25/12/2019 11:09 GMT+7

Cẩn thận mất tết vì chó cắn

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TTO - Chỉ trong những ngày gần đây, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ em bị chó cắn, để lại nhiều vết thương nặng trên mặt, trên cơ thể.

Tại khoa mắt, răng hàm mặt, tai mũi họng Bệnh viện Nhi Đồng 2, bé trai H.T.T., 2 tuổi, ngụ ở Đồng Nai, đang được ba mẹ cho ăn bữa sáng. Trên mặt bé có một đường khâu dài từ lỗ tai đến gò má vòng xuống tận cổ. Đây là một trong những đường sẹo để lại từ vụ bé bị chó cắn. Dưới đùi bé cũng có vết thương dài khoảng 6cm. Cổ bé có mấy vết thương nhưng ở má là sâu và rộng nhất.

Bị chó nhà cắn thảm thương

Mẹ bé T. nhìn bé đau lòng nói: "Tết này coi như nhà em không có tết. Con bị thế này, không còn lòng dạ gì để đón tết". Mẹ bé T. kể, hôm đó hai vợ chồng đi làm, bé ở nhà với bà nội, không biết sao bé lại tự mở cửa xuống chỗ ổ chó đẻ dưới nhà, bế một con chó con đang bú mẹ. Con chó mẹ thấy vậy đã xông vào cắn vào mặt, vào người bé. 

Lúc bé khóc ré thảm thiết, bà nội chạy xuống mới phát hiện ra bé bị chó cắn. Gia đình đưa bé đến bệnh viện địa phương để được sơ cứu, sau đó chuyển lên cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 2. Cả ba mẹ bé đều không thể ngờ rằng con trai mình lại bị chó trong nhà cắn thảm thương như vậy.

Trước đó, một bé trai 20 tháng tuổi, ngụ ở Bến Tre, cũng được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 trong tình trạng bị cắn nát môi trên môi dưới, má rách sâu, rách mí mắt, vết thương ở môi, má bị chảy máu nhiều. 

Cháu được đưa vào bệnh viện tuyến dưới nhưng do tình trạng nặng nên sau khi sơ cứu, bệnh viện tuyến dưới đã chuyển ngay lên Bệnh viện Nhi Đồng 2. Theo lời người nhà kể lại, bé sang nhà hàng xóm chơi, thấy con chó chạy đến, bé nắm đuôi con chó và bị con chó cắn.

Trường hợp khác là bé gái D.N.B.C., 6 tuổi, ngụ ở Bình Dương, cũng bị một con chó đẻ cắn ở mắt, gây sụp mi...

Trẻ bị tai nạn sinh hoạt tăng về cuối năm

BS Lê Thanh Bình - quyền điều hành khoa mắt, răng hàm mặt, tai mũi họng Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cho biết mỗi năm chỉ riêng khoa này tiếp nhận hơn 10 ca bị chó cắn, nhưng không hiểu sao những ngày này khoa tiếp nhận liên tục ba ca bị chó cắn mà ca nào cũng nặng.

Những ca này khi đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 đều được đưa vào khoa cấp cứu, sau đó các bác sĩ đưa bệnh nhi vào phòng mổ, gây mê để cắt lọc vết thương, khâu lại vết thương. Trong ba ca bị chó cắn ở trên, có hai ca bác sĩ phải xử lý cắt lọc vết thương, khâu lại trong suốt ba giờ đồng hồ.

Theo bác sĩ Thanh Bình, những bệnh nhi này đều được tiêm ngừa uốn ván, chó dại, dù hỏi ra những con chó này trước đó đều đã được chích ngừa dại. Nhưng do các bé này đều bị cắn trên khuôn mặt nên đều phải chích ngừa chó dại vì khi trẻ bị thương ở mặt, nơi có nhiều mạch máu sẽ mang vi trùng lên não rất nhanh. 

Những vết thương do chó cắn thường là những vết thương dơ, phức tạp vì chó cắn thường gặm qua gặm lại. Những trẻ bị chó cắn này ít nhất phải chích kháng sinh từ 7 ngày trở lên.

Bất kỳ vết thương sâu nào cũng đều để lại sẹo. Sau khi trẻ được cắt chỉ, xuất viện, các bác sĩ vẫn phải cho bôi những chế phẩm về da để làm mờ sẹo nhưng cũng chỉ làm mờ ở mức độ tương đối chứ vẫn để lại sẹo. Đối với trẻ còn nhỏ, sau này lớn vết sẹo sẽ mờ theo thời gian nhưng không thể mất đi. Những trường hợp này các bác sĩ đã cố gắng xử lý kỹ càng nhất để giữ được thẩm mỹ tốt nhất trên gương mặt bé.

Bác sĩ Thanh Bình cho biết, cuối năm khoa thường tiếp nhận một số lượng lớn bệnh nhi bị chấn thương về hàm mặt do tai nạn sinh hoạt (trong đó có chó cắn) và tai nạn xe cộ. Có thể cuối năm người lớn nhiều công việc, cha mẹ chăm sóc trẻ không kỹ hoặc cha mẹ cho con di chuyển ngoài đường nhiều.

Trẻ nhỏ chưa ý thức được nguy hiểm từ vật nuôi

Theo các bác sĩ, những nhà nào nuôi chó thì nên nhốt, xích lại để tránh cho trẻ chơi với chó, tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc như trên. Vì trẻ không ý thức được những nguy hiểm từ những con vật nuôi. Với khí hậu nhiệt đới, khi nuôi động vật ở Việt Nam sẽ dễ bị nhiễm ký sinh trùng từ chúng và còn có thể bị dị ứng.

Mèo cào nguy hiểm như chó cắn Mèo cào nguy hiểm như chó cắn

TTO - Một bệnh nhi 11 tuổi (ở Tuyên Quang) tử vong do mèo cào. Nguyên nhân hai tháng trước đó bệnh nhi bị mèo nhà hàng xóm cào mấy vết vào lưng và tay, bệnh dại lây từ động vật khiến bệnh nhi sợ gió, rét run, rùng mình, sợ ánh sáng, tiếng ồn.

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: chó cắn