huyện Cần Giờ khảo sát lắp đặt hệ thống chạy thận nhân tạo.
Bệnh viện Lê Văn Thịnh là đơn vị xung phong triển khai chạy thận cho người dân Cần Giờ, sau tuyến bài "Gian nan hành trình đi chữa bệnh" đăng trên báo Tuổi Trẻ từ ngày 8 đến 10-8.
Ngoài nòng cốt là khoa thận nhân tạo, bệnh viện cử 16 nhân sự từ nhiều khoa, phòng tham gia buổi khảo sát tại Bệnh viện huyện Cần Giờ, mục tiêu thiết lập đơn vị chạy thận nhân tạo cho bà con nơi đây.
Theo bác sĩ Đoàn Ngọc Huệ - giám đốc Trung tâm Y tế kiêm giám đốc Bệnh viện huyện Cần Giờ, số bệnh nhân có nhu cầu chạy thận nhân tạo tại huyện là 41 người.
Trong đó, đang chạy thận tại các bệnh viện tuyến trên là 38 người và đang suy thận giai đoạn 4, 5 là 3 người. Đó là chưa kể những người chạy thận ở Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu và đang tiếp tục rà soát.
"Cần Giờ chưa có máy lọc thận. Hệ thống phòng ốc thiết kế cho lọc thận từng được triển khai hồi dịch COVID-19 nhưng đành gác lại vì không có nhân lực", bác sĩ Huệ nói và cho hay rất vui mừng khi được sự "chi viện" từ Bệnh viện Lê Văn Thịnh.
Bác sĩ Trần Văn Khanh - giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh - cho biết việc chi viện cho Cần Giờ đơn giản chỉ xuất phát từ trách nhiệm của một công dân thành phố và trong phạm vi nghề nghiệp có thể hỗ trợ. Khi biết câu chuyện bà con phải lặn lội chạy thận xa xôi, ông đã gọi điện cho bác sĩ Đoàn Văn Huệ và được trả lời: "Nếu làm được, hãy giúp Cần Giờ ngay".
Với kinh nghiệm chạy thận nhân tạo, đặc biệt đã từng thiết lập hệ thống chạy thận nhân tạo trong khu cách ly COVID-19, bác sĩ Khanh nhận lời ngay.
"Đây là việc người dân đang rất cần, nếu làm được sẽ mang lại giá trị nhân văn sâu sắc. Không riêng gì Bệnh viện Lê Văn Thịnh, các bệnh viện khác nếu có thể chung tay làm được gì thì cứ tham gia. Sẽ quyết tâm làm vì 41 bệnh nhân chạy thận đang phải lặn lội khắp nơi, cố gắng làm xuyên lễ cũng được" - bác sĩ Khanh nói.
Theo đánh giá của bác sĩ Khanh, cơ sở vật chất của Bệnh viện huyện Cần Giờ hiện khá tốt. Bệnh viện có 10 phòng được thiết kế có cổng kết nối hệ thống khí RO, có máy rửa màng lọc.
"Về nhân sự chúng tôi sẽ cử hai bác sĩ lành nghề cùng với hai điều dưỡng cắm tại Bệnh viện huyện Cần Giờ để vận hành chạy thận. Mọi quy trình được giao cho trưởng khoa thận nhân tạo điều tiết" - bác sĩ Khanh nói.
Theo bác sĩ Khanh, nếu làm tốt không chỉ bà con ở Cần Giờ, mà cả ở Cần Giuộc (Long An) và Vũng Tàu có thể đến Cần Giờ chạy thận nhân tạo.
Bác sĩ Bùi Nguyễn Thành Long - phó phòng nghiệp vụ y, Sở Y tế - cho biết giám đốc Sở Y tế mong muốn nhanh chóng thiết lập hệ thống chạy thận tại Cần Giờ nhằm giảm thiểu thời gian đi lại cho bà con.
Đơn vị chạy thận thứ 40
Theo ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đây sẽ là đơn vị chạy thận thứ 40 phục vụ cho gần 4.500 người bệnh suy thận mạn có chỉ định chạy thận trên địa bàn TP.HCM.
Ông chỉ đạo các phòng chức năng có liên quan chủ động phối hợp với Bệnh viện Lê Văn Thịnh và Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ khảo sát thực tế nơi sẽ triển khai kỹ thuật chạy thận, bổ sung đầy đủ các yêu cầu cần thiết cho kỹ thuật chạy thận đảm bảo.
Ngoài ra cần tổ chức hội đồng chuyên môn thẩm định cho phép triển khai kỹ thuật chạy thận trong thời gian sớm nhất.
Sở Y tế cũng sẽ đề nghị Bảo hiểm xã hội TP.HCM xem xét chi trả chi phí chạy thận cho người dân có thẻ BHYT theo đúng quy định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận