01/09/2017 07:48 GMT+7

Cần thêm thời gian làm quen đề thi mới lớp 10

H.HG.
H.HG.

TTO - Cùng với mong mỏi Sở GD-ĐT TP.HCM sớm công bố đề thi mẫu để giáo viên có định hướng trong giảng dạy, học sinh không bỡ ngỡ, nhiều ý kiến đề nghị thêm thời gian để thầy trò làm quen với đề thi mới.

Học sinh thi môn toán vào lớp 10 tại điểm thi Trường THCS Công Định (Bình Thạnh, TP.HCM) năm 2016 - Ảnh: Duyên Phan
Học sinh thi môn toán vào lớp 10 tại điểm thi Trường THCS Công Định (Bình Thạnh, TP.HCM) năm 2016 - Ảnh: Duyên Phan

"Tôi ủng hộ việc ra đề thi tuyển sinh lớp 10 theo hướng tích hợp liên môn, vì như vậy tốt cho học sinh. Nhưng nói thật, mấy hôm nay cũng hoang mang quá", một giáo viên môn toán ở Q.Tân Bình (TP.HCM) cho biết.

Theo giáo viên này: "Đổi mới cách ra đề để giảm bớt những bài toán hàn lâm là việc làm cần thiết. Bản thân tôi sau nhiều năm giảng dạy cũng nhận ra mình mất công mất sức ôn luyện cho học sinh bao nhiêu là bài toán, dạng toán thâm sâu; nhưng khi yêu cầu các em vận dụng kiến thức vào thực tiễn thì không làm được. 

Vì vậy, Sở GD-ĐT TP xác định thi tuyển sinh lớp 10 theo hướng tích hợp liên môn và giải quyết tình huống thực tiễn là hướng đi đúng. Nhưng phải giảm bớt những bài toán nâng cao. Chứ như đề thi năm 2017 thì khó quá, nhất là những câu có liên quan đến định lý Viète - do nhà toán học Pháp tìm ra".

Trao đổi với Tuổi Trẻ, hầu hết giáo viên lớp 9 đều đề nghị: "Sở GD-ĐT nên sớm công bố đề thi mẫu 3 môn văn, toán, ngoại ngữ, và công bố nhiều dạng đề thi khác nhau, để chúng tôi có định hướng trong giảng dạy. Chứ nói chung chung là đổi mới thì chúng tôi cũng không biết đổi mới như thế nào cho đúng".

Còn TS Nguyễn Kim Dung - phó viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - nêu ý kiến: "Bất cứ hình thức thi cử mới nào, muốn thực hiện thành công đều cần có khoảng thời gian nhất định để học sinh, giáo viên luyện tập và làm quen.

Việc TP.HCM chọn phương án ra đề thi theo dạng tích hợp trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là phù hợp với xu hướng chung của một kỳ thi tuyển, với mục đích lựa chọn những học sinh đủ năng lực để tiếp tục vào học chương trình THPT.

Tuy nhiên, đề thi tích hợp đòi hỏi nhiều công sức: từ khâu tập huấn để chuẩn bị cho đội ngũ biên soạn đề thi, đến việc hình thành thang điểm một cách chặt chẽ, tập huấn cho đội ngũ cán bộ chấm thi, rèn luyện cho học sinh những kiến thức, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu của đề thi...

Tôi cho rằng cần từ 1 - 2 năm để làm tốt khâu chuẩn bị có hệ thống và khoa học, bảo đảm kỳ thi chính xác, công bằng, khách quan, chuyên nghiệp. 

Bên cạnh đó, học sinh cũng phải được học theo dự án, theo vấn đề, thường xuyên giải quyết những vấn đề thực tiễn của cuộc sống trong quá trình học tập... Như vậy khi gặp đề thi tích hợp, các em sẽ không bỡ ngỡ và lúng túng".

H.HG.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên