26/06/2024 08:47 GMT+7

Cần thêm những 'bữa cơm Công đoàn'

HÀ QUÂN
và 1 tác giả khác

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tổ chức những bữa cơm Công đoàn trong tháng 7, với gần 10 triệu người tham gia. Người lao động mong muốn có thêm nhiều cách hỗ trợ thiết thực cho đời sống người lao động, không chỉ dịp lễ, Tết.

Công đoàn Công ty TNHH Cibao (TP Long Khánh, Đồng Nai) tặng quà công nhân - Ảnh: A.B.

Công đoàn Công ty TNHH Cibao (TP Long Khánh, Đồng Nai) tặng quà công nhân - Ảnh: A.B.

Công đoàn cơ sở mong muốn được giữ lại thêm kinh phí để thêm nguồn lực chăm lo nhiều hơn cho đoàn viên, người lao động với những bữa cơm Công đoàn. Tuổi Trẻ trích ý kiến bạn đọc xung quanh vấn đề này.

Ông PHAN VĂN ANH (phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam):

Tăng nguồn lực chăm lo người lao động

Năm 2023, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có nghị quyết hỗ trợ 1 triệu đồng cho người lao động bị giảm giờ làm, lương dưới lương tối thiểu vùng. Trường hợp bị chấm dứt hợp đồng được hỗ trợ 3 triệu đồng, qua đó hỗ trợ hàng trăm tỉ đồng cho người lao động khó khăn.

Thời gian tới, nếu doanh nghiệp tiếp tục khó khăn, bị cắt giảm đơn hàng và người lao động thiếu việc làm, các ban của tổng liên đoàn sẽ tham mưu các chính sách mới.

Từ năm 2023, nguồn thu tại cấp công đoàn cơ sở được sử dụng bao gồm 75% nguồn thu kinh phí công đoàn (tăng 10% so với năm 2013), 70% nguồn thu đoàn phí công đoàn (tăng 10% so với năm 2013) và 100% nguồn thu khác.

Công đoàn các cấp trên cơ sở trở lên sử dụng phần còn lại của nguồn thu kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn.

Việc tăng mức phân phối tài chính công đoàn giúp công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp có thêm nguồn lực để chăm lo, bảo vệ cho đoàn viên và người lao động, đồng thời đổi mới tổ chức, hoạt động của Công đoàn.

Ông NGUYỄN VĂN CHÍ (chủ tịch công đoàn Công ty Crystal Martin, Khu công nghiệp Quang Châu, Bắc Giang):

Công nhân cần hỗ trợ thực tế, thiết yếu

Công đoàn cơ sở là nơi phải đề ra kế hoạch hoạt động hằng năm, phối hợp với doanh nghiệp, xin kinh phí cho hoạt động thiết thực, gắn với đời sống công nhân lao động. Và cơ sở cần nhiều sự hỗ trợ nhiều hơn của công đoàn cấp trên.

Phần kinh phí công đoàn giữ lại cơ sở không đáng kể so với nhu cầu thực tế, chẳng hạn như ốm đau, ma chay, cưới hỏi, các hoạt động thể dục thể thao...

Với việc tặng quà cho công nhân, qua khảo sát đa phần công nhân muốn nhận tiền mặt hoặc phiếu giảm giá khi mua hàng thiết yếu, việc này cần được đẩy mạnh hơn. Công đoàn cấp trên có thể nghiên cứu, thí điểm giới thiệu đơn vị sản xuất tốt, giá thành phải chăng, ưu tiên hàng Việt Nam, vừa giúp doanh nghiệp bán được hàng, gián tiếp giúp công nhân ở nhà máy khác.

Nên công đoàn cơ sở mong muốn được giữ lại thêm kinh phí để chăm lo nhiều hơn cho đoàn viên, người lao động. Công đoàn công ty cần quỹ tích lũy, phòng khi có sự cố như thiên tai, dịch bệnh, ảnh hưởng đến việc làm của anh em công nhân để hỗ trợ ngay cho người lao động.

Ông ĐINH SỸ PHÚC (chủ tịch công đoàn Công ty CP Taekwang Vina, Đồng Nai):

Hiện thực hóa giấc mơ an cư

Công ty tôi có 34.000 người. Chi phí chăm lo lễ Tết, sinh nhật, hiếu hỉ, hỗ trợ trường hợp khó khăn, sự cố đột xuất rất lớn. Công đoàn cơ sở cần kinh phí nhưng chỉ nguồn lực từ công đoàn là không đủ, cần có sự tham gia, đồng hành của doanh nghiệp.

Thực tế mức phân bổ 75% kinh phí ở cơ sở nhìn thì lớn song chi tiêu phải tiết kiệm, dự phòng cho câu chuyện không may xảy ra. Thêm nữa, công đoàn cấp trên cần tính làm sao để nguồn lực 25% sinh sôi nảy nở, quay lại phục vụ người lao động.

Việc chăm lo cho người lao động không phải cứ đưa tiền, tặng quà là hỗ trợ mà cần nhiều giải pháp hơn. Đoàn viên mong có thêm nhiều chương trình hỗ trợ, giảm giá, ưu đãi khi mua nhu yếu phẩm thường ngày như đường muối, dầu ăn, bột giặt... chứ không chờ tới Tết.

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phải ở vị trí trung tâm, kết nối doanh nghiệp bán hàng uy tín, bảo đảm, giá cả phải chăng. Và chính đoàn viên công đoàn là những khách hàng tiềm năng.

Việc chọn thời gian, thời điểm cũng quan trọng. Nhiều chương trình rất hay, rất ý nghĩa nhưng nhiều lao động vẫn phải làm việc, tăng ca, doanh nghiệp không ngừng sản xuất, nên việc lựa chọn thời điểm rất quan trọng.

Chúng tôi mong Tổng liên đoàn Lao động cần thể hiện vai trò nhiều hơn trong xúc tiến các bên liên quan trong xây dựng nhà ở cho công nhân lao động, coi đây là ưu tiên, có thể chung tay cùng các bên để thực hiện ước mơ "an cư lạc nghiệp" của đoàn viên và gia đình.

Chị NGUYỄN THỊ NGỌC (Công ty điện tử UMC, KCN Tân Trường, Cẩm Giàng, Hải Dương):

Chờ tăng tiền lương ca đêm

Chế độ ở công ty tôi được cải thiện nhiều, ăn uống tốt hơn, thức ăn đa dạng hơn nhưng tổng thu nhập còn thấp hơn so với nhiều công ty. Có hỗ trợ tiền trợ cấp nhà ở, đi lại, ốm đau, nghỉ thai sản, hiếu hỉ.

Chúng tôi chỉ có một vấn đề mà lâu nay đã đề xuất với công đoàn nhưng chưa được giải quyết, đó là tiền lương làm ca đêm. Làm ca đêm bao giờ cũng vất vả hơn, ở các công ty khác ca đêm bao giờ cũng lương cao hơn, trợ cấp nhiều hơn ca ngày một chút.

Dự kiến, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tổ chức "bữa cơm Công đoàn" vào cao điểm từ ngày 20-7 đến 26-7 dịp kỷ niệm 95 năm thành lập Công đoàn Việt Nam. Dự kiến có khoảng 7-10 triệu người tham gia. Đây là hoạt động chăm lo, tặng quà cho người lao động, tùy sáng kiến và điều kiện của công đoàn cơ sở.

Từ nay đến cuối năm 2024, tổ chức công đoàn sẽ có kế hoạch, phương án, dành nguồn lực tốt hơn (so với năm trước) để tổ chức Tết sum vầy, chợ Tết Công đoàn cho đoàn viên người lao động.

Tiếp tục mức đóng 2% kinh phí công đoàn là cần thiếtTiếp tục mức đóng 2% kinh phí công đoàn là cần thiết

Hôm qua (18-6), Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi. Dự Luật quy định kinh phí Công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên