Sỏi mật hay gặp ở những người ăn uống không điều độ, no đói thất thường, nhất là những người ăn quá nhiều chất béo, phụ nữ béo mập, sinh đẻ nhiều lần và những người ít vận động, thiếu thể dục thể thao…
Số liệu thống kê cho thấy, khoảng 30 – 50% trường hợp sỏi mật không có triệu chứng gì đặc biệt. Bệnh chỉ được phát hiện nhờ siêu âm ổ bụng nhân một dịp kiểm tra sức khỏe toàn diện.
Triệu chứng của bệnh sỏi mật rất đa dạng, tùy thuộc vào vị trí, kích thước, tính chất của sỏi và diễn tiến của bệnh. Sỏi túi mật thường ít khi gây đau thắt, chỉ gây cảm giác khó chịu, trướng đầy ở bụng trên hoặc ở sườn phải, nóng dạ dày, ợ hơi, ợ chua… Những triệu chứng trên thường bộc lộ rõ hơn sau một bữa ăn nhiều chất béo. Sỏi ống túi mật và sỏi ống mật chủ thường gây nên những cơn đau kịch liệt, kiểu đau quặn hay đau thắt.
Tuổi thường xảy ra sỏi mật là tuổi trưởng thành, người lớn tuổi bị nhiều hơn. Thường bệnh nhân đến khám trong tình trạng đau bụng, sốt, vàng mắt, vàng da, nước tiểu vàng, phân trắng bạc. Mặt khác, do mật ngấm vào da gây ngứa nên trên da của người bệnh có nhiều nốt sần mẩn ngứa. Hơn nữa, nhiều người bệnh đến khám khi đã có nhiễm trùng nên rất dễ bị sốc nhiễm trùng đường mật. Chính vì vậy, khi có các triệu chứng như đau hạ sườn phải; sốt, xuất hiện vàng mắt, vàng da, tiểu vàng, đại tiện phân trắng bạc màu thì nên đi khám sớm để điều trị kịp thời.
Điều đáng nói, nếu sỏi túi mật không gây viêm nhiễm thì người bệnh không cần phẫu thuật mà có thể sống chung “hòa bình” suốt đời, còn trong trường hợp túi mật viêm dày, viêm tái phát nhiều lần kèm theo polyp túi mật, thành túi mật bị đóng vôi thì bác sĩ sẽ chỉ định mổ sớm.
Còn đối với sỏi ống mật chủ gây tắc mật kéo dài sẽ gây tình trạng nhiễm trùng đường mật, gây rối loạn tiêu hóa, gây ứ mật, hư gan thì cần khám và điều trị ngay. Hiện nay có phương pháp không cần mổ mà vẫn lấy được sỏi là phương pháp nội soi mật tụy ngược dòng.
Để phòng bệnh cần tránh thừa cân hoặc có mức cholesterol máu cao vì đây là nguy cơ phát triển sỏi mật-thủ phạm chính của tắc nghẽn đường mật. Vì vậy, cần ăn ít chất béo, nhất là các chất béo có nguồn gốc động vật như mỡ, hạn chế đồ ăn có nhiều cholesterol và luyện tập thể dục điều độ.
Nhiễm ký sinh trùng như giun, sán… cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường mật, do vậy cần đảm bảo nguyên tắc ăn uống hợp vệ sinh, ăn chín, uống sôi và tẩy giun theo định kỳ 6 tháng một lần. Cần hạn chế uống rượu và hút thuốc lá vì chúng có thể làm tổn thương đến hệ thống gan mật và làm tăng nguy cơ đường mật. Những bệnh nhân đã mổ sỏi mật nên siêu âm định kỳ để phát hiện sỏi tái phát.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận