20/09/2013 05:30 GMT+7

Cẩn thận với các loại thảo dược

ĐỨC PHÚ - NGỌC NGA
ĐỨC PHÚ - NGỌC NGA

TT - Dư luận đang xôn xao về vụ hai người đàn ông ở Lâm Đồng uống rượu ngâm rễ cây rừng dẫn tới một người tử vong, một người ngộ độc.

Thực tế các loại rễ cây như mật nhân, xáo tam phân... thật giả lẫn lộn vẫn được bày bán ở nhiều tuyến đường tại TP.HCM.

zpp2GoaE.jpgPhóng to
Rễ mật nhân được bày bán trên đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: Đức Phú

Lo ngại hơn, chính người bỏ mối thần dược tiết lộ vì lợi nhuận họ đã trộn rễ cây khác vào để lừa người mua.

Lời quảng cáo ngọt ngào

Theo ông T., một đầu mối bán rễ mật nhân trên đường Nguyễn Văn Đậu, Q.Phú Nhuận, hàng được ông qua tận các tỉnh biên giới Campuchia thu gom đưa về TP.HCM bán lẻ. Ông T. cho biết có nơi lợi dụng người mua không biết rõ đặc tính của rễ mật nhân nên trộn một loại rễ cây có đặc điểm tương tự để tăng số lượng. Tuy nhiên, người trong nghề có thể nhận biết được rễ mật nhân giả qua vị đắng nhẹ so với mật nhân thật. Có người còn vào tận rừng quan sát thân cây mới phát hiện vỏ, cành, lá, quả... của hai loại cây này khác nhau. Tiếp lời, ông T. quảng cáo rễ mật nhân ông bán là loại thật. Tác dụng có thể chữa được nhiều bệnh như đái tháo đường, đau mỏi xương khớp, viêm gan, gút... Tùy vào loại rễ thô hoặc rễ sơ chế thành lát mỏng, giá dao động 60.000 - 80.000 đồng/kg.

Đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình là nơi nhiều người bán rễ mật nhân như bó củi khô với lời quảng cáo chữa bách bệnh. Bà M., một người bán rễ mật nhân “gia truyền”, bảo: “Nếu ngâm rượu cũng phải đúng bài thuốc, ngâm tầm bậy lỡ ngộ độc rất dễ chết oan. Rễ mật nhân chỉ nên ngâm với quả chuối hột, không ngâm với các loại rắn, chim chóc”. Tuy nhiên nhân viên của một tiệm thảo mộc trên đường Lương Nhữ Học, P.10, Q.5, lại hướng dẫn: “Ngâm rễ mật nhân với thứ gì chả được, nó là rễ cây rừng ngâm chung với loại khác cũng đâu có chết ai”!

Cũng trên đường Cộng Hòa, ông L., một người bán các rễ cây rừng, không ngớt quảng cáo công dụng của thần dược chữa đủ thứ bệnh trên đời. Khẳng định với khách đây là rễ thật, ông L. giải thích: “Rễ này được đào từ các vùng núi cao nên kích thước nhỏ, vỏ sần sùi. Còn mật nhân ở những vùng đất màu mỡ thường có rễ to, da trơn tru nhưng công dụng không được tốt lắm”. Ông L. quả quyết chỉ cần nấu mỗi ngày vài lát, uống liên tục trong một tháng sẽ chữa khỏi bệnh viêm gan B!

Ngoài mật nhân, ông L. còn đưa ra một nắm rễ rồi quảng cáo đó là rễ xáo tam phân được lấy từ các vùng núi cao tỉnh Khánh Hòa. Loại rễ này đặc trị ung thư nên có giá khá mắc từ 1,5 - 2 triệu đồng/kg.

Không có thuốc trị bá bệnh

Bác sĩ Trần Văn Năm, phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, khẳng định không có một loại thuốc nào có thể trị được tất cả các bệnh. Đối với dược liệu khi dùng phải theo nguyên tắc: trước hết nó phải đúng là nó, người dùng có bệnh hay không và có chỉ định của bác sĩ mới được dùng. Trong đông y, để chữa một bệnh nào đó thường kết hợp các vị thuốc với nhau chứ không dùng đơn thuần một loại. Các bác sĩ sẽ xem xét thể trạng và bệnh tình cụ thể của bệnh nhân để có chỉ định, kết hợp dùng thuốc cho hợp lý.

Một số người quan niệm các loại thuốc từ rễ, lá cây rất lành uống bao nhiêu cũng được, nhưng theo bác sĩ Năm đó là quan niệm sai lầm. Bất kỳ một loại thuốc nào cũng phải dùng theo chỉ định, đúng liều lượng, đúng thời hạn sử dụng. Nếu dùng không đúng, các loại rễ cây này trong một thời gian dài có thể gây ngộ độc, phản ứng phụ, bệnh tình càng thêm nặng. Đó là chưa kể tình trạng cây thuốc giả, người mua rất khó phân biệt khi dùng sẽ rất nguy hiểm. Ngoài ra, các loại rễ cây thuốc được bày bán ngoài đường mưa nắng bụi bặm sẽ làm giảm chất lượng, nấm mốc, khi dùng sẽ có hại cho sức khỏe.

Đối với cây mật nhân, đông y ghi nhận nó có tác dụng làm khí huyết lưu thông, tăng lực. Một số chế phẩm thường bổ sung mật nhân vào để chữa suy nhược, mệt mỏi, đau nhức chứ không phải là loại cây có thể chữa bá bệnh như quảng cáo. “Người bệnh tuyệt đối không nên tự ý mua các loại rễ cây hay các loại thuốc về uống. Khi gặp vấn đề về sức khỏe phải đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán, chỉ định điều trị hợp lý, kịp thời, tránh tình trạng tiền mất tật mang”- bác sĩ Năm khuyến cáo.

May nhờ, rủi chịu?

Theo đại diện phòng kiểm nghiệm thuốc đông dược, Viện Kiểm nghiệm thuốc T.Ư, so với đợt kiểm nghiệm năm 2012, kiểm nghiệm thuốc đông dược năm 2013 đã thấy giảm hẳn tình trạng giả mạo thuốc đông dược. Song kiểm nghiệm từ đầu năm đến nay vẫn phát hiện tình trạng đưa cây gì chưa rõ vào làm vị hoàng kỳ, hay phát hiện thuốc đông dược ẩm, lẫn đất do sơ chế chưa sạch.

Theo ông Nguyễn Đăng Lâm, phó viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc T.Ư, hiện có thông tin về việc tách chiết bớt dược chất trước khi đông dược được nhập khẩu vào VN, qua kiểm nghiệm cho thấy vết hoạt chất ở nhiều loại đông dược nhỏ và có màu nhạt hơn mẫu chuẩn. Theo ông Lâm, trung bình mỗi năm có 7.000-10.000 mẫu đông dược được lấy kiểm nghiệm, khoảng 10% trong số đó không đạt yêu cầu chất lượng. Tuy nhiên, con số thuốc đông dược không đạt yêu cầu chất lượng ở VN.

Thống kê từ Bộ Y tế, hiện 2/3 dược liệu sử dụng ở VN được nhập khẩu từ Trung Quốc, chủ yếu nhập qua đường tiểu ngạch nên rất khó kiểm soát chất lượng trước lưu hành.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

ĐỨC PHÚ - NGỌC NGA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên