Bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân T. ngày 28-1, gần 10 ngày sau khi anh này bị viêm tụy cấp do rượu - Ảnh: L.ANH
Nên hạn chế uống rượu trong dịp tết, hạn chế số lần uống và số rượu dùng mỗi lần. Nếu đã uống rượu thì không nên tham gia giao thông. Người thân nên theo dõi nếu gia đình có người li bì sau khi uống rượu
BS Nguyễn Trung Nguyên (Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai)
Anh T. được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và được chẩn đoán viêm tụy cấp do rượu, đang phải thở máy.
33 tuổi, trông khá to lớn vạm vỡ nhưng giờ đây anh T. phải mặc bỉm như trẻ em, không thể tự thở được, phải dẫn lưu rất nhiều dịch đen sì chảy ra từ ổ bụng. Các bác sĩ cũng chưa xác định được ngày anh có thể ra viện dù tết gần kề.
Coi chừng viêm tụy cấp
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, cho hay chưa tết nhưng ngày nào trung tâm cũng tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc rượu vào viện, trong đó riêng tối 27-1 có ba bệnh nhân ngộ độc rượu vào viện.
Sáng 28-1 một bệnh nhân nghiện rượu, uống phải cồn công nghiệp (methanol) dẫn đến ngộ độc, tổn thương não không hồi phục và tử vong.
Theo bác sĩ Nguyên, gần đây người ngộ độc methanol có trong rượu giả có giảm, nhưng thị trường lại có thêm một sản phẩm có thể gây ngộ độc methanol là cồn dùng để rửa thiết bị và đốt, bề ngoài trông rất giống cồn sát trùng.
Bệnh nhân vừa tử vong đã uống loại cồn này (chứa tới 97% là methanol), trên nhãn chai ghi rõ là cồn dành để rửa thiết bị và đốt, không pha loãng để uống thay rượu nhưng người nghiện vẫn mua và tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Gia Bình, chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc, chia sẻ trước đây phần lớn người bệnh viêm tụy cấp là do giun, sỏi làm tắc nghẽn đường mật tụy, dẫn đến chứng viêm; gần đây đa số bệnh nhân viêm tụy cấp phải vào Bệnh viện Bạch Mai và các tuyến y tế khác là do rượu. Tùy độ dung nạp của mỗi người mà có người uống không nhiều rượu cũng có thể bị viêm tụy cấp.
Kêu gọi uống có trách nhiệm
Đã có một số người gây tai nạn giao thông trong vài ngày gần đây có uống rượu trước khi lái xe. Theo bác sĩ Bình, rất nhiều bệnh nhân viêm tụy cấp bị tái phát do uống rượu trở lại, hoặc gặp các biến chứng của bệnh như đái tháo đường, suy kiệt, kém hấp thu thức ăn, lúc nào cũng cảm thấy ăn không tiêu, đầy bụng, khó chịu...
Và dù là căn bệnh nặng, điều trị phức tạp, phần lớn bệnh nhân viêm tụy do rượu lại ở lứa tuổi 20-50, là lứa tuổi lao động sung mãn nhất, trụ cột của gia đình và xã hội. Chính vì lý do này, các bác sĩ kêu gọi "uống có trách nhiệm" trong những ngày sắp tới.
Bác sĩ Nguyên khuyến cáo có thể coi một người là say rượu nặng, ảnh hưởng sức khỏe nếu người đó không ngồi được, gọi hỏi thấy lơ mơ, thở chậm, yếu hoặc ngừng thở, nôn nhiều... Gặp những trường hợp như thế này, gia đình nên đưa bệnh nhân đi bệnh viện.
Có một số trường hợp uống rượu vào là ngủ nên khi thấy có tình trạng li bì sau say rượu thì gia đình không can thiệp, để người thân ngủ nhưng sáng hôm sau người say rượu đã tổn thương não không hồi phục được.
Ngoài kêu gọi uống có trách nhiệm, các bác sĩ còn khuyến cáo người bệnh mãn tính cần uống đủ thuốc, không ăn quá nhiều hay thức quá khuya tránh xảy ra biến chứng.
Theo bác sĩ Bình, những dạng bệnh ông gặp nhiều trong dịp tết gồm bệnh nhân cao huyết áp lên cơn cấp do người bệnh quên uống thuốc, bệnh nhân đái tháo đường hay bệnh thận có ăn mặn hơn, thức khuya hơn hoặc ăn thêm vài miếng dẫn đến biến chứng, người bị ngộ độc thực phẩm...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận