03/11/2018 15:11 GMT+7

Cần thay đổi quan niệm về "ma túy"

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - Việt Nam có ít nhất 3 triệu thanh, thiếu niên có các vấn để về tâm lý, tâm thần nhưng chỉ có khoảng 20% được hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết, còn lại lạm dụng rượu, thuốc lá, ma túy…để tự chữa dẫn đến phụ thuộc và nghiện.

Cần thay đổi quan niệm về ma túy - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thùy Linh - Quản lý chương trình trẻ em và thanh niên (SCDI) trình bày khảo sát về thực trạng thanh thiếu niên sử dụng chất kích thích ngày càng phổ biến - Ảnh: CTV

Cảnh báo này vừa được các chuyên gia trình bày tại hội thảo "Sức khỏe tâm thần và sử dụng ma túy trong thanh thiếu niên - thấu hiểu và hỗ trợ" do Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) tổ chức tại TP.HCM ngày 3 - 11.

Sử dụng chất kích thích để... thoát khỏi nỗi buồn

Chia sẻ tại hội thảo, anh H (ngụ TP.HCM), tự nhận mình là người có kinh nghiệm chơi các loại chất kích thích và nay có thể "làm chủ" được bản thân trước vòng xoáy của ma túy. Từ năm 1995 đến nay, anh từng "dính" qua các dạng ma túy từ heroin, kelamine, ma túy đá, thuốc lắc…

Anh H., vui mừng kể rằng chính mình vừa "dắt" được một bạn trẻ ra khỏi vòng xoáy ma túy đá. Mặc dù, anh không có chuyên môn, chỉ lấy kinh nghiệm để động viên áp dụng điều trị cho người nghiện. 

"Tôi nói mẹ cậu bé để cho tôi dắt cậu ấy về quê một tuần, ngày ngày đi câu cá, tối đờn ca hát hò…Và chỉ sau một tuần, cậu ấy không còn cảm thấy thèm nhớ đến ma túy đá" - ông H., chia sẻ và mong muốn cộng đồng giảm bớt sự kỳ thị, phân biệt đối xử để người nghiện có cơ hội làm lại cuộc đời.  

Bà Nguyễn Thùy Linh - quản lý chương trình trẻ em và thanh niên (SCDI) cho biết kết quả cuộc khảo sát online với 231 người độ tuổi từ 15 đến 24 tuổi cho thấy 71% người từng sử dụng chất kích thích.

Bà Nguyễn Thùy Linh - Quản lý chương trình trẻ em và thanh niên (SCDI) trình bày khảo sát về thực trạng thanh thiếu niên sử dụng chất kích thích ngày càng phổ biến - Thực hiện: HOÀNG LỘC

Các loại chất kích thích được các bạn trẻ sử dụng phổ biến gồm rượu, bóng cười, cần sa, đá, thuốc lắc. Phần lớn người sử dụng đều lý giải do thích cảm giác, giảm căng thẳng, áp lực bạn bè, thoát khỏi nỗi buồn, tủi thân, khẳng định bản thân…

Báo cáo mới nhất của Qũy Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cũng cho thấy có đến 12% trẻ em, thanh niên độ tuổi từ 14 đến 18 tại Việt Nam mắc các rối loạn tâm thần, phổ biến là trầm cảm, rối loạn lo âu, cô đơn và tăng động giảm chú ý.

Thay đổi quan niệm về "ma túy"

Th.S.BS Nguyễn Song Chí Trung – Trung tâm chuyển giao công nghệ điều trị nghiện và HIV (VHATTC) ĐH Y Dược TP.HCM cho rằng hiện nay còn có rất nhiều khoảng trống về vấn đề sức khỏe tâm thần.

Cần thay đổi quan niệm về ma túy - Ảnh 3.

Th.S.BS Nguyễn Song Chí Trung – Trung tâm chuyển giao công nghệ điều trị nghiện và HIV (VHATTC) ĐH Y Dược TP.HCM. - Ảnh: CTV

Lấy ví dụ điển hình về keo con chó, một "sản phẩm" gây nghiện được trẻ em sử dụng khá phổ biến hiện nay. BS Trung đặt vấn đề: đây không phải là ma túy và pháp luật không có quy định. Tuy nhiên khi trẻ em hít vào đều có tác hại gây nghiện.


Bởi vậy, BS Trung cho rằng cần hiểu rộng hơn về quan niệm ma túy, bao hàm tất cả các chất làm có thể biến đổi tâm thần (ý thức, tri giác, khí sắc, tư duy, hành vi). Theo WHO tất cả các chất làm biến đổi như trên đều được coi là "ma túy". 

"Do đó ngoài heroin, hàng đá, thuốc lắc, cần sa... thì các chất phổ biến như cà phê, rượu, thuốc lá, trà …đều gây nghiện và có thể coi là ma túy. Hoặc bất kỳ một hoạt động nào có thể gây nghiện như cá độ, shoping, mạng xã hội…đều có tác động như ma túy" – BS Trung đánh giá.

Cô lập không phải là giải pháp

Theo đánh giá của các chuyên gia, kỳ thị và phân biệt đối xử của cộng đồng có tác động một cách tiêu cực đến quá trình điều trị và phục hồi của người sử dụng ma túy, đặc biệt thanh thiếu niên.

Có đến 60% tự kỳ thị và căm ghét bản thân dựa trên phản ứng của mọi người xung quanh, 40% thường cảm thấy cô đơn, có ý định tự tử.

Kỳ thị và phân biệt đối xử là một rào cản nghiêm trọng hạn chế việc chia sẻ, tìm kiếm sự trợ giúp và tiếp cận hỗ trợ của các thanh thiếu niên sử dụng ma túy.

Có đến gần 66% lo sợ phản ứng của mọi người nếu biết mình bị nghiện và gần 54% giấu tình trạng sử dụng ma túy.

"Cô lập và trừng phạt không là giải pháp" - Vì vậy, BS Chí Trung cho rằng cộng đồng cần giang rộng vòng tay, cho người nghiện có cơ hội "sống chung" để có thể hòa nhập.

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên