13/06/2012 06:04 GMT+7

Cần thay đổi cách thi cử

HOÀNG HƯƠNG ghi
HOÀNG HƯƠNG ghi

TT - Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh (phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập):

Tôi cho rằng việc đặt chuẩn đối với giáo viên tiếng Anh là việc làm cần thiết và với chuẩn như đề án đưa ra là phù hợp. Đây sẽ là cơ hội để ngành giáo dục “lọc” những giáo viên có “bằng cấp thật nhưng chất lượng ảo”.

Vấn đề quan trọng không kém là cần thay đổi cách thi cử hiện nay. Cách lý tưởng để giáo viên tiếng Anh không bị “lụt” nghề là cho học sinh thi tiếng Anh để lấy chứng chỉ quốc tế. Khi học sinh thi, đương nhiên thầy cô giáo cũng phải dạy để các em có thể thi đậu. Bên cạnh đó, thỉnh thoảng ngành GD-ĐT cần yêu cầu giáo viên đi thi lại xem có đạt chuẩn không. Nếu không đạt chuẩn sẽ bị chế tài.

Tuy nhiên, phương pháp này lại có nhược điểm là “mở” một “thị trường” mênh mông cho nước ngoài. Cách thứ hai có thể làm là hợp tác với nước ngoài để biên soạn đề thi tiếng Anh cho học sinh như Nhật Bản từng làm. Nhưng có cách thứ ba mà tôi thấy đề án ngoại ngữ quốc gia ghi là mình sẽ tự làm đề thi tiếng Anh. Cách này mình sẽ tự chủ và độc lập hơn nhưng việc triển khai như thế nào, có gian dối hay không thì tôi không dám lạm bàn. Tôi chỉ mong và đề xuất như thế này: nếu mình tự làm đề thi tiếng Anh thì song song đó cần có một cơ quan nghiên cứu và giám sát độc lập. Cơ quan này sẽ phân tích các số liệu và báo cáo cho “chủ đề án” tất cả những mặt tiêu cực, tích cực một cách khách quan. Dĩ nhiên tôi biết kinh phí để nuôi cơ quan nghiên cứu này là rất lớn nhưng rất cần, có thể tránh được tình trạng “đầu voi đuôi chuột” và cuối cùng là cả đề án thất bại.

Ông Cao Huy Thảo (hiệu trưởng Trường THPT quốc tế Việt - Úc, TP.HCM):

Thay đổi từ trường sư phạm

Ngoại ngữ là môn học thiên về kỹ năng nhiều hơn, nếu ta không sử dụng thì kỹ năng sẽ bị mai một dần. Nhà nước đang đổ ra tiền tỉ để mở lớp bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh. Nhưng khi họ đã đạt chuẩn rồi thì liệu họ có giữ được chuẩn không - trong bối cảnh chương trình, phương pháp giảng dạy, điều kiện trường, lớp, sĩ số học sinh, phương pháp thi cử vẫn không thay đổi.

Thêm vào đó trình độ học sinh của ta không đồng đều, giáo viên vẫn phải dùng tiếng Việt để dạy tiếng Anh. Như vậy, kỹ năng nghe - nói của giáo viên nếu không được sử dụng sẽ mai một dần và mọi thứ lại quay về điểm xuất phát ban đầu, vừa tốn kém, vừa mất thời gian lại không hiệu quả.

Theo tôi, trong điều kiện khó khăn về kinh tế như hiện nay, Nhà nước không nên đổ tiền ra để bồi dưỡng cho tất cả giáo viên tiếng Anh mà chỉ nên chọn một số người trẻ vì giáo viên trẻ dễ tiếp thu hơn (nếu bồi dưỡng 75 hoặc 150 giờ thì chưa giải quyết được việc nâng cao kỹ năng nghe - nói một cách cơ bản). Sau đó, ngành chỉ lựa người đạt chuẩn dạy chương trình mới theo đề án.

Song song đó, việc cần làm ngay là phải thay đổi từ chính các trường sư phạm, làm sao để khi sinh viên sư phạm ra trường họ đã đạt chuẩn quốc tế rồi, sẵn sàng giảng dạy chương trình mới hiệu quả.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

HOÀNG HƯƠNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên