Nhiều công trình phục vụ du lịch đang được đầu tư trên huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang - Ảnh: HỮU KHOA |
Nhiều chuyên gia đã khẳng định như vậy sau khi nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 vừa được Chính phủ ban hành, trong đó khẳng định Chính phủ thống nhất nguyên tắc xây dựng mô hình ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại các địa phương này, đồng thời giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương hoàn thiện đề án xây dựng đặc khu kinh tế.
Xây dựng đặc khu là cần thiết
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Quang Thái, tổng thư ký Hội Khoa học kinh tế VN, cho rằng việc lựa chọn ba địa điểm trên để phát triển thành đặc khu kinh tế là phù hợp trong bối cảnh hội nhập, cần lựa chọn khâu đột phá, phát huy tiềm năng. Bởi đây là ba địa điểm được phân bố ở ba miền đất nước, có những lợi thế so sánh riêng về địa thế.
Đơn cử như tại huyện đảo Phú Quốc, ông Thái cho rằng đây là vùng có khí hậu ôn hòa, nằm trong vùng biển phía tây, có diện tích gần tương đương Singapore nhưng dân số còn thấp, chỉ hơn 100.000 người.
Một số hạ tầng được xây dựng như nối đường điện, xây dựng sân bay quốc tế Phú Quốc... mới chỉ là bước đầu để thúc đẩy phát triển. Thế nhưng với sự bó buộc về thể chế cùng nguồn lực hiện nay, ông Thái cho rằng chưa đủ để địa phương này khai thác tiềm năng.
“Thể chế với các khu này vẫn bị bó hẹp trong các cơ chế, chưa tạo ra những thể chế quản trị các khu này có tính vượt trội.
Chẳng hạn, Phú Quốc mới chỉ là một huyện đảo đơn thuần, thiếu các cơ chế đặc thù để có thể được phép thí điểm thành “đảo mở” với phương thức quản trị hiện đại, thậm chí thuê chuyên gia quốc tế để thu hút đa dạng các nhà đầu tư kinh doanh, không chỉ từ Việt Nam mà trên thế giới” - ông Thái nói.
Cùng quan điểm, TS Võ Trí Thành, nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng cần phải hiểu đặc khu kinh tế là một khu vực kinh tế nằm trong một nền kinh tế của quốc gia.
Đặc khu này sẽ phát triển dựa trên cơ chế, thể chế đặc biệt để có thể tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất cho sản xuất kinh doanh, đầu tư. Việc xây dựng đặc khu kinh tế nhằm hướng đến ba mục đích gồm: tạo nguồn lực để phát triển kinh tế, nhân rộng và tạo cơ chế chung cho nền kinh tế và tạo sự lan tỏa ở nhiều lĩnh vực.
Cũng theo ông Thành, dù VN đã xây dựng một số đặc khu nhưng chưa có đặc khu đúng nghĩa, tức là chưa xây dựng được một nơi có thể chế được mở rộng, thông thoáng, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, tối ưu cho nhà đầu tư.
“Trong bối cảnh hội nhập hoàn toàn, độ mở của nền kinh tế không còn quá quan trọng và có giá trị thu hút nguồn lực đầu tư, việc xây dựng những đặc khu kinh tế với những cơ chế, thể chế đặc biệt, tạo ra cú hích để thu hút nguồn lực là rất cần thiết thay vì chạy đua ưu đãi tràn lan, kém hiệu quả” - ông Thành khẳng định.
Trong khi đó, TS Trần Đình Thiên, viện trưởng Viện Kinh tế VN, cho rằng lý do để làm đặc khu kinh tế là muốn tạo vùng thể chế vượt trội có những luật lệ thông thoáng nhất để thu hút nhà đầu tư tốt nhất, qua đó lan tỏa được hình mẫu phát triển cho các vùng xung quanh.
Trong điều kiện nguồn lực khan hiếm, không thể chia đều cho tất cả mọi nơi, việc tập trung nguồn lực cho một vùng đặc biệt và tạo cho nó những cơ hội về thể chế để bứt lên là điều mà các nước đang phát triển cần phải làm.
Tính toán kỹ nhiều yếu tố
Theo ông Thành, trên thế giới có hai xu hướng thành lập đặc khu kinh tế. Hoặc là lan tỏa công nghệ, kỹ năng, kéo theo sự thúc đẩy sản xuất kinh doanh; hoặc là phát triển các đặc khu thành nơi giải trí gắn với du lịch, thương mại, casino để tăng nguồn thu.
Tuy nhiên, lựa chọn xu hướng nào cũng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, phù hợp với điều kiện từng địa bàn. Tức là mục đích phát triển của từng đặc khu phải gắn liền với việc thu hút nguồn lực để tạo sự lan tỏa từ địa phương, lên liên kết vùng và cả nền kinh tế.
TS Lê Đình Ân, nguyên giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội (Bộ KH&ĐT), cũng cho rằng cần có cơ chế đặc thù có tính đột phá để phát triển các đặc khu. Trong đó nhấn mạnh đến việc tạo ra những ưu đãi vượt ra khỏi cơ chế hiện nay để thu hút dự án đầu tư và dịch vụ chất lượng cao, chứ không phải là xây dựng các khu công nghiệp.
“Việc lựa chọn dịch vụ, lĩnh vực nào để phát triển hướng tới chất lượng cũng cần tính toán kỹ lưỡng, chứ không phải phát triển đặc khu mà chủ yếu chỉ toàn casino. Gắn với xác định lĩnh vực ưu tiên phát triển cũng rất cần có chính sách phát triển nguồn nhân lực, cán bộ cho các đặc khu, thậm chí tính tới thuê chuyên gia nước ngoài, quản trị tốt.
Đặc biệt, cũng cần tính đến yếu tố đảm bảo quốc phòng, an ninh khi những đặc khu này có vị trí địa lý rất quan trọng” - ông Ân đề nghị.
Theo TS Lê Đăng Doanh - nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, với cam kết trong hội nhập, các chính sách thuế về xuất nhập khẩu dần về 0%, không thể có ưu đãi đặc biệt hơn nữa.
Do đó, theo ông Doanh, cần tính kỹ bài toán này. Bởi để thúc đẩy lan tỏa và liên kết vùng cần đòi hỏi kỷ luật hành chính rất nghiêm túc, nhất là việc kiểm soát chặt hàng hóa từ khu kinh tế ra các khu khác. Vì thực tế hàng lậu từ đường biên vẫn tràn vào nội địa và rất khó kiểm soát.
“Nếu ưu đãi không đủ mạnh, khu kinh tế đó không thể hấp dẫn, thu hút nhà đầu tư. Còn nếu ưu đãi đặc biệt thì chênh lệch giữa khu đặc biệt và khu bình thường sẽ rất lớn. Như vậy, nguy cơ hàng hóa từ trong khu đặc biệt lại chảy ra khu bình thường và đây sẽ là thách thức rất lớn đối với chính quyền địa phương” - ông Doanh nói.
Xây dựng mô hình 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Tại nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11-2016, Chính phủ thống nhất nguyên tắc xây dựng mô hình ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) theo hướng phát triển thế mạnh riêng có nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh của mỗi đơn vị, tạo động lực phát triển mới, bảo đảm phân bổ nguồn lực theo vùng, tạo hiệu ứng lan tỏa trên phạm vi cả nước. UBND các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang chủ trì, phối hợp với Bộ KH&ĐT cùng các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện các đề án đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; đề xuất cấp có thẩm quyền các cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng các dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cho từng đơn vị. Cũng theo nghị quyết, Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương tiếp thu ý kiến Chính phủ, hoàn thiện báo cáo về các đề án; đề xuất các nhóm cơ chế, chính sách kinh tế ưu đãi đặc thù, báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ cho ý kiến trước khi báo cáo Bộ Chính trị theo quy định. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận