Nhưng quá khứ huy hoàng, lược sử phố Hội có lẽ vẫn chưa được nhiều người biết tới.
Từ sự đa dạng trong quần thể kiến trúc và những làng nghề truyền thống…
Từ thế kỷ XVI, khi Chúa Tiên Nguyễn Hoàng nhìn ra vị thế thông thương quan trọng của mảnh đất này, ông đã ban hành các chính sách mở cửa, thu hút các thương thuyền quốc tế tới giao thương, khắc tên Faifo (Hoài Phố) lên bản đồ thương mại quốc tế và biến thị tứ này trở thành một cảng thị sầm uất, quan trọng bậc nhất tại châu Á.
Hội An nằm êm đềm bên dòng sông Hoài (Nguồn ảnh: Mai Thành Chương)
Các thương nhân từ Hà Lan, Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Trung Quốc đến đây trên những chiếc thuyền buồn, mượn gió theo mùa cập bến. Khi gió đổi hướng cũng là lúc các thương nhân dừng chân để thu mua sản vật. Họ lập các thương điếm theo phong cách kiến trúc của riêng họ tạo nên sự đa dạng trong kiến trúc của Cảng thị lúc bấy giờ.
Người Nhật có lúc đông đến 600 - 700 người. Họ được phép của Chúa Tiên, lập nên khu phố người Nhật. Đó cũng là lời giải cho dấu ấn Nhật Bản còn đậm nét trong kiến trúc, ẩm thực phố Hội hôm nay.
Sách sử chép lại, hàng trăm con thuyền buồm lớn nhỏ đậu ở cửa sông Thu Bồn, mang đến rất nhiều sản vật từ khắp nơi trên thế giới nhưng khi rời cảng đi, những con thuyền đó chở đi sản vật thu mua từ đất Cảng này nhiều hơn gấp nhiều lần. Gốm sứ, tơ lụa và gia vị là những sản vật được các thương nhân quốc tế ưa chuộng.
Để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu hàng hoá, các làng nghề thủ công dần hình thành và phát triển. Đến nay, vẫn còn những làng nghề truyền thống như làng gốm Thanh Hà, làng lụa Hội An. Những người khai sinh ra những làng nghề cũng được lưu danh cùng những câu chuyện tình đẹp đẽ.
…đến khát khao phục dựng, tôn vinh giá trị văn hoá phố Hội ngày nay
Những truyền thống sinh hoạt của cộng đồng thương nhân quốc tế lưu lại trên mảnh đất này đã minh chứng và nhắc nhớ cho chúng ta một điều: Hội An - mảnh đất cổ kính, phố cổ hiền lành kia còn rất nhiều câu chuyện lịch sử thú vị lẩn khuất trong mỗi làng nghề, trong từng nếp nhà phố Hội đang được chờ đợi để "kể lại" với bạn bè khắp năm châu.
Với khát khao đánh thức niềm tự hào dân tộc, quảng bá hình ảnh Việt Nam tới bạn bè thế giới và đóng góp thêm những sản phẩm du lịch mang đậm chất văn hoá, nghệ thuật cho vùng đất di sản này.
Công viên văn hoá chủ đề Ấn tượng Hội An đã dần hình thành với 2 dòng ngôn ngữ chính là kiến trúc và nghệ thuật biểu diễn thực cảnh quy mô lớn để tái hiện lại thương cảng Hội An thời kỳ huy hoàng nhất và kể những câu chuyện về Hội An trong suốt dòng thời gian của hơn 400 năm.
Lấy biểu diễn thực cảnh - một loại hình nghệ thuật thường được dùng để tái hiện lịch sử của những vùng đất làm hạt nhân, chương trình "Ký ức Hội An" huy động sự tham gia cố vấn và phát triển của các nhà nghiên cứu hàng đầu Việt Nam, kết hợp với nhà sản xuất các chương trình biểu diễn thực cảnh số một thế giới.
Hội An một thời sầm uất được tái hiện trong "Ký ức Hội An" (Nguồn ảnh: GHA)
Theo suốt chương trình từ những ngày đầu, biên đạo múa Thanh Hằng - người đã có kinh nghiệm biên đạo cho những show diễn quy mô lớn tại Việt Nam, Nga và một số nước ở châu Âu chia sẻ: "Với cá nhân tôi, những vở diễn như thế này có giá trị cao trong định hướng cuộc sống, văn hóa, giáo dục, và hơn hết là khơi gợi những giá trị tinh thần, nuôi dưỡng tâm hồn cho thế hệ mai sau".
Sự ra đời của Ấn tượng Hội An cùng chương trình "Ký ức Hội An" như một lời khẳng định về sự cần thiết của một không gian bảo tồn, tôn vinh những giá trị của phố Hội.
Đặc biệt, trong bối cảnh Hội An được kỳ vọng sẽ trở thành "điểm đến hấp dẫn nhất miền Trung Việt Nam và khu vực năm 2020", không gian này hứa hẹn sẽ là điểm nhấn thu hút khách du lịch khám phá những giá trị lịch sử giàu có và cũng đầy chất thơ của vùng đất di sản thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận